Vụ án ở công ty AMASECO Phú Yên: Viện KSND Tối cao sẽ xem xét lại hồ sơ

Thứ Năm, 02/03/2006, 10:46
Vụ án kéo dài hơn hai năm, cử tri đưa ra nhiều câu hỏi tại các kỳ họp HĐND tỉnh Phú Yên và đề nghị sớm truy tố, xét xử, nhưng VKSND tỉnh Phú Yên quyết định đình chỉ vụ án, khiến cho dư luận bất bình, cơ quan CSĐT Công an Phú Yên phải kiến nghị Viện trưởng VKSND tối cao kiểm tra hồ sơ vụ án, xử lý theo quy định pháp luật.

Ngày 20/2, Ban nội chính Trung ương, Viện KSND tối cao, Bộ Công an đã vào TP Tuy Hòa làm việc với Tỉnh ủy Phú Yên cùng các cơ quan chức năng và đã thống nhất rút hồ sơ để xem xét lại vụ án.

Cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm

Thành lập từ tháng 4/1993, nhưng Công ty Dịch vụ vật tư nông nghiệp Phú Yên (AMASECO) sớm nổi trội trong giới doanh nghiệp ở tỉnh này. Ông Lương Phúc Hòa luôn tỏ ra là một giám đốc năng động, doanh thu của AMASECO tăng vọt từ những năm đầu, nhưng khi Thanh tra Phú Yên vào cuộc, thì sự thật bê bối ở doanh nghiệp này đổ bể. Cuối tháng 8/2003, cơ quan CSĐT Công an Phú Yên khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Giám đốc Lương Phúc Hòa (49 tuổi), Kế toán trưởng Ma Chét (46 tuổi) và Kế toán Chi nhánh AMASECO tại TP Hồ Chí Minh Phạm Nhiêm (48 tuổi) về tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước". Riêng Hòa còn bị khởi tố về tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 3 đến tháng 7/1995, Hòa ký kết 2 hợp đồng nhập khẩu ủy thác 15.000 tấn phân ure cho Công ty SXKD XNK Hữu Nghị và Công ty Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Hưng và nhập khẩu tự doanh 5.000 tấn phân ure. Trên cơ sở đó, Hòa ký 2 hợp đồng nhập khẩu 20.000 tấn phân ure từ Công ty Phibro L.t.d -Hongkong và Pt Prima Comexindo -Indonesia, đồng thời đến Chi nhánh Vietcombank Nha Trang mở tín dụng thư, vay ngoại tệ thanh toán cho bên bán. 21.000 tấn ure về Cảng Nha Trang, Sài Gòn và Cửa Lò, so với hợp đồng tăng thêm 1.000 tấn, số tiền phải nộp phụ thu hơn 2,8 tỷ đồng, nhưng AMASECO chỉ nộp vào tài khoản Hải quan Khánh Hòa hơn 1 tỷ đồng, phần còn lại treo nợ.

Từ thương vụ kinh doanh phân ure, các bên đều có lãi, nhưng đầu tháng 8/1995, Giám đốc AMASECO vẫn chỉ đạo lập hồ sơ giả báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ để xin miễn nộp phụ thu 2,824 tỷ đồng, nên Bộ Tài chính hoàn trả lại hơn 1 tỷ đồng AMASECO đã nộp tại Hải quan Khánh Hòa. Ngay sau đó, ông Hòa đề nghị và được các cơ quan thẩm quyền đồng ý cho AMASECO sử dụng 2,254 tỷ đồng trong khoản tiền miễn phụ thu để bổ sung nguồn vốn lưu động, phần còn lại hạch toán tăng lãi.

Ngoài ra, trong tháng 1/1997, ông Hòa ký 3 hợp đồng mua 162 tấn tiêu đen và 216 tấn cà phê của Công ty TNHH Đại Thành Phát, TP Hồ Chí Minh. Hàng chưa có, nhưng Hòa và Kế toán trưởng Ma Chét, Kế toán chi nhánh Phạm Nhiêm đã cho bên bán tạm ứng 4,774 tỷ đồng. Lấy được tiền, bà Trần Thị Phương Hà, Giám đốc Công ty Đại Thành Phát bỏ trốn vì đã chiếm đoạt 133 lượng vàng và gần 28 tỷ đồng của 13 doanh nghiệp.

Cần xem xét và xử lý nghiêm minh

Ngày 12/9/2005, VKSND tỉnh Phú Yên bất ngờ ra Quyết định 96/VKS-P1 đình chỉ vụ án và 3 quyết định đình chỉ bị can. VKS công nhận Hòa có hành vi gian dối khi xin miễn nộp phụ thu, nhưng lại cho rằng 2,254 tỷ đồng do Công ty Tân Hoàn Mỹ nộp, nên Hòa chuyển trả cho đơn vị này…

Theo đó, VKS kết luận "Không xác định được thiệt hại, nên không đủ căn cứ kết luận Hòa phạm tội cố ý làm trái…". Việc tạm ứng tiền cho Giám đốc Công ty Đại Thành Phát chiếm đoạt, VKS cho rằng "Hòa, Nhiêm, Chét đã tích cực thu hồi, chỉ còn thiếu 42,9 triệu đồng nên chưa đủ định lượng cấu thành tội thiếu trách nhiệm…".

Trong văn bản kiến nghị Viện trưởng VKS tối cao số 422/PC16 ngày 30-9-2005, cơ quan CSĐT Công an Phú Yên cho biết, AMASECO được miễn phụ thu và chính đơn vị này đã nộp tiền tại Hải quan Khánh Hòa. Trưởng ban Tài chính Tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh Phú Yên phê duyệt bổ sung nguồn vốn AMASECO 2,254 tỷ đồng, đó là sở hữu Nhà nước, khi ông Hòa tự ý chuyển giao sở hữu tư nhân Công ty Tân Hoàn Mỹ đã phát sinh hậu quả thiệt hại. Sau khi tội phạm hoàn thành, ông Hòa mới nộp lại theo yêu cầu của cơ quan điều tra, chứ không phải tự nguyện, nên không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội, mà chỉ là tình tiết giảm nhẹ khi tòa xét xử. Việc cho Công ty Đại Thành Phát tạm ứng 4,774 tỷ đồng (70 đến 80% giá trị hợp đồng) là trái với Pháp lệnh HĐKT và Luật Doanh nghiệp.

Công an TP Hồ Chí Minh kê biên tài sản giao cho Hội đồng giải thể AMASECO bán một ngôi nhà 760 triệu đồng và đang chờ cơ quan điều tra xử lý, chứ không phải "Hòa, Chét, Nhiêm tích cực thu hồi"... Tin rằng VKSND tối cao sẽ xem xét toàn bộ vụ án một cách khách quan, toàn diện để xử lý nghiêm minh, tránh oan sai nhưng không sót người, lọt tội

Hữu Toàn
.
.
.