Xử lý các mỏ khai thác đá có vi phạm ở Phú Thọ

Thứ Hai, 15/12/2014, 09:12
Trước thực trạng mất an toàn ở các điểm mỏ khai thác đá ngày càng gia tăng, tỉnh Phú Thọ đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm siết chặt quản lý hoạt động này, kiên quyết thu hồi giấy phép hoặc tạm dừng hoạt động đối với các mỏ khai thác đá vi phạm quy định về khai thác khoáng sản.
Đến thời điểm này, UBND tỉnh vừa thu hồi 5 giấy phép khai thác đá vì đã vi phạm các quy định về hoạt động khai thác khoáng sản; tạm dừng hoạt động của 6 mỏ đá chưa đảm bảo các điều kiện trong khai thác; xử phạt trên 100 triệu đồng đối với 6 doanh nghiệp vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản; buộc 4 doanh nghiệp phải di dời kho chứa vật liệu nổ công nghiệp ra nơi an toàn…

Các doanh nghiệp này đã vi phạm rất nhiều các quy định về hoạt động khai thác khoáng sản như chưa lập lý lịch kho vật liệu nổ công nghiệp, tự thiết kế kho chứa trong khi đơn vị không có chức năng thiết kế. Tất cả các đơn vị được kiểm tra chưa thực hiện đúng chế độ trạm gác bảo vệ kho chứa thuốc nổ theo quy định và kho thuốc nổ có khoảng cách không đảm bảo; sắp xếp thuốc nổ trong kho chưa theo đúng quy định gây mất an toàn. Nhiều doanh nghiệp khai thác không đúng thiết kế mỏ, không đúng ranh giới, diện tích mỏ, gây ra tình trạng sạt lở tầng, tuyến, móng khai thác; gây ô nhiễm môi trường; gây mất an toàn lao động; nguy cơ mất an toàn do sạt lở trong khai thác cao... 

Theo Sở LĐ-TB&XH Phú Thọ, những năm gần đây, tình trạng mất an toàn lao động tại các điểm mỏ ngày càng tăng. Riêng năm 2014, toàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ tai nạn lao động. Các vụ tai nạn lao động xảy ra chủ yếu ở khu vực khai khoáng tập trung cao tại các điểm mỏ khai thác đá. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 39 giấy phép hoạt động khai thác đá xây dựng, đá làm nguyên liệu xi măng còn hiệu lực với hàng chục điểm mỏ nằm tập trung ở các huyện miền núi Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Ba. 

Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, ông Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ cho biết:  Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra tại tất cả các điểm mỏ, kiên quyết xử lý những doanh nghiệp vi phạm; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản tu bổ, trả lại hiện trạng ban đầu của các tuyến giao thông đã bị phá hỏng do việc vận chuyển đá, quặng gây ra. Việc tham gia thẩm định và cấp phép khai thác khoáng sản phải có sự tham gia của chính quyền cấp huyện và lực lượng Công an.                                     

H.K.
.
.
.