Xét xử vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa Công ty Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú:

Ai là chủ sở hữu vở diễn thực cảnh đầu tiên ở Việt Nam?

Thứ Sáu, 15/03/2019, 08:13
Vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ vở thực diễn “Ngày ấy xứ Đoài” (còn có tên khác là “Ngày xưa”) đang thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận...

Ngày 14-3, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội (Công ty Tuần Châu) và bị đơn là Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS (Công ty DS) do đạo diễn Nguyễn Việt Tú là đại diện pháp luật về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ vở thực diễn “Ngày ấy xứ Đoài” (còn có tên khác là “Ngày xưa”).

Trước đó, những thông tin về vụ tranh chấp này đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi lẽ, đây là vở thực diễn đầu tiên ở nước ta, hoành tráng về quy mô, đặc biệt về sân khấu, diễn viên, đầu tư tài chính, nghệ thuật. Trong thời gian Công ty Tuần Châu kiện đạo diễn Việt Tú ra toà và chưa được giải quyết dứt điểm, công ty này thuê đối tác khác dựng vở thực diễn có tên “Tinh hoa Bắc Bộ”. 

Khi vở thực diễn này được công bố, thì đạo diễn Việt Tú cho rằng, “Tinh hoa Bắc Bộ” đã đạo ý tưởng vở “Ngày ấy xứ Đoài” của mình và cũng gửi đơn kiện lại Công ty Tuần Châu. 

Có lẽ, tính chất khá lắt léo của vụ việc cũng như sự quan tâm của công chúng đối với vở thực diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” – Một sản phẩm nghệ thuật vẫn được biểu diễn thường xuyên trên chính không gian xứ Đoài (khu vực chùa Thầy, Quốc Oai, Hà Nội) phục vụ khán giả và khách du lịch ngoại quốc nên phiên xét xử này có rất nhiều phóng viên theo dõi.

Rất đông các phóng viên đến theo dõi phiên tòa.

Được biết, ngày 16-11-2015, Công ty Tuần Châu và Công ty DS ký Hợp đồng nguyên tắc số 0111/2015/HĐNT/DS-TC, tổng giá trị 7,3 tỷ đồng (làm tròn) và sau đó ký thêm 2 phụ lục hợp lục hợp đồng, nâng tổng giá trị lên trên 8 tỷ đồng. Nội dung hợp đồng thể hiện, Công ty DS thực hiện tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình theo dự án trình diễn thực cảnh “Tuần Châu Hà Nội”. 

Để thực hiện hợp đồng này, đạo diễn Việt Tú đã xây dựng kịch bản “Ngày xưa” hay còn gọi “Ngày ấy xứ Đoài”. Còn Công ty Tuần Châu thực hiện việc thanh toán theo hợp đồng và phát sinh với tổng số trên 13 tỷ đồng.

Trong đơn khởi kiện, nguyên đơn cho rằng, trong thời gian thực hiện hợp đồng, Công ty DS đã vi phạm, cụ thể là đã tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm viết “Kịch bản vở diễn thực cảnh “Ngày xưa”” và được Cục bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 4779/2016/QTG ngày 31-8-2016, trong đó kê khai thông tin tác giả là ông Nguyễn Việt Tú và chủ sở hữu quyền tác giả là Công ty DS. 

Công ty Tuần Châu cho rằng, tác phẩm này được thực hiện trên cơ sở hợp đồng nguyên tắc giữa các bên. Đây là sản phẩm do Công ty Tuần Châu đầu tư thời gian, tài chính, cơ sở vật chất để tạo nên, bởi thế chủ sở hữu quyền tác giả phải là công ty này. 

Cũng vì, Công ty DS vi phạm hợp đồng và để đảm bảo tiến độ dự án nên Công ty Tuần Châu buộc phải ký kết hợp đồng với đối tác khác để xây dựng chương trình biểu diễn thực cảnh khác có tên “Tinh hoa Bắc Bộ” thay thế vở diễn “Ngày ấy xứ Đoài” với kinh phí gần 6 tỷ đồng. 

Công ty Tuần Châu yêu cầu Công ty DS chuyển giao chủ sở hữu quyền tác giả đối với “Kịch bản vở diễn thực cảnh “Ngày xưa”” theo đúng thỏa thuận đã ký trong hợp đồng nguyên tắc, chấm dứt việc khai thác liên quan đến vở diễn này; buộc bồi thường 6,2 tỷ đồng. Tại tòa, luật sư của nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện bị đơn và thay đổi mức bồi thường từ 6,2 tỷ đồng xuống 6 tỷ đồng và đưa ra các căn cứ khởi kiện.

Cũng tại phiên tòa này, luật sư của bị đơn đưa ra yêu cầu của thân chủ về việc Công ty Tuần Châu phải thanh toán 7,2 tỷ đồng do vi phạm hợp đồng, vi phạm quyền tác giả. Theo luật sư này, số tiền bồi thường 7,2 tỷ đồng gồm: Tiền lãi chậm trả, 10% doanh thu bán vé cho các buổi biểu diễn trong năm 2018 (thời gian hợp đồng còn hiệu lực), chi phí và thiệt hại phát sinh cho Công ty DS do các vi phạm hợp đồng. Đạo diễn Việt Tú khẳng định sẵn sàng bàn giao quyền sở hữu kịch bản vở “Ngày ấy xứ Đoài” cho Công ty Tuần Châu với điều kiện phải hoàn thành nghĩa vụ với Công ty DS.

Tại phiên tòa, luật sư các bên tham gia tranh tụng và đưa ra nhiều căn cứ, lý lẽ để bảo vệ thân chủ. Phiên tòa tạm dừng vào lúc gần 19h cùng ngày.  HĐXX sẽ ra phán quyết vào ngày 20-3.

C.H
.
.
.