Án đã tuyên, 2 con trâu vẫn chưa về với chủ

Chủ Nhật, 15/04/2012, 07:58
"Con trâu là đầu cơ nghiệp" của nhà nông. Tuy nhiên vụ việc tranh chấp quyền sở hữu 2 con trâu ông Đồng Xuân Hơn và ông ông Nguyễn Văn Phong, ở huyện Văn Bàn tỉnh Lào Cai đã gần 4 năm qua vẫn chưa được giải quyết triệt để mà nguyên nhân bắt đầu từ việc tuyên án không rõ ràng của tòa án.

Sau gần 4 năm theo kiện quyền sở hữu 2 con trâu, ông Đồng Xuân Hơn, trú tại xã Hòa Mạc, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, vẫn chưa nhận được trâu của mình cho dù bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật. Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Văn Bàn cũng đã vào cuộc nhưng không đủ cơ sở để xử lý hình sự bên bị đơn về hành vi "Không chấp hành bản án". Nguyên nhân bắt nguồn từ một phán quyết không rõ ràng của TAND tỉnh Lào Cai. Với quyết định kháng nghị của Viện KSND Tối cao mới đây, liệu 2 con trâu có sớm về được với chủ?

"Con trâu là đầu cơ nghiệp" của nhà nông. Chính vì vậy, ngay sau khi phát hiện bị mất 2 con trâu, gia đình ông Đồng Xuân Hơn đã huy động họ hàng, người thân và chính quyền các xã lân cận truy tìm. Đến ngày 13/9/2008, ông Hơn phát hiện 2 con trâu nhà ông đang được ông Nguyễn Văn Phong, trú tại xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, nhờ người chăn giúp. Song trước cơ quan chức năng, cả ông Hơn và ông Phong đều đưa ra lý lẽ khẳng định 2 con trâu là của gia đình mình.

Vì vậy, ngày 20/10/2008, ông Hơn đã làm đơn khởi kiện ra tòa án nhờ phân xử tranh chấp quyền sở hữu tài sản. Vụ việc được xét xử qua cấp sơ thẩm, do có kháng cáo nên ngày 16/6/2009, TAND tỉnh Lào Cai xét xử phúc thẩm, công nhận 2 con trâu nói trên là của ông Đồng Xuân Hơn. Mặc dù án đã có hiệu lực pháp luật nhưng không thi hành được.

Nguyên do, án phúc thẩm chỉ công nhận quyền sở hữu 2 con trâu chứ không có chế tài buộc ông Phong phải trả lại trâu cho ông Hơn. Phát hiện thiếu sót này, ngày 26/6/2009, TAND tỉnh Lào Cai ra thông báo sửa chữa, bổ sung bản án phúc thẩm: Buộc ông Phong trả hai con trâu cho ông Hơn. Ngày 2/11/2010, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Văn Bàn đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Song trước ngày tổ chức cưỡng chế, ông Phong đã mang 2 con trâu này thả lên rừng, không chấp hành quyết định thi hành án.

Ngày 30/3/2011, Viện KSND huyện Văn Bàn có công văn đề nghị cơ quan CSĐT Công an huyện Văn Bàn xem xét trách nhiệm hình sự của ông Phong về dấu hiệu phạm tội "Không chấp hành bản án". Ngày 15/7/2011, cơ quan CSĐT Công an huyện Văn Bàn ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với ông Phong vì không có cơ sở pháp lý chứng minh ông Phong nhận được thông báo sửa chữa, bổ sung bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Lào Cai.

Hơn nữa, theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự: "Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án..." nên việc TAND tỉnh Lào Cai ra thông báo sửa chữa, bổ sung bản án phúc thẩm là không đúng pháp luật, dẫn đến việc Chi cục Thi hành án dân sự huyện Văn Bàn buộc ông Phong trả lại trâu cho ông Hợp cũng không có căn cứ. Khi một bản án không có chế tài cụ thể thì đương nhiên không thể quy kết ông Phong không chấp hành bản án.

Lúc này, Viện KSND Tối cao phải ra quyết định kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm số 14/2009/DSPT ngày 16/6/2009 của TAND tỉnh Lào Cai theo thủ tục giám đốc thẩm nhằm sửa chữa sai sót nghiêm trọng của Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Lào Cai dẫn đến bản án không thi hành được, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ông Hơn.

Vụ án "hai con trâu" rồi sẽ khép lại, song TAND tỉnh Lào Cai cần phải rút kinh nghiệm, kiểm điểm một cách nghiêm túc cá nhân sai phạm. Sẽ không đáng có nếu như Hội đồng xét xử phúc thẩm cẩn trọng hơn khi ban hành văn bản. Chỉ vì sự cẩu thả này mà pháp luật không được thực thi một cách nghiêm túc, dẫn tới ông Hơn phải theo kiện kéo dài

Đào Minh Khoa
.
.
.