Xử nghiêm cán bộ "tư nhân hoá" nhà công vụ

Chủ Nhật, 08/10/2006, 08:29

Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có Văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát việc bán nhà ở, biệt thự tại các khu vực đất có giá trị cao. Đối với các trường hợp đã bán sai quy định cần xử lý dứt điểm.

Đối với những trường hợp cụ thể của nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên (biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa); nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Văn Vượng (nhà 52 Tuệ Tĩnh) và Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Đức Thúy (nhà số 6 Lý Thái Tổ), Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội làm rõ những nội dung báo nêu, xác định rõ đúng, sai và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về những trường hợp nhà công vụ bố trí cho các vị nguyên là lãnh đạo thành phố, ngày 5/10, Văn phòng UBND TP Hà Nội cũng có Thông báo 225/TB-UB về giải quyết nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa và nhà 52 Tuệ Tĩnh. Trong đó khẳng định thành phố không có chủ trương bán 2 ngôi nhà nói trên.

"Sau khi tiếp nhận đơn mua nhà ở theo Nghị định 61/CP của hai đồng chí Hoàng Văn Nghiên mua nhà số 12 Nguyễn Chế Nghĩa và Phan Văn Vượng mua nhà số 52 Tuệ Tĩnh, các cơ quan chức năng thành phố chưa kịp thời báo cáo lãnh đạo thành phố để xin chủ trương giải quyết" - Thông báo 225 khẳng định và cho biết, trước thông tin phản ánh của báo chí, ngày 2/10, UBND thành phố và cơ quan chức năng đã báo cáo Thường trực Thành ủy.

Ngày 3/10, UBND TP đã họp và thống nhất chỉ đạo: Thành phố Hà Nội không có chủ trương bán nhà ở theo Nghị định 61/CP tại 12 Nguyễn Chế Nghĩa cho ông Hoàng Văn Nghiên và nhà số 52 Tuệ Tĩnh cho ông Phan Văn Vượng.

Cũng theo Thông báo của Văn phòng UBND TP thì, trước mắt ông Hoàng Văn Nghiên và ông Phan Văn Vượng tiếp tục được thuê nhà ở tại 2 địa điểm trên. Thành phố sẽ thu hồi và giải quyết chỗ ở mới cho hai ông theo tiêu chuẩn và quy định của Nhà nước trước ngày 31/12/2006.

Có thể nói, những trường hợp cụ thể được báo chí nêu những ngày qua là những trường hợp điển hình trong việc làm sai chính sách về quản lý, sử dụng nhà công vụ. Căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, trị giá khoảng 2 triệu USD được ông Hoàng Văn Nghiên thuê với giá 500.000 đồng/tháng (trong khi trước đó đã từng cho thuê để nộp ngân sách 5.000 USD/tháng), nhưng chỉ được định giá khoảng hơn 1 tỉ đồng và đang trong giai đoạn trình xin ý kiến lãnh đạo UBND TP cho bán theo Nghị định 61/CP.

Tương tự như vậy, ngôi nhà 52 Tuệ Tĩnh cũng được bố trí cho ông Phan Văn Vượng - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thuê với giá rẻ và nay cũng trong danh sách chuẩn bị hoàn tất thủ tục bán theo Nghị định 61/CP. Trường hợp Thống đốc Lê Đức Thúy tuy đã có nhà riêng khá khang trang tại phố Bùi Ngọc Dương, nhưng vẫn xin được cấp thêm tiêu chuẩn nhà cho Bộ trưởng (hàm Bộ trưởng) và cuối cùng đã được bố trí ngôi nhà số 6 Lý Thái Tổ.

Xét về giá trị thì ngôi nhà này cũng không mấy kém ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, có khác chăng là nhà số 6 Lý Thái Tổ do ông Lê Đức Thúy bỏ tiền tỉ ra xây sửa thêm, còn nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa thì theo điều tra của một tờ báo, là do cơ quan quản lý nhà bỏ tiền ra sửa sang nâng cấp để "đón" lãnh đạo... Cả 3 trường hợp nói trên, khi xin được bố trí nhà công vụ thì đều viện lý do khó khăn về nơi ở(?!).

