Dư luận lại xôn xao vì điện rục rịch tăng giá

Thứ Tư, 17/12/2014, 09:27
Ngày 16/12, một sự kiện gây xôn xao dư luận chính là thông tin về việc EVN đã đề xuất tăng giá điện 9,5%. Giá điện đã được “xem xét” kiến nghị “điều chỉnh” là thông tin hoàn toàn chính xác, bởi nó xuất hiện trong ý kiến kết luận của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tại cuộc giao ban với các đơn vị ngày 5/12, yêu cầu “Cục Điều tiết điện lực chủ trì phối hợp với Tổng cục Năng lượng và EVN nghiên cứu phương án điều chỉnh giá điện, báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng”.

Vấn đề còn lại là tăng bao nhiêu và thời điểm tăng, thì đến chiều muộn cùng ngày vẫn chưa có câu trả lời chính xác, bởi từ “cơ quan quản lý Nhà nước” là Bộ Công thương đến EVN đều trong trạng thái liên lạc nhưng không ai trả lời. Tình trạng giấu giấu giếm này cũng là lý do vì sao dư luận mất lòng tin về sự minh bạch, mỗi khi EVN “thập thò” tăng giá điện.

Theo một thông tin bên lề chúng tôi có được, EVN đã kiến nghị điều chỉnh giá bán điện bình quân lên 1.652,19 đồng/kWh, tức là tăng 9,5% so với giá 1.508,85 đồng/kWh hiện hành. Mức giá này vẫn nằm trong khung giá điện bình quân giai đoạn 2013 - 2015 đã được Thủ tướng phê duyệt, với mức trần là 1.835 đồng/kWh. Mức giá điện hiện hành đã được giữ ổn định từ tháng 8 - 2013 đến nay, nên việc đề xuất điều chỉnh giá điện vào thời điểm này về cơ bản không sai so với các quy định. Vấn đề chỉ còn là nguyên nhân điều chỉnh giá, bởi theo quy định, giá bán điện sẽ chỉ được điều chỉnh khi giá các yếu tố đầu vào biến động. Thời gian qua, giá bán than và khí cho điện đã tăng, mà theo ông Hoàng Quốc Vượng – Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho biết là đã làm chi phí của tập đoàn này tăng thêm 7.000 tỷ đồng, tác động rất lớn đến giá điện. Ngay trong buổi làm việc với Thủ tướng từ ngày 2/10 vừa qua, ông Vượng đã “rất mong thời gian tới có giải pháp đồng bộ liên quan đến giá than, khí, điện”, mà có thể hiểu đơn giản là khí, than đã tăng, điện cũng cần tăng. Với sản lượng điện dự kiến cả năm 2014 là khoảng hơn 145 tỷ kWh, chi phí mỗi kWh điện đã tăng khoảng gần 50 đồng/kWh do tăng giá than và khí, tức là thấp hơn nhiều so với mức dự kiến đề xuất. Tuy nhiên, lý do vì sao mức đề xuất tăng lại lên tới 9,5% thì không được lý giải, bởi cả EVN và Bộ Công thương đều im lặng - trái ngược hẳn với những cam kết công khai, minh bạch vẫn được hùng hồn tuyên bố.

Giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.

Cũng theo thông tin bên lề, nếu điều chỉnh tăng giá trong tháng 12/2014, doanh thu tăng thêm của EVN sẽ được chi vào 3 việc, 166,52 tỷ đồng thanh toán chi phí bổ sung môi trường rừng năm 2011, 2012 của các nhà máy điện có công suất đến 30 MW; 267,46 tỷ đồng thực hiện đề án lắp đặt tụ bù, giảm tổn thất điện năng và ba là hạch toán được một phần chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn mà EVN đang thực hiện. Ngoài ra, EVN còn kiến nghị phân bổ một phần lỗ chênh lệch tỷ giá còn tồn đến 31/12/2013 là 8.811 tỷ đồng vào chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2015.

Việc tăng giá điện bản thân nó không phải là vấn đề, bởi hoàn toàn nằm trong khuôn khổ các quy định đã được Chính phủ ban hành, phù hợp với chủ trương hướng tới giá điện theo thị trường vào năm 2015 đã được quán triệt. Ngoài ra, còn được cho rằng sẽ tạo thêm cơ hội để thu hút các nhà đầu tư vào điện, tránh nguy cơ thiếu điện cho tương lai. Mặt khác, với mức lạm phát thấp hiện nay, tác động của tăng giá điện cũng không ảnh hưởng xấu đến các chỉ số vĩ mô. Tuy nhiên, cách mà người ta tăng giá điện mới là điều đáng bàn, khi các thông tin đến với dư luận rất mập mờ, và vào những lúc tăng giá thì đại diện EVN và Bộ Công thương đều không ai đưa ra câu trả lời. Chính sự thiếu minh bạch ngay trong cách làm khiến dư luận bức xúc và nghi ngờ có điều chi khuất tất. Cùng với đó là những “căn bệnh” vốn có của EVN, như năng suất lao động chỉ bằng hơn 1 nửa Malaysia và thua xa Nhật Bản đến 4 lần, mà chính ông Hoàng Quốc Vượng đã phải thừa nhận với Thủ tướng là do biên chế quá đông cũng khiến cho dư luận thêm bất bình, mỗi lần điện được điều chỉnh tăng giá.

Vũ Hân
.
.
.