Xây mới chợ Phúc Yên: Tiểu thương đồng loạt phản đối

Thứ Sáu, 17/04/2015, 07:56
Chủ trương cải tạo, xây dựng chợ Trung tâm thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (tại phường Trưng Trắc) đã vấp phải sự phản đối của các tiểu thương đang kinh doanh buôn bán tại đây. Hàng trăm người đồng loạt ký vào đơn gửi tới các cơ quan chức năng với mong muốn không triển khai dự án này. Sự phức tạp nảy sinh khi chính quyền và các hộ kinh doanh chưa tìm được tiếng nói chung.

Người kinh doanh chưa thông

Chợ Phúc Yên là trung tâm mua bán hàng hóa lớn của thị xã Phúc Yên và các vùng lân cận. Không kể khu vực kinh doanh trong nhà, chỉ riêng khu vực ngoài trời cũng có tới 365 hộ kinh doanh buôn bán từ những năm 90 của thế kỷ trước. Các mặt hàng từ thực phẩm, thời trang, đồ nông sản, gia dụng… đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân. Việc kinh doanh ổn định hơn 20 năm.

Tiếp xúc với phóng viên Báo CAND ngày 13/4, nhiều bà con tiểu thương ở chợ Phúc Yên bày tỏ: “Chợ vẫn sạch sẽ chứ không phải là xập xệ như đánh giá của chính quyền thị xã. Chúng tôi sẵn sàng sửa chữa, làm lại nền cho chợ khang trang hơn chứ không cần phải xây dựng lại”. Đại diện các hộ kinh doanh giới thiệu cho phóng viên biết những nơi nào xập xệ cần sửa chữa, những nơi nào bẩn thỉu do cách bố trí, sắp xếp ngành hàng không hợp lý và cả những nơi khang trang sạch sẽ.

Bà Trần Thị Mùi, chị Lê Thị Hà, chị Nguyễn Thị Hòa Bình kinh doanh hàng khô, chị Vũ Thị Lan bán dừa tươi, chị Nguyễn Thị Hòa bán hàng chanh… cùng nhiều bà con khác đều lo lắng sau khi xây dựng chợ sẽ không kinh doanh ổn định như hiện nay. Dù được hứa sẽ trở về đúng vị trí cũ và giá thuê ki ốt vẫn chỉ là 200.000 đồng/tháng/quầy thì họ vẫn sợ rằng sau đó sẽ phải thuê lại giá đắt hơn. Bên cạnh đó, họ cũng lo việc kinh doanh sau xây dựng chợ sẽ rơi vào tình cảnh ế khách giống các địa phương khác, thậm chí là giống ở Hà Nội khi phá chợ truyền thống để xây trung tâm thương mại.

Nhiều bà con tiểu thương chợ Phúc Yên chưa đồng thuận chủ trương xây dựng chợ.

Điều khiến các hộ kinh doanh thêm bức xúc là cách triển khai các bước trước khi tiến hành xây dựng của Ban quản lý chợ. Bà Trần Thị Hương phản ánh: “Người trong Ban quản lý bảo chúng tôi nếu không ký đồng ý ra chợ tạm thì sẽ cắt điện. Ngày 4/4, nhiều hộ kinh doanh đã bị cắt điện đúng một tuần”.

Phải công khai và tạo sự đồng thuận của các hộ kinh doanh   

Ông Lê Văn Lãng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phúc Yên cho biết: “Phúc Yên được công nhận là đô thị loại 3 và đang trong quá trình làm các thủ tục công nhận là thành phố vào năm 2015. Một trong những tiêu chí của đô thị loại 3 và thành phố là bắt buộc phải có một chợ trung tâm theo đúng nghĩa. Thứ hai là, Đại hội Đảng bộ thị xã 2010-2015 cũng ghi trong Nghị quyết phải cải tạo nâng cấp chợ Phúc Yên, trong nhiệm kỳ tới cũng sẽ tiếp tục thực hiện việc này. Ban đầu thị xã dự định xây dựng chợ theo mô hình nhà nước ứng ngân sách đầu tư một số hạng mục chung sau đó hoàn vốn theo hình thức thu đóng góp của các hộ hàng năm trả cho ngân sách. Tuy nhiên, sau khi báo cáo với tỉnh, thị xã phải điều chỉnh theo quan điểm: chợ loại 1 phải thực hiện theo hình thức xã hội hóa chứ không thực hiện theo ngân sách”.

