Bản án cho 14 bị cáo trong vụ án tại Công ty cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên

Thứ Bảy, 08/06/2013, 23:47
Sau hơn 9 ngày đưa ra xét xử, chiều 6/6, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên phạt 14 bị cáo trong vụ án Công ty cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên tổng cộng 72 năm 3 tháng tù. Đây được xem là một trong những vụ án kinh tế được dư luận quan tâm trong suốt một thời gian dài, cơ quan CSĐT của Bộ Công an đã phải điều tra trong 4 năm, 15 bị cáo bị truy tố ra trước tòa trong đó có nguyên Tổng Giám đốc, quyền Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam…
>>Khởi tố thêm 4 sếp cũ của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam

Trục lợi từ việc lạm dụng  chức quyền

Theo kết luận của cơ quan CSĐT Bộ Công an, ngày 10/7/1996, Bộ NN&PTNT có Quyết định thành lập Công ty Công nghiệp rừng Tây Nguyên trực thuộc Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (có trụ sở đóng tại số 9, đường Nguyễn Thị Định, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Tháng 10/2004, Bộ NN&PTNT ra Quyết định số 3420/BNN chuyển Công ty Công nghiệp rừng Tây Nguyên thành Công ty cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên (Công ty CNRTN) với số vốn điều lệ hơn 4 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 51% tổng vốn điều lệ và ông Võ Hồng Huỳnh (61 tuổi, trú tại TP Buôn Ma Thuột) đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty.

Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh Tây Nguyên chỉ đạo khai thác gỗ và cấp chỉ tiêu cho Công ty CNRTN. Từ chủ trương này, UBND các tỉnh Tây Nguyên đã ra các quyết định phân bổ chỉ tiêu cho Công ty CNRTN được mua gỗ ở các lâm trường với giá chỉ định (giá sàn, không qua đấu thầu). Trong vòng 9 năm, Công ty CNRTN đã được giao thu mua 215.054m3 gỗ tròn các loại tại lâm trường của các tỉnh Tây Nguyên để thực hiện chương trình của Chính phủ. 

Tuy nhiên, những cán bộ của Công ty CNRTN đã không thực hiện việc mua, cung ứng gỗ theo quy định. Dưới sự chỉ đạo của ông Võ Hồng Huỳnh, họ chỉ mua trên 19.000m3 đem về sản xuất đồ gia dụng để kinh doanh, số còn lại hơn 154.855m3 Công ty CNRTN đã hợp thức hóa bằng 532 hợp đồng kinh tế bán gỗ cho 209 cá nhân, doanh nghiệp không phải là đối tượng được thụ hưởng mua gỗ theo chương trình của Chính phủ để thu chênh lệch trái pháp luật với số tiền 12,53 tỷ đồng về cho công ty.

Trụ sở Công ty CNRTN, nơi xảy ra nhiều sai phạm của cán bộ.

Căn cứ từ kết luận điều tra của Bộ Công an, ngày 5/3/2009, Viện KSND TC đã phê chuẩn quyết định khởi tố các bị can: Võ Hồng Huỳnh (61 tuổi, trú TP Buôn Ma Thuột, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CNRTN); Trần Quốc Trí (53 tuổi, trú phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch, sau giữ chức Giám đốc Công ty CNRTN); Phạm Thị Hồng Liên (52 tuổi, trú quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Công ty CNRTN); Phạm Trọng Thi (53 tuổi, trú phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột, Trưởng phòng Kế hoạch Công ty CNRTN); Đào Thị Mai (48 tuổi, trú phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, Phó phòng Kế hoạch Công ty CNRTN), Hồ Thị Thanh Hà (48 tuổi, Kế toán trưởng Công ty CNRTN); Vũ Thị Lệ Quỳnh (44 tuổi, trú phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, nguyên Phó Giám đốc Công ty CNRTN, nguyên Phó Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk); Bùi Văn Tài (48 tuổi, trú phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, buôn bán tự do); Nguyễn Quang Vinh (55 tuổi, trú phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, Giám đốc Công ty TNHH Quang Minh); Mai Trung Tâm (50 tuổi, trú quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, buôn bán tự do) và Nguyễn Minh Đông (57 tuổi, trú quận 5, TP Hồ Chí Minh, buôn bán tự do) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đến ngày 2/11/2012, bốn bị can khác nguyên là lãnh đạo cao nhất trong Ban Tổng giám của Vinafor bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Lê Bá (72 tuổi, trú quận Đống Đa, TP Hà Nội, nguyên Tổng Giám đốc Vinafor); Trần Đức Sinh (61 tuổi, trú quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, nguyên Tổng Giám đốc Vinafor); Phạm Trọng Minh (59 tuổi, trú quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, Phó Tổng Giám đốc Vinafor) và Hà Xuân Hạnh (61 tuổi, trú quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinafor).

