Đau đáu chuyện quản lý đất rừng Tây Nguyên:

Bài cuối: Những “kẽ hở” cần bịt kín

Thứ Bảy, 29/06/2013, 11:57
Các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích tự nhiên 54.461km2, dân số khoảng 5,1 triệu người, là địa bàn chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng; đồng thời là tiềm năng lớn về tài nguyên rừng và nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, phát triển lâm nghiệp.
>> Bài 1: Nhiều bất thường trong việc giao khoán đất rừng ở Gia Lai

Rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty Én Việt Vina thuê để triển khai dự án trồng nấm từ ngày 30/1/2011, với tổng diện tích 109,5ha tại tiểu khu 143 thuộc xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.

Do đơn vị thuê đất lâm nghiệp không triển khai dự án như cam kết nên ngày 7/8/2012, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi toàn bộ diện tích nói trên giao cho đơn vị chủ rừng đầu nguồn Đa Nhim quản lý. Tuy nhiên, trong thời gian giao rừng cho Công ty Én Việt Vina đã bị một số đối tượng chặt phá chiếm đất trồng cây công nghiệp.

Tại huyện Di Linh, Công ty TNHH Phát Lâm (TP Bảo Lộc) được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê 378ha rừng để làm nông lâm kết hợp từ năm 2009 nhưng đến nay chỉ trồng được 39ha, trong khi đó để diện tích thuê bị chặt phá thiệt hại 40m3 gỗ...Ở Lâm Đồng có hàng chục doanh nghiệp đang thuê rừng và đất rừng để làm kinh tế với tổng diện tích khoảng 10.000ha nhưng nhiều doanh nghiệp bị phát hiện vi phạm lâm luật...

Ở Đắk Nông, vụ phá rừng tại Dự án sản xuất nông - lâm nghiệp của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới, nằm trên địa bàn xã Quảng Trực, huyện Tuy Ðức cũng là một bức xúc. Năm 2009, doanh nghiệp được UBND tỉnh Ðắk Nông giao 1.678ha đất để thực hiện dự án sản xuất nông-lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng tại các Tiểu khu 1528, 1534 xã Quảng Trực. Tuy chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt dự án khai hoang nhưng công ty này đã hợp đồng với Công ty Vinh Hiển triển khai dự án khai hoang sản xuất nông - lâm nghiệp làm diện tích rừng thiệt hại khoảng 70ha, trong đó có 38ha diện tích đất rừng khoanh nuôi bảo vệ, cấm khai thác.

Một doanh nghiệp chuyển rừng trồng cao su ở Đắk Lắk.

Tại Đắk Lắk, chủ trương chuyển rừng nghèo sang trồng cao su đã bị lợi dụng triệt để khi giao cho các doanh nghiệp tư nhân. Ngày 26/11/2010, Công ty Hoàng Gia Phát được UBND tỉnh Đắk Lắk giao 977ha đất lâm nghiệp ở tiểu khu 134, 138 thuộc xã Ea Jlơi, huyện Ea Súp để khoanh nuôi bảo vệ rừng và trồng cao su nhưng phần lớn diện tích rừng thực hiện dự án của Công ty Hoàng Gia Phát nằm trong khu vực phòng thủ kế hoạch A của tỉnh Đắk Lắk.

Các dự án trồng cao su của Công ty TNHH Hoàng Nguyễn và Công ty Đầu tư Tân Tiến được UBND tỉnh Đắk Lắk giao trên những cánh rừng khộp ở Ea Hleo và chồng chéo lên khu vực quy hoạch Khu du lịch Thác Bảy Tầng của huyện Ea Hleo...

Năm 2008, UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Lộc Phát (ở xã Phú Lộc, huyện Krông Năng) thuê 362ha đất đồi núi chưa sử dụng tại tiểu khu 106 thuộc xã Ea Hiao, huyện Ea Hleo, Đắk Lắk để trồng rừng nhưng không hiểu sao sau đó lại xuất hiện gần 50 ha cà phê trong diện tích đất mà Công ty TNHH thương mại và sản xuất Lộc Phát được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê để trồng rừng. Cuối năm 2012, qua kiểm tra dự án, cơ quan chức năng địa phương mới phát hiện trong vùng dự án của Công ty Lộc Phát có 48,178ha cà phê chè, phần lớn trồng trong các năm 2008- 2009.

Cũng liên quan đến Công ty Lộc Phát, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cho thuê đất cả trong khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn ở huyện Krông Năng để trồng cao su. Năm 2008, Công ty Lộc Phát chuyển nhượng dự án cho Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Tân Hưng Long (Khánh Hòa). Việc UBKT Trung ương xử lý kỷ luật nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Lữ Ngọc Cư cũng liên quan đến một phần trách nhiệm về việc giao đất rừng cho Công ty Lộc Phát sai quy định.

Từ năm 2008 - 2011, các tỉnh Tây Nguyên cho phép các doanh nghiệp khảo sát, lập hơn 270 dự án trồng cao su, với tổng diện tích trồng cao su trên đất lâm nghiệp là 117.220ha, nhưng phần lớn là đất rừng tự nhiên với diện tích lên tới 92.669ha (chiếm 79%).

Trong thời gian từ năm 2005 - 2012, bình quân, mỗi năm Tây Nguyên mất đi gần 26.000ha rừng, trong đó mất rừng do chuyển đổi trồng cao su chiếm tới 46,7%. Đáng buồn là nhiều dự án chuyển rừng trồng cao su chưa phát huy được tác dụng mang lại hiệu quả xóa đói giảm nghèo cho người dân tại chỗ. Một số dự án có dấu hiệu chuyển đổi, mua bán dưới các hình thức “liên kết đầu tư” một cách lòng vòng, lách luật...

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên tạm dừng các dự án chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích lâm nghiệp, tăng cường quản lý nhà nước về đất lâm nghiệp, kiểm tra, rà soát, thống kê diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép và kiên quyết tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi đất để có kế hoạch phục hồi, trồng lại rừng.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp giữa người dân tại chỗ với các chủ rừng, chủ đầu tư xây dựng dự án, không để tạo ra “điểm nóng” dẫn đến khiếu kiện đông người. Các tỉnh Tây Nguyên cần rà soát lại toàn bộ quy hoạch phát triển cao su và tình hình thực hiện các dự án trồng cao su theo Quyết định 750 của Thủ tướng Chính phủ.

Đây là một việc làm cần thiết và kiên quyết phải loại bỏ những doanh nghiệp, chủ dự án không có khả năng thực hiện dự án theo cam kết và có hành vi mua bán dự án núp bóng dưới các danh nghĩa “liên kết đầu tư”...

Ngọc Như
.
.
.