Từ vụ trọng án ở Phú Yên:

Bài học đắt giá cho những kẻ hành xử kiểu côn đồ

Thứ Tư, 23/02/2005, 00:00

Hơn 7 tháng trôi qua, nhưng chiều nào bà Phạm Thị Diệu cũng ngồi khóc bên bàn thờ đứa con út là Huỳnh Bảo Quốc đã chết oan khi mới tuổi 23. Đến nay, 9 đối tượng liên quan tới vụ sát hại Quốc đã bị khởi tố và vấn đề đặt ra từ vụ án này là một bài học ứng xử dành cho giới trẻ.

Giữa tháng 2/2005, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã có kết luận điều tra và đề nghị truy tố 9 bị can về tội cố ý gây thương tích bằng hung khí nguy hiểm với tính chất côn đồ, dẫn đến hậu quả người tử nạn, kẻ bị thương.

Nỗi đau người mẹ

Bà Phạm Thị Diệu (55 tuổi), trú ở thị trấn Phú Lâm, huyện Tuy Hòa, cho biết sau khi trượt đại học, Quốc theo nghề thợ sơn xây dựng để mưu sinh. Khoảng 21h tối 15/7/2004, nhóm thợ sơn rủ nhau đến quán cà phê Tình ở gần nơi tạm trú để nhậu lai rai. Trong lúc nhậu, Lê Văn Định (21 tuổi), trú ở khóm 4, thị trấn Phú Lâm, cự nự Phạm Văn Tùng (37 tuổi), trú ở thôn Lương Phước, xã Hòa Phú, vì cho rằng Tùng đã né tránh một ly rượu.

Dù không liên can gì đến cuộc nhậu, nhưng một số thanh niên ở địa phương là Nguyễn Văn Đẳng (23 tuổi), Võ Bình Giang (28 tuổi) đang ngồi uống nước cạnh đó mưu tính đánh nhóm thợ sơn. Cả hai lần lượt điều khiển xe máy xuống cầu ván gần đó để lôi kéo nhóm bạn gồm: Lê Tử Lê (19 tuổi), trú ở thôn Hội Cư, xã Hòa Tân Tây, Võ Chí Thành (24 tuổi); Phan Thanh Thúy (25 tuổi), Lê Đình Quốc (24 tuổi), trú ở thôn Lương Phước, xã Hòa Phú; Bùi Tuấn Kiệt (26 tuổi), Phan Vũ Thành Tín (22 tuổi), trú ở thôn Mỹ Thạnh Trung 1, xã Hòa Phong và Vương Trấn Hân (23 tuổi), trú ở thôn Phú Thứ, xã Hòa Bình 2.

Có sẵn hai ống tuýp sắt trong tay, nghe Giang kích động đánh nhóm thợ sơn vì "tụi nó dám cự nự lại anh Tùng", Lê đi xe máy xuôi đường ĐT645 gần 10 km, xuống tới thôn Phú Thứ, xã Hòa Bình 2 lấy thêm hai ống tuýp sắt nữa. Có hung khí trong tay, 9 thanh niên đi 3 xe máy ngược lên quán cà phê Tình khi nhóm thợ sơn vừa rời quán.

Lập tức, Đẳng cùng đồng bọn xông vào đánh nhóm thợ sơn, gây náo loạn một vùng quê. Thợ sơn Lê Văn Định ngã gục bên lề đường ĐT645 vì bị Thành đánh tuýp sắt vào đầu. Huỳnh Bảo Quốc bị Lê, Tín, Kiệt, Hân vây đánh ngã nhào xuống con kênh. Dù nạn nhân chấp chới giữa dòng kênh và đang gượng sức đưa hai tay lên khỏi mặt nước ra hiệu cầu cứu, nhưng Lê vẫn thản nhiên cầm đá ném vào đầu khiến Quốc bị tử vong.

Cần có hình phạt nghiêm minh

Tiếp xúc với chúng tôi ngày 18/2, bà Diệu kể lại trong nỗi đau xót: "Cả gia đình tôi sửng sốt khi nhận được hung tin, gần hai ngày một đêm thuê ngư dân từ làng biển Đông Tác đến hiện trường dò tìm bằng nhiều biện pháp, mãi đến chiều 16/7/2004 mới tìm thấy thi thể con trai tôi nằm dưới đáy kênh".

Ngoài một số vết thương đã được ghi nhận tại biên bản khám nghiệm tử thi, Tổ chức giám định pháp y tỉnh Phú Yên kết luận, nạn nhân Huỳnh Bảo Quốc tử vong do ngạt nước, còn Lê Văn Định bị thương tích 8%.

Sau khi gây án, Lê Tử Lê, Vương Trấn Hân bỏ trốn, đến cuối tháng 12/2004, Lê bị bắt khi đang lẩn trốn tại buôn Đắk Lô, xã Đắk Rung, huyện Đắk Song (Đắk Nông). Trong số 9 bị can đã vào vòng tố tụng hình sự, Thành, Đẳng, Quốc từng bị UBND xã Hòa Phú xử phạt hành chính về hành vi đánh người khác; Kiệt đã bị Tòa án quân sự Quân khu 5 xử phạt 12 tháng tù về tội "Gây rối trật tự công cộng"; Tín đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên xử phạt 12 tháng tù vào tháng 1-2003 về tội cố ý gây thương tích và chống người thi hành công vụ. Mặc dù vậy, các đối tượng này không từ bỏ tính côn đồ, nên đã cùng đồng bọn dùng hung khí nguy hiểm gây án với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, trong khi bọn chúng không hề mâu thuẫn gì với nhóm thợ sơn. Thậm chí, bị can Lê không chỉ là kẻ tích cực chuẩn bị hung khí, mà còn trực tiếp cùng với Tín, Kiệt, Hân vây đánh, ném đá, đẩy nạn nhân Huỳnh Bảo Quốc dẫn đến tử vong.

Dư luận kiến nghị cơ quan chức năng cần có "liều thuốc đặc trị" cho những kẻ côn đồ, bởi lẽ hình phạt nghiêm minh sẽ là bài học đắt giá dành cho giới trẻ, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm. Với riêng Vương Trấn Hân, chỉ có con đường duy nhất là phải sớm ra đầu thú, để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật

Hữu Toàn
.
.
.