Các bị cáo tại phiên tòa.

Quá trình phạm tội của các bị cáo

Cũng theo nội dung vụ án, sau khi có chỉ tiêu được mua bán gỗ để thực hiện chương trình của Chính phủ, ông Võ Hồng Huỳnh cùng Ban Giám đốc là Trần Quốc Trí, Phạm Thị Hồng Liên, Vũ Thị Lệ Quỳnh, Phạm Trọng Thi và cán bộ Phòng Kế hoạch, Kế toán đã thống nhất, tổ chức móc nối với các tư thương, người môi giới để bán quyền mua gỗ chỉ tiêu. Các bị cáo đã tìm cách hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ mua bán lô gỗ và hoàn thiện thủ tục vận chuyển cho khách hàng. Trong đó, ông Võ Hồng Huỳnh là người trực tiếp thỏa thuận với những người môi giới như Bùi Văn Tài, Mai Trung Tâm, Nguyễn Minh Đông, Nguyễn Quang Vinh và một số tư thương khác bán quyền mua gỗ chỉ tiêu để thu chênh lệch số tiền từ 40.000 đồng đến 120.000 đồng/m3.

Sau khi các tư thương, người môi giới tìm được người mua gỗ thu tiền của họ và soạn thảo sẵn các hợp đồng kinh tế với người mua rồi mang tiền về nộp cho Công ty CNRTN để Công ty CNRTN dùng tiền này nộp cho các lâm trường với danh nghĩa Công ty CNRTN mua gỗ của các lâm trường. Phòng Kế hoạch dựa vào đó trình Giám đốc công ty ký hợp đồng kinh tế mua gỗ với các lâm trường và soạn thảo các hợp đồng kinh tế bán gỗ cho các khách hàng thể hiện số tiền chênh lệch giữa giá bán và giá mua theo chỉ đạo trực tiếp của ông Võ Hồng Huỳnh rồi chuyển hợp đồng cho Phòng Kế toán.

Căn cứ vào đó, Phòng Kế toán viết khống các loại hóa đơn chứng từ như phiếu chi tiền mua gỗ, phiếu thu tiền bán gỗ, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho và xuất hóa đơn bán hàng. Nhưng trên thực tế, Công ty CNRTN không xuất tiền để mua gỗ của khách hàng, không có kho bãi để chứa đựng gỗ dự trữ mà chỉ thu chênh lệch giữa hóa đơn tiền bán gỗ và hóa đơn tiền mua gỗ để thu về số tiền hơn 12 tỷ đồng.

Hậu quả là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung không được thụ hưởng chương trình nhân đạo của Chính phủ. Công ty CNRTN đã lợi dụng chủ trương này để bán quyền mua gỗ theo chỉ tiêu cho các tư thương, môi giới nhằm hưởng lợi trái pháp luật số tiền hơn 12 tỷ đồng.

Trong những ngày diễn ra xét xử, hầu hết các bị cáo đều một mực kêu oan, cho rằng mình là không phạm tội. Trong đó, các bị cáo tại Công ty CNRTN cho rằng làm theo sự chỉ đạo của Giám đốc Võ Hồng Huỳnh. Tuy nhiên, trước những bằng chứng cũng như những chứng cứ xác thực đưa ra, các bị cáo đã phải cúi đầu nhận tội. Sau giờ nghị án, HĐXX xét thấy các bị cáo đều có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, bản thân có nhiều đóng góp cho xã hội… đây là những tình tiết để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Tuy nhiên, cũng cần phải có một bản án thích đáng để làm gương cho kẻ khác. Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo Vũ Thị Lệ Quỳnh, Phạm Trọng Thi, Đào Thị Mai mỗi bị cáo 10 năm tù ; Trần Quốc Trí 9 năm tù ; Phạm Thị Hồng Liên 3 năm tù cho hưởng án treo; Hồ Thị Thanh Hà, Bùi Văn Tài mỗi bị cáo 6 năm tù; Mai Trung Tâm 5 năm tù ; Nguyễn Minh Đông 4 năm tù ; Nguyễn Quang Vinh 2 năm tù cho hưởng án treo; Lê Bá 3 năm tù ; Phạm Trọng Minh 2 năm tù ; Trần Đức Sinh 18 tháng tù cho hưởng án treo; Hà Xuân Hạnh 9 tháng tù cho hưởng án treo.

Riêng ông Võ Hồng Huỳnh được TAND xem xét cho tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can để đi chữa bệnh bắt buộc vì trước đó, ông Huỳnh có dấu hiệu bị bệnh tâm thần. Sau thời gian chữa trị, nếu bệnh có tiến triển thì tòa sẽ xử lý sau theo quy định của pháp luật

Văn Thành
.
.
.