Thuê côn đồ rửa hận: Liệu pháp phòng ngừa

Thứ Hai, 05/09/2016, 08:13
Để giải quyết tận gốc việc những người thân trong gia đình thuê côn đồ gây án, trước hết phải thay đổi nhận thức của mỗi người...

Bài cuối: Liệu pháp ngăn ngừa

Nhóm đối tượng thực hiện hành vi phạm tội nhiều kẻ có tiền án, tiền sự; một số là thành viên trong các băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu xã hội đen. Song vì đồng tiền, các đối tượng sẵn sàng làm đủ mọi việc, kể cả những "hợp đồng" giết người. 

Việc trấn áp các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, nhóm tội phạm có tổ chức; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật và giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ gia đình cũng là giải pháp phòng ngừa các vụ án mạng đau lòng có thể xảy ra.

Được thuê bằng tiền là gây án

Nhận lời mời của một người không quen biết, hứa hẹn sẽ được trả một khoản tiền công xứng đáng, đối tượng Võ Văn Nghĩa (30 tuổi, ngụ thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) đã chém anh Nguyễn Hoàng Sơn (42 tuổi, ngụ huyện Tân Châu ).... 

Khi bị bắt giữ, Nghĩa khai rằng anh ta chỉ nghĩ đơn giản rằng, họ đã nhờ mình thì sẽ không lừa. Trong số các đối tượng cùng phạm tội với Nghĩa, có kẻ từng vừa ra tù về hành vi trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản...

Rồi chỉ vì ghen tuông với chồng, người đàn bà tuổi U60 cũng thuê côn đồ để xử tình nhân của chồng. Người phụ nữ đó là bà Tạ Thị Tuyết (57 tuổi) trú ở xã Nghi Kim, TP Vinh, Nghệ An. 

Các đối tượng được Tuyết thuê gồm có Lưu Viết Bền (36 tuổi, trú ở huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An); Nguyễn Văn Tuấn (27 tuổi, trú ở phường Quỳnh Phương, thị xã. Hoàng Mai, Nghệ An); Nguyễn Viết Đàn (25 tuổi, trú ở Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đến nay đều bị bắt về tội làm nhục người khác và cướp tài sản.

Tìm hiểu về các vụ án xảy ra trong thời gian qua, xuất phát từ việc thuê côn đồ để giải quyết mâu thuẫn trong gia đình, chúng tôi phát hiện cũng có lỗi của người bị hại. Trong trường hợp của bà Tuyết, chính sự phản bội của người chồng đã từng có với bà 3 mặt con, ông Lê Đình H. (62 tuổi) khiến người đàn bà bị liệt, không còn khả năng làm vợ cảm thấy tổn thương... 

Bà Tạ Thị Tuyết và nhóm đối tượng côn đồ thuê đánh ghen.

Bằng linh cảm của người vợ, từ đầu năm 2015, người đàn bà bất hạnh đó đã nhận thấy chồng mình có nhiều biểu hiện không bình thường. Bỏ mặc những lời chia sẻ của vợ, người đàn ông ấy vẫn lén lút quan hệ với một cô gái 19 tuổi và để lại hậu quả là một bào thai ở tháng thứ 5. Bị tổn thương rồi do ghen tuông, bà Tuyết đã thuê Lưu Viết Bền dằn mặt cô nhân tình của chồng với giá 3 triệu đồng...

Ở một góc độ nào đó, bà Tuyết cũng là nạn nhân. Nhưng cách hành xử theo kiểu xã hội đen của bà thì đúng là không thể chấp nhận được, dù bà có biện minh với bất cứ lý do gì.

Trong vụ án này, đối tượng Bền, người được bà Tuyết thuê để đánh ghen hộ, lại chính là anh họ của nạn nhân. Thế nhưng vì đồng tiền, đối tượng này vẫn xuống tay một cách tàn khốc với người em họ đang bụng mang dạ chửa...

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Cù Ngọc Nam, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương cho biết: Hiện nay, phương thức của các đối tượng hoạt động theo kiểu xã hội đen, băng nhóm tội phạm đã có sự thay đổi. 

Chúng  núp bóng các doanh nghiệp, các công ty kinh doanh hợp pháp, khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, chúng không trực tiếp dùng vũ lực thanh toán ngay mà từng bước đe dọa, quấy rối dưới nhiều hình thức đánh vào các đối tác làm ăn, kinh doanh của họ mà không gây ra các vụ án hình sự nghiêm trọng… 

Thời gian qua, số băng nhóm đã được kéo giảm sâu so với thời gian liền kề, nhiều băng nhóm tự tan rã, một số đối tượng hướng thiện làm ăn chân chính, số khác thì gia nhập các băng nhóm có biểu hiện hoạt động hiện hành. 