Không thể có chế độ đặc quyền, đặc lợi

Sự việc liên quan đến 3 ngôi nhà công vụ nói trên có lẽ sắp đi đến hồi kết khi Thủ tướng đã có chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc. Thủ tướng cũng chấp nhận đơn xin trả lại nhà số 6 Lý Thái Tổ của ông Lê Đức Thúy và UBND TP Hà Nội cũng khẳng định sẽ thu hồi lại 2 ngôi nhà tại 12 Nguyễn Chế Nghĩa và 52 Tuệ Tĩnh.

Tuy nhiên, rõ ràng đây chỉ là những ví dụ cụ thể của thực trạng. Thực tế số lượng nhà công vụ đang bị buông lỏng trôi nổi, bị biến hoá thành nhà tư là bao nhiêu, đến nay không hề có một rà soát nào liên quan do không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính về vấn đề này.

Theo Cục Quản lý nhà Bộ Xây dựng, trong tổng số hàng nghìn biệt thự công trên cả nước thì gần 80% do chính quyền địa phương quản lý, còn lại khoảng 20% là do các cơ quan tự quản, bao gồm các cơ quan Trung ương và địa phương.

Riêng Hà Nội, trong hơn 600 biệt thự thì ngành Nhà đất quản lý tới hơn 80%, còn lại do các cơ quan tự quản lý. Ngoài ra còn có gần 200 biệt thự đang được các cơ quan Trung ương quản lý, sử dụng vào mục đích công vụ. Điều đó cũng nói lên thực trạng về sự chồng chéo giữa các cấp, các cơ quan dẫn đến sự lỏng lẻo, kém hiệu quả trong quản lý loại nhà ở này (thường có giá trị rất lớn) và việc một số người lợi dụng những kẽ hở để biến công thành tư không thể tránh khỏi.

Ngày 5/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có Văn bản 2078 gửi UBND các tỉnh, thành phố về vấn đề đang nóng hổi này. Trong đó yêu cầu không được bán các loại biệt thự có kế hoạch dùng làm công thự hoặc dùng vào các mục đích khác.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát việc bán nhà ở, nhất là đối với biệt thự, nhà ở tại các khu vực đất có giá trị cao. Đối với các trường hợp đã bán sai quy định cần xử lý dứt điểm.

Dư luận đang hy vọng từ những vụ việc cụ thể nói trên, tình trạng biến nhà công vụ thành nhà tư để trục lợi sẽ sớm được ngăn chặn và từng bước chấn chỉnh, xử lý, không tạo ra tiền lệ về đặc quyền, đặc lợi của một số ít người cơ hội, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân. Trước thái độ kiên quyết của Chính phủ về vấn đề này, dư luận rất hy vọng về sự tự giác của những người đã "trót" vơ của công vào túi mình. Còn nếu ai đó không tự giác thì đương nhiên cứ theo đúng quy định của pháp luật mà xử lý.

Chưa thống kê được số lượng nhà ở công vụ

Qua tìm hiểu tại Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), chúng tôi được biết: thời gian trước đây việc quản lý nhà ở công vụ do hai đơn vị là Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) và Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) quản lý. Sau đó nhà ở công vụ được giao cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý trực tiếp.

Hiện tại Bộ Xây dựng đang chấn chỉnh việc bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Đối với việc quản lý, sử dụng nhà ở công vụ, Nghị định 90/CP đã quy định rõ: "Nhà ở công vụ chỉ sử dụng để cho thuê. Việc quản lý, bảo trì, cải tạo thực hiện theo quy định về quản lý, bảo trì, cải tạo quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước. Không được chuyển đổi hoặc cho thuê lại dưới bất kỳ hình thức nào và có nghĩa vụ trả lại nhà ở cho cơ quan quản lý khi không còn thuộc đối tượng được ở nhà công vụ trong thời hạn 3 tháng hoặc khi không còn nhu cầu thuê nhà công vụ. Người thuê nhà ở công vụ sử dụng nhà ở đúng mục đích, không được tự ý cải tạo, sửa chữa, không được chuyển đổi hoặc cho thuê lại dưới bất cứ hình thức nào và có nghĩa vụ phải trả lại nhà cho cơ quan quản lý khi không còn thuộc đối tượng được ở nhà công vụ trong thời hạn 3 tháng hoặc khi không còn nhu cầu thuê nhà ở công vụ"

Xuân  Luận

Đinh Tuấn
.
.
.