Sau 1 tuần triển khai xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn ở Hà Nội:

Vẫn tiềm ẩn nỗi lo về vi phạm, tai nạn giao thông

Thứ Ba, 23/12/2014, 09:23
Nhằm ngăn chặn vi phạm, giảm thiểu nỗi đau do tai nạn giao thông (TNGT), trong đó có lỗi sử dụng rượu bia quá mức quy định gây ra, mới đây Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hà Nội) đã mở đợt cao điểm xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Thế nhưng, dường như phớt lờ các quy định cũng như chưa thấy được hết hệ lụy đi kèm với rượu bia, nhiều chủ phương tiện vẫn sử dụng rượu bia vượt ngưỡng.

Tai nạn giao thông đi qua, nỗi đau để lại… đó là thực tế đã và đang tồn tại trong thời gian qua. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, có đến trên 60% số vụ TNGT xảy ra có nguyên nhân từ lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông. Trong đó phải kể đến lỗi vi phạm về nồng độ cồn.

Xác định nhiệm vụ kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động đảm bảo TTATGT các tháng cuối năm 2014 và dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, trung tuần tháng 12/2014 vừa qua, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hà Nội) đã  mở đợt cao điểm xử lý các vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.

Theo đó từ ngày 16/12, các Đội CSGT trực thuộc sẽ thành lập Tổ công tác xử lý vi phạm Luật Giao thông, đặc biệt là việc chấp hành quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông; từng bước hình thành thói quen không điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ khi sử dụng rượu bia…

Có chứng kiến các Tổ công tác của lực lượng CSGT TP Hà Nội xử lý vi phạm về nồng độ cồn trong mấy ngày qua mới thấy được sự vất vả của cán bộ chiến sĩ CSGT trong khi làm nhiệm vụ…

Theo Thượng úy Đặng Thành Trung, Đội phó Đội CSGT số 6, bên cạnh việc ngồi ì trong quán, chờ lực lượng chức năng rời chốt mới lấy xe ra về, nhiều trường hợp khi bị kiểm tra, thay vì chấp hành đã tỏ thái độ bất hợp tác, bỏ lại phương tiện, không ký vào biên bản xử lý vi phạm hành chính gây khó khăn cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, đối với các trường hợp này, lực lượng CSGT vẫn sẽ cương quyết xử lý nhằm tạo sức răn đe.

Điển hình vào trưa 16/12, Tổ công tác của Đội CSGT số 6 do Trung úy Đào Quý Trung làm Tổ trưởng trong quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm tại nút giao thông Phạm Hùng – Trần Duy Hưng đã phát hiện Đặng Ngọc Anh, ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) điều khiển xe ôtô mang BKS 30Z-090x có biểu hiện sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện trong hơi thở của tài xế Đặng Ngọc Anh có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép. “Mặc dù Tổ công tác đã giải thích rõ lỗi vi phạm và yêu cầu tài xế ký vào biên bản xử lý vi phạm hành chính, song tài xế này vẫn bỏ đi, không ký vào biên bản theo quy định. Đối với trường hợp như thế này, chúng tôi sẽ cương quyết xử lý nghiêm, không để vi phạm “nhờn” luật…”, đại diện Đội CSGT số 6 khẳng định.

Còn theo Thượng úy Phạm Văn Chiến – Đội phó Đội CSGT số 3 cho hay: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Phòng, ngay từ ngày 16/12, Đội đã thành lập các Tổ công tác chia làm 2 ca (trưa từ 12h-16h; chiều từ 18h-22h) tuần tra, kiểm soát tại các nút giao thông tập trung đông quán nhậu, nhà hàng hoạt động; qua đó ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia quá mức cho phép.

Kết quả tính từ ngày 16/12 đến ngày 21/12, Đội đã lập biên bản xử lý 24 trường hợp (1 xe ôtô và 23 xe mô tô); xử phạt hơn 25 triệu đồng. Các trường hợp vi phạm đều bị tước GPLX. Trong quá trình kiểm tra xử lý, nhiều trường hợp sử dụng rượu bia vi phạm tỏ thái độ bất hợp tác, không thổi vào máy kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở theo hướng dẫn của cán bộ CSGT, không ký vào biên bản xử lý vi phạm v.v... Song với sự cương quyết của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, các trường hợp này đều bị xử lý nghiêm.

Ghi nhận vào chiều 21/12 và trưa 22/12, chúng tôi chứng kiến tại các quán bia hơi như: H.X (trên đường Hoàng Quốc Việt), N.H (Yên Phụ), H.B (Tôn Đức Thắng), C.H (đường ven Hồ Tây)… vẫn đông nghịt thực khách. Những tiếng “1, 2, 3… dzô”, “3, 2, 1… uống” nối nhau vang lên không ngớt. Để rồi tàn cuộc nhậu, dân nhậu rời quán, lấy xe ra về với dáng vẻ liêu xiêu… Nhìn hình ảnh này, chúng tôi thấy lo ngại trước nỗi lo về vi phạm Luật Giao thông, tai nạn ập đến bất cứ lúc nào cho bản thân người vi phạm cũng như người đi đường.

Đại tá Nguyễn Hữu Luyện – Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý TNGT (Cục CSGT đường bộ - đường sắt, Bộ Công an): Rượu – bia là những chất kích thích khiến cơ thể người sử dụng dễ lâm vào tình trạng bị kích thích hệ thần kinh, sự nhận thức, hoạt động, hành vi khó kiểm soát. Khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, rượu – bia còn khiến cơ thể ta không chủ động xử lý được các tình huống phát sinh trên đường. Và rồi lúc này, những nguy cơ về va chạm, TNGT theo đó