Đáng chú ý, đã xuất hiện một số băng nhóm hình sự lợi dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội tổ chức đánh bạc, lừa đảo… giữa các băng nhóm cũng có sự liên kết với nhau nên việc đấu tranh gặp không ít những khó khăn. 

Trong khi đó, hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức, côn đồ, nguy hiểm có sử dụng vũ khí nóng hoạt động lộng hành, liều lĩnh xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản người khác nhằm bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, tranh giành địa bàn làm ăn, tranh giành hợp đồng kinh tế trong vận tải, san lấp mặt bằng… Các nhóm tội phạm này, tiềm ẩn trên lĩnh vực kinh tế, ma túy.

Thủ đoạn hoạt động của tội phạm có tổ chức ngày càng tinh vi và thường tạo vỏ bọc dưới hình thức công ty, doanh nghiệp hợp pháp, đối tượng cầm đầu  không trực tiếp bộc lộ hành vi vi phạm mà thường thông qua nhiều cấp trung gian; các hành vi vi phạm của băng nhóm thường không thể xác định rõ ràng bằng hành động, mà chỉ những đối tượng trong băng nhóm hoặc đối tác của chúng mới chỉ ra được, do đó việc đấu tranh, thu thập tài liệu chứng minh hành vi của đối tượng cầm đầu rất khó khăn. 

Bên cạnh đó là tâm lý e ngại, sợ bị trả thù của một bộ phận quần chúng nhân dân, doanh nghiệp, nhất là những cá nhân, doanh nghiệp có quyền lợi bị đe dọa hoặc bị ảnh hưởng nếu đối đầu với băng nhóm tội phạm. 

Do đó hầu hết họ không dám đứng ra tố cáo hành vi vi phạm của các đối tượng mà thường chấp nhận các yêu cầu, yêu sách của chúng để được làm ăn yên ổn, thậm chí một số doanh nghiệp còn bắt tay với các băng nhóm để được yên phận, dễ bề hoạt động kinh doanh.

Đừng cầu viện côn đồ khi giải quyết mâu thuẫn

Để giải quyết tận gốc việc những người thân trong gia đình thuê côn đồ gây án, trước hết phải thay đổi trong nhận thức của mỗi người. 

Các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các ban, ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền, phát động mạnh mẽ phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, kịp thời nêu gương những tập thể, cá nhân tiêu biểu, lập thành tích xuất sắc trên mặt trận phòng, chống tội phạm; phổ biến tình hình, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm nhất là các thủ đoạn mới của tội phạm có tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của người dân trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm nói chung, tội phạm có tổ chức nói riêng để họ chủ động phòng ngừa và phản ánh kịp thời những thông tin về tội phạm đến cơ quan Công an phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm.

Cùng với đó, các tổ chức xã hội cần phải thường xuyên nắm bắt diễn biến tâm lý của người dân trên địa bàn... Từ đó kịp thời có hướng tháo gỡ, không để thành những mâu thuẫn âm ỷ, dai dẳng, dồn người bị hại đến tiêu cực. 

Về phía lực lượng Công an, để các đối tượng côn đồ không có đất để hoạt động thì thường xuyên tiến hành rà soát, thống kê, lên danh sách các băng nhóm tội phạm nghi vấn hoặc đang có biểu hiện hoạt động hiện hành, phân loại, phân cấp quản lý và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả. 

Tăng cường thực hiện các mặt công tác tập trung vào các đối tượng cầm đầu, côn đồ, hung hãn, đối tượng sử dụng vũ khí nóng… để chủ động có đối sách cụ thể và kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả. Công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng cần phải được tăng cường trên nhiều mặt như: đăng ký, quản lý cư trú, kiểm tra nhân khẩu, hộ khẩu, kiểm tra lưu trú và kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT. 

Qua đó, kịp thời phát hiện các đối tượng hình sự nghi vấn có biểu hiện hoạt động phạm tội hoặc tụ tập câu kết thành băng nhóm, từ đó trao đổi với lực lượng điều tra để áp dụng các biện pháp đấu tranh, triệt phá hoặc tác động răn đe, làm tan rã băng nhóm. 

Cùng với đó, cần chủ động rà soát các băng nhóm đối tượng hình sự từ khi có dấu hiệu manh nha hình thành băng ổ nhóm tội phạm có tổ chức, các đối tượng hình sự nguy hiểm, đối tượng sử dụng vũ khí nóng, vũ khí quân dụng, các đối tượng móc nối, câu kết với nhau thực hiện hành vi phạm tội, từ đó triển khai các biện pháp, đối sách phù hợp để đấu tranh triệt phá hoặc làm tan rã, kiên quyết không để tồn tại dưới mọi hình thức hoặc hoạt động gây ra các vụ án nghiêm trọng, phức tạp.

Xuân Mai
.
.
.