Làm 'Sổ vàng Gia đình văn hóa', người dân phải bỏ 230.000đ để mua một khung ảnh

Thứ Tư, 30/09/2015, 08:00
Theo đơn trình bày của ông Nguyễn Văn Trung, ở thôn Tân Dân 1, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội gửi tới Báo CAND thì vừa qua xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội có triển khai làm “Sổ vàng Gia đình văn hóa” trong các thôn do Ban văn hóa xã tổ chức. 

Khi chụp ảnh cho đại diện các hộ dân đều nói về cơ chế này, chính sách kia để mồi chài, thậm chí ép buộc để làm ảnh to. Nhiều người thấy mẫu mã đẹp thì đăng ký làm, còn nhiều người hiểu biết thì không làm nhưng hầu như là bị ép buộc. Đến hôm sau trả ảnh, nhiều người rất bất ngờ vì không làm nhưng lại có ảnh, không lấy thì ngại, xấu hổ, đành phải im lặng lấy rồi đem về cất đi không dám treo vì nhà mình có được “hộ gia đình văn hóa” đâu mà treo. 

Cụ thể, một bức ảnh in vào tờ giấy có ghi tên, địa chỉ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa đóng khung người dân phải trả 230.000đ. Vậy, chủ trương làm sổ này ở đâu, do đâu, vì cái gì? Ông Trung nhấn mạnh: “Các gia đình văn hóa thì phải được bầu và xét duyệt ở địa phương một cách công khai, dân chủ, đằng này lại bắt buộc bỏ ra 230.000đ để mua bức ảnh “Gia đình văn hóa” như vậy đúng hay không?

Chúng tôi đã về xã Phương Trung để tìm hiểu sự việc mà ông Trung đã phản ánh trên thì được ông Đinh Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Phương Trung khẳng định: “Đúng là vừa qua xã có làm cuốn “Sổ vàng Gia đình văn hóa” nhưng không phải xã tự làm mà chủ trương này từ Phòng Văn hóa của huyện đưa xuống. Khi nhận công văn, xã giao cho cán bộ văn hóa triển khai xuống 8 thôn. Các trưởng thôn đã được phổ biến về chủ trương, phương thức thực hiện về tuyên truyền cho dân”. 

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, cán bộ văn hóa xã Phương Trung thì xã có 8 thôn, 4 tổ máy của công ty về triển khai chụp ảnh trong 2 ngày (ngày 2 và 3/9) là xong. Việc chụp ảnh là tự nguyện, xã không bắt ép.

Từ việc làm “Sổ vàng Gia đình văn hóa” miễn phí, người dân phải bỏ ra 230.000đ cho khung ảnh “Gia đình văn hóa” treo tại nhà.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại công văn số 38/PVH&TT ngày 13/7/2015 của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Oai về việc phối hợp triển khai làm cuốn “Sổ vàng Gia đình văn hóa” gửi UBND các xã, thị trấn có nói rõ: “được sự giúp đỡ, tài trợ kinh phí của Công ty TNHH Yến Dung trong việc làm cuốn “Sổ vàng Gia đình văn hóa” ghi danh sách các hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa của từng thôn hàng năm trên địa bàn. Phòng Văn hóa và Thông tin đề nghị UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các đoàn thể bố trí cán bộ chuyên môn, triển khai đến các thôn cung cấp hình ảnh, số liệu để hoàn thiện cuốn “Sổ vàng gia đình văn hóa” ghi danh sách các Gia đình văn hóa hàng năm do UBND các xã, thị trấn ra quyết định công nhận”.

Như vậy, chủ trương của huyện chỉ là làm cuốn “Sổ vàng Gia đình văn hóa” do Công ty TNHH Yến Dung tài trợ cho các xã trên toàn huyện, chứ không có chủ trương làm khung ảnh gia đình văn hóa cho từng hộ gia đình mang về treo với mức giá 230.000 đ/bức. Vì sao lại xảy ra tình trạng sai phạm này?

Ông Lê Văn Quân, Trưởng thôn Tân Dân 1 cho biết: “Tôi tuyên truyền trên loa là tất cả những gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa thì ra chụp ảnh, ảnh này dán ở sổ treo tại Nhà văn hóa thôn. Thôn không ép buộc người dân phải chụp. Nhưng dân ra ào ào, thợ ảnh cứ chụp, không kiểm soát được. Họ nói luôn 230.000đ một khung ảnh, ai làm ảnh to thì làm. Các hộ không đạt gia đình văn hóa tự chụp là quyền của họ chứ không phải lỗi do thôn”.

Ông Quân đưa cho tôi xem cuốn “Sổ vàng Gia đình văn hóa” mới có 100 người có ảnh, đạt 20%. Thế nhưng, tại 8 thôn của xã Phương Trung, rất nhiều gia đình có khung ảnh “Gia đình văn hóa” với giá 230.000 đ/khung, ngay cả nhà ông Trưởng thôn cũng treo một bức.

Không chỉ toàn huyện Thanh Oai làm “Sổ vàng Gia đình văn hóa” mà tình trạng một số Công ty phối hợp với các Hội, đoàn thể đến các quận, huyện, phường, xã chụp ảnh làm sổ vàng truyền thống hoặc hội thảo, khám bệnh… diễn ra ồ ạt ở Hà Nội trong thời gian qua. Và nhiều công ty đã lợi dụng vào việc này chào mời người dân chụp ảnh thu tiền giá cao, giới thiệu bán các sản phẩm… Đối tượng mời của họ chủ yếu là người trung và cao tuổi, dẫn tới nhiều bức xúc. 

Thiết nghĩ, sau sự việc này, chính quyền các địa phương cần siết chặt công tác quản lý các hình thức “tài trợ, miễn phí” kiểu như trên, đặc biệt khi triển khai phải giám sát, kiểm tra để chấn chỉnh ngay sai phạm nếu có.

Trần Hằng
.
.
.