Công an TP Cần Thơ:

6 đối tượng trong đường dây môi giới sản xuất, tiêu thụ GPLX giả sa lưới

Thứ Sáu, 15/07/2011, 13:32
Chiều tối 13/7, Thượng tá Trần Quang Thắng - Phó Thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an TP Cần Thơ cho biết, cơ quan này vừa thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Bá Công (33 tuổi, nguyên quán Bắc Ninh; tạm trú tại thị xã Thuận An, Bình Dương).

Đối tượng này được xác định là "tay trên" của hai anh em Nguyễn Đình Sáu (26 tuổi, nguyên quán Thanh Hóa, tạm trú tại 4/2, KP1, phường An Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương) và Nguyễn Đình Mạnh (32 tuổi, tạm trú tại 106B, KP1B, phường An Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương) - đã bị cơ quan An ninh điều tra bắt vào cuối tháng 4/2011 vừa qua cùng với các đối tượng Dương Văn Kim (57 tuổi, ĐKTT: ấp Thạnh Lợi A, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang), Ngô Văn Hổ, còn gọi là "Chín Hổ" (44 tuổi, HKTT: ấp Phú Hòa, xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình, Vĩnh Long) và Trần Văn Bay (39 tuổi, nguyên quán An Giang; tạm trú tại phòng trọ số 4, số nhà 42/8, KP Bình Phú, phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, Bình Dương).

Một số tài liệu có liên quan đến đường dây chuyên sản xuất, tiêu thụ bằng lái xe rởm quy mô liên tỉnh.

Theo cơ quan ANĐT, chuyên án được xác lập từ cuối năm 2010 sau khi cơ quan ANĐT tiếp nhận nguồn tin quan trọng từ một người dân quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Qua xác minh, cơ quan ANĐT được biết, đối tượng Chín Hổ thường xuyên quan hệ, móc nối với Dương Văn Kim - lơ của xe khách Huy Cường, BKS 95T-1122, hoạt động tuyến Phụng Hiệp - Bình Dương (và ngược lại). Trung bình 2-3 ngày, Chín Hổ mang hồ sơ ra QL1A để giao cho tên Kim mang lên Bình Dương. Và khoảng nửa đêm cùng ngày, khi xe khách trên quay trở về, Chín Hổ lại đón Kim để nhận GPLX giả cùng bộ hồ sơ gốc.    

Ngay sau khi được lệnh phá án, các mũi trinh sát khẩn trương triển khai kế hoạch. Nửa đêm một ngày cuối tháng 4, khi xe khách Huy Cường cặp "điểm hẹn" để cho lơ xe Kim giao "hàng" cho Chín Hổ thì các trinh sát xuất hiện. Trong người Chín Hổ lúc bấy giờ có đến 18 GPLX dởm kèm theo 16 bộ hồ sơ gốc là những người mua GPLX dởm có hộ khẩu ở Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Cà Mau và Hậu Giang.

Kết quả khám xét khẩn cấp nơi ở của Chín Hổ, Cơ quan ANĐT đã thu được 6 GPLX môtô, ôtô dởm các hạng A, B, C và D của người sử dụng tại tỉnh Vĩnh Long; 212 tấm hình thẻ của nhiều người và nhiều túi đựng hồ sơ... Về phần tên Kim, ngay sau khi giao "hàng" cho Chín Hổ, hắn chẳng ngờ bị Công an "đón" y tại Trạm thu phí cầu Cần Thơ. Từ lời khai của Chín Hổ và Kim, vào lúc 9h40' sáng 22-4, một mũi công tác đã phối hợp với Công an Bình Dương tiến hành bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở của hai anh em Mạnh và Sáu.

Cơ quan ANĐT phát hiện, thu giữ 11 GPLX, 1 bộ hồ sơ thi GPLX, 13 tờ biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe chưa ghi nội dung, chỉ mới đóng dấu tên và dấu tròn khống, hai cuốn tập ghi chép tên, địa chỉ của rất nhiều người có nhu cầu mua, sử dụng GPLX dởm... Đến 17h cùng ngày, cơ quan ANĐT tiếp tục bắt Trần Văn Bay. Tài liệu thu được tại nơi ở của đối tượng này gồm 12 giấy CMND bản photo của người có nhu cầu mua GPLX dởm...  

Cơ quan ANĐT cho biết, trong quá trình điều tra đã thu giữ 1 quyển sổ của Chín Hổ thể hiện nội dung giao nhận GPLX với số lượng khoảng 200 GPLX. Trong khi đó, bị can Mạnh khai, trung bình mỗi tuần y nhận làm cho Chín Hổ từ 8-10 GPLX dởm. Nếu căn cứ theo lời khai này, tính từ tháng 6/2010 đến khi bị bắt, Mạnh đã cung cấp cho Chín Hổ khoảng 600 GPLX dởm. Đến nay, cơ quan ANĐT đã thu hồi được gần 170 GPLX các hạng và 2 bằng thuyền trưởng. Cơ quan điều tra xác định Mạnh là đối tượng giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu đường dây. Các đối tượng còn lại như Sáu, Bay, Kim và Hổ đều là những kẻ giúp sức, cò mồi giữa người có nhu cầu sử dụng GPLX dởm với đối tượng "sản xuất".

Thượng tá Trần Quang Thắng cho biết sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Công an quận Cái Răng để tiếp tục điều tra, làm rõ theo thẩm quyền

Binh Huyền
.
.
.