"Xã hội ai cũng như các anh thì thật yên ổn"

Thứ Hai, 23/11/2009, 10:44
Hành động giữa đường thấy bất bình không tha của hai người thanh niên tại ngã ba đèn xanh, đỏ đường Nguyễn An Ninh - Giải Phóng thật đáng quý và đáng nêu gương học tập. Thay cho lời cảm ơn của người viết bằng câu nói của một bác thợ sửa xe gần đó: "Xã hội này ai cũng như 2 anh chàng thì thật yên ổn"…

Đang trên đường đi làm, tôi bỗng giật mình bởi tiếng một thanh niên gọi đằng sau: "Có phải chị vừa bị mất điện thoại không?". Vội sờ đến túi áo khoác, thì đúng là điện thoại của tôi đã không cánh mà bay. Chưa kịp hiểu chuyện gì nhưng tôi tin tưởng và theo người thanh niên quay lại ngã ba đèn xanh, đỏ đường Nguyễn An Ninh - Giải Phóng (Hà Nội)…

Đám đông hiếu kỳ đang đứng vây quanh một thanh niên và người phụ nữ tuổi ngoài ngũ tuần. Trên tay người thanh niên giơ cao chiếc điện thoại của tôi, còn người phụ nữ đang níu áo cầu xin rối rít.

Người thanh niên đi cùng tôi bảo: "Bà này vừa móc trộm điện thoại của chị đấy. May mà tụi em đứng đằng sau nên kịp thời phát hiện, bắt quả tang". Tôi nhìn người phụ nữ tuổi trạc mẹ tôi ở quê vừa thấy giận vừa thấy buồn.

Ở tuổi này lẽ ra bà ta phải quay đầu về nẻo thiện, đoàn viên cùng con cháu, vậy mà không hiểu có phải do hoàn cảnh đáng thương như bà ta kể khổ không, hay vẫn là đệ tử trung thành của dân 2 ngón.

Bỗng trong đám đông hiếu kỳ, tiếng ai đó nói át đi: "Cũng tại chị này sơ sểnh quá, ai lại để điện thoại hớ hênh thế chẳng bằng trêu ngươi thằng ăn cắp". Đúng vậy, nếu tôi cẩn thận để điện thoại ở túi bên trong thì đâu có chuyện xảy ra...

Dịp cuối năm thường là dịp để dân 2 ngón "làm ăn", chúng mở rộng địa bàn không chỉ ở bến tàu, bến xe, bệnh viện mà lợi dụng người dân đổ xô đi mua sắm tại các cửa hàng, trung tâm, siêu thị là ra tay hành nghề. Bọn chúng thường có sự theo dõi từ ngoài cổng nếu thấy ai cầm túi hay điện thoại để sơ hở là bám theo chờ lúc đông người chen lấn ra tay. Nhiều người dở khóc dở cười khi mua hàng xong sờ đến túi mới hay mình đã bị đạo chích nẫng đi từ khi nào. Mất tài sản đã đành, nhiều khi mang theo giấy tờ quan trọng cũng bị mất luôn.

Mới đây, người bạn của tôi trong một lần đi mua sách ở hiệu sách Tiền Phong chỉ sơ sểnh để quên chiếc ví bên trong có cả tiền và giấy tờ quan trọng ở giá sách bên cạnh trong vòng chưa đến 1 phút mà quay sang đã không còn. Chị chạy xuống quầy thanh toán để hỏi xem có camera không thì được người bán hàng trả lời là có. Chị báo mất ví và yêu cầu được kiểm tra thì người bán hàng lại nói là không có và thanh minh vì sợ kẻ gian nên lúc vừa rồi mới trả lời là có.

Khi chị thắc mắc với Ban quản lý là tại sao một hệ thống cửa hàng sách lớn như Tiền Phong mà lại không trang bị hệ thống camera thì được người có trách nhiệm trả lời là quý khách phải tự bảo vệ tài sản của mình là chính...

Qua 2 sự việc trên thấy rằng trước tiên để tránh là nạn nhân của bọn đạo chích thì tự bản thân mình phải bảo vệ tài sản của mình. Nhất là khi đi tới những nơi đông người như chợ, các trung tâm mua sắm, bến tàu, bến xe thì túi xách, điện thoại phải để trong tầm quản lý của mình.

Tránh để điện thoại ở túi áo khoác, hay đeo túi trên vai. Bởi trong đám đông xô đẩy, nếu có nhìn thấy kẻ móc túi thì cũng không mấy ai dám tố cáo hay bắt quả tang khi nhìn ánh mắt dữ tợn của bọn chúng.

Thế mới thấy hành động giữa đường thấy bất bình không tha của hai người thanh niên tại ngã ba đèn xanh, đỏ đường Nguyễn An Ninh - Giải Phóng thật đáng quý và đáng nêu gương học tập. Thay cho lời cảm ơn của người viết bằng câu nói của một bác thợ sửa xe gần đó: "Xã hội này ai cũng như 2 anh chàng thì thật yên ổn"

H.H.
.
.
.