Vì sao nhà máy đường Bình Định phải đóng cửa?

Thứ Ba, 27/08/2019, 08:03
Do nợ chồng chất nên hơn một năm qua Công ty CP đường Bình Định (Bisuco) có trụ sở ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn (Bình Định) đã đóng cửa, sân vườn cỏ dại phủ dày, cơ sở vật chất cùng nhiều dây chuyền thiết bị kỹ thuật có nguy cơ rỉ sét, hư hỏng.


Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, Bisuco hình thành từ năm 1995 và đã có một thời là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả, trong đó có năm thu lãi hơn 200 tỷ đồng. 8 năm sau đó, Bisuco chuyển sang doanh nghiệp cổ phần với số vốn điều lệ 34 tỷ đồng.

Đến năm 2006, hơn 90% cổ phần tại Bisuco đã được chuyển nhượng cho Tập đoàn Anagar Juna – Ấn Độ với tổng trị giá 93 tỷ đồng. Giữa năm 2017, trong lúc Bisuco công bố triển khai dự án mở rộng, nâng cấp công suất chế biến đường 5.000 tấn mía nguyên liệu mỗi ngày thì ông Arunachalam Nandaa Kuma - Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật của Bisuco lặng lẽ rời khỏi Việt Nam.
Hơn một năm qua, cơ sở sản xuất kinh doanh của Bisuco đã phải đóng cửa bỏ hoang.

Giữa tháng 3-2018, UBND tỉnh Bình Định có văn bản yêu cầu Bisuco tạm dừng hoạt động sản xuất để thực hiện các biện pháp khắc phục tồn tại về bảo vệ môi trường nhưng doanh nghiệp này bất chấp. Ngày 15-6-2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ban hành quyết định xử phạt hành chính hơn 1,9 tỷ đồng đối với Bisuco do có hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng chậm khắc phục.

Ngoài hình thức phạt tiền, quyết định nêu trên còn áp dụng hình phạt bổ sung, đình chỉ hoạt động 4 tháng 15 ngày để Bisuco khắc phục sai phạm, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo việc xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi xả thải ra môi trường. Cũng từ thời điểm đó, đến lượt ông Bhogavilli Anantha Screenivasa Rao – Giám đốc Bisuco cũng đã... “biến mất”, để lại nhiều khoản nợ nần chồng chất.

Theo Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Tây Sơn, Bisuco phải có nghĩa vụ trả nợ hơn 131 tỷ đồng cho Ngân hàng TNHH MTVStandard Chartered Việt Nam theo quyết định sơ thẩm số 03/2018/QĐST-KDTM ngày 30-1-2018 của TAND huyện Bến Lức (Long An). Sau khi nhận được đơn yêu cầu của Ngân hàng TNHH MTVStandard Chartered Việt Nam, ngày 13-11-2018, Chi cục THADS huyện Tây Sơn đã có quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của Bisoco tại xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, bao gồm các công trình xây dựng trên đất, thiết bị máy móc, tài sản lưu động, hàng hoá tồn kho, các khoản nợ phải thu, các tài khoản được thế chấp, các quyền lợi được bảo hiểm, các quyền sở hữu trí tuệ… được ghi trong hợp đồng thế chấp tài sản và quyền tài sản lập ngày 27-6-2013 giữa Bisuco với Ngân hàng TNHH MTVStandard Chartered Việt Nam. Ngoài ra, theo Cục thuế tỉnh Bình Định, tính đến ngày 31-3-2019, Bisuco là doanh nghiệp dẫn đầu danh sách nợ thuế với tổng số tiền hơn 24,8 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Đồng – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Bisuco cho biết, sau khi Bisuco thông báo tạm dừng hoạt động từ tháng 7-2018 cho đến nay, 327 công nhân lâm vào tình trạng thất nghiệp trong khi doanh nghiệp vẫn còn treo nợ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội… của người lao động hơn 19 tỷ đồng.

Ngày 25-3-2019, ông Trần Văn Đồng đại diện người lao động khởi kiện tranh chấp hợp đồng lao động đối với Giám đốc Bisuco để yêu cầu thanh toán các khoản nợ nêu trên.

Đến ngày 6-5-2019, ông Trần Văn Đồng rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện để gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp. Theo đó, ngày 13-5-2019, TAND huyện Tây Sơn đã có thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công đoàn cơ sở Bisuco nên quyền lợi của người lao động sẽ được giải quyết theo thủ tục phá sản.

Theo bà Nguyễn Thị Thống - Chánh văn phòng UBND huyện Tây Sơn, những vướng vấp, bất ổn ở Bisuco tái diễn gần hai năm qua từ tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho đến nợ vay tín dụng, nợ thuế, nợ tiền lương, tiền trợ cấp của người lao động.

Từ khi Bisuco đóng cửa, UBND huyện Tây Sơn đã phải liên hệ, đề nghị Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) hỗ trợ thu mua mía nguyên liệu cho nông dân Tây Sơn.

Và do không có nơi tiêu thụ nguyên liệu nên diện tích trồng mía ở Tây Sơn từ 662 ha trong năm ngoái thì niên vụ này đã giảm xuống còn 209 ha. Nhiều cơ quan chức trách đã đến Bisuco làm việc nhưng không có người đại diện pháp luật hay người đại diện theo uỷ quyền để hợp tác giải quyết những tồn tại vướng mắc.

Hữu Toàn
.
.
.