Quy trình lựa chọn nhà đầu tư được UBND thị xã Phúc Yên thực hiện theo quy định của pháp luật thông qua đấu thầu và nhà đầu tư phải đáp ứng được các điều kiện của UBND thị xã khi thực hiện đầu tư dự án này. Toàn bộ kinh phí thực hiện do nhà đầu tư ứng vốn nên các hộ kinh doanh sẽ không phải đóng góp tiền trong việc đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp chợ Phúc Yên. Giá thuê quầy là 200.000 đồng/tháng/quầy (quầy tiêu chuẩn là 4m2). Tiền thuê điểm kinh doanh sẽ được duy trì ổn định trong thời hạn 10 năm. Tiền thuê đất sẽ được duy trì ổn định trong thời gian 5 năm theo thời gian thực hiện bảng giá đất của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Các hộ đang kinh doanh tại khu vực chợ thuộc phạm vi giải tỏa sẽ được sắp xếp vị trí các ô, quầy hàng phù hợp với ngành hàng theo quy hoạch, đảm bảo đủ diện tích, số lượng các ô, quầy và vị trí tương đương như hiện tại mà các hộ kinh doanh…

Đại diện UBND thị xã Phúc Yên cũng đưa thêm một lý do cần cải tạo, xây dựng chợ mới là để đảm bảo an toàn cho phòng cháy chữa cháy cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm trong chợ. Thị xã cũng đã lên phương án chợ tạm có lợi cho người kinh doanh, có hỗ trợ tháo dỡ với các mức khác nhau, thời gian xây dựng chợ là 1 năm.

Nói về cách triển khai của Ban quản lý chợ gây bức xúc cho các tiểu thương, ông Lãng cho biết: “Chiều 14/4, chúng tôi làm việc với Ban quản lý chợ để chấn chỉnh việc này nếu như Ban quản lý có hành vi và lời nói chưa đúng với dân”.

UBND thị xã và các hộ kinh doanh đã tổ chức họp đối thoại 2 lần nhưng chưa tìm được tiếng nói chung. Ngày 10/4, các tiểu thương lại tiếp tục đến trụ sở tiếp dân của thị xã để đề đạt nguyện vọng. Quá trình tiếp xúc với nhiều tiểu thương, chúng tôi nhận thấy, họ chưa tin tưởng vào chủ trương cũng như cách thực hiện của UBND thị xã Phúc Yên.

Theo nhận định của phóng viên, nếu việc xây dựng chợ được triển khai đúng như mục tiêu là vì các hộ kinh doanh thì các hộ kinh doanh nên ủng hộ chủ trương xây dựng chợ trung tâm.

Tuy nhiên, UBND thị xã cần phải tạo sự đồng thuận với người dân, theo đúng như người đại diện ban tiếp công dân của UBND tỉnh Vĩnh Phúc trả lời các hộ kinh doanh (ghi trong Phiếu tiếp công dân số 07/PTD ngày 10-2): “Trước khi xây dựng phải lập phương án kiến trúc, tài chính… công khai cho các hộ tiểu thương. Việc xây dựng chợ phải được trên 50% ý kiến đồng thuận của các hộ tiểu thương, bố trí chợ tạm theo quy định”.

* Một trong những lý do bà con kinh doanh tại chợ Phúc Yên không đồng thuận với chủ trương xây chợ là do việc thực hiện dự án xây chợ theo hình thức đấu thầu là hình thức tư nhân hóa. Hơn nữa, theo cách nhìn của các tiểu thương, thị xã Phúc Yên vẫn còn đa số người dân là nông nghiệp nên việc xây dựng những chợ trung tâm, siêu thị hàng hóa là không sát với thực tế, gây lãng phí.

* Ông Lê Văn Lãng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phúc Yên khẳng định, Phúc Yên không xây trung tâm thương mại mà là xây chợ trung tâm với quan điểm là xây dựng chợ cho tiểu thương. Tổng diện tích khu đất đầu tư xây dựng chợ là 10.360m2, trong đó tổng diện tích xây dựng là 6.292,4m2. Chợ được xây dựng 5 tầng.

Toàn bộ tầng 1 sẽ xây dựng và quy hoạch như một chợ truyền thống, có đủ 365 gian hàng cho các hộ kinh doanh và sắp xếp theo vị trí ngành hàng để thuận tiện trong kinh doanh. Tầng 2 kinh doanh vật liệu xây dựng, tầng 3 phục vụ trang trí nội thất, tầng 4 là dịch vụ và Ban quản lý chợ, tầng 5 là hạ tầng kỹ thuật. 

Việt Hà
.
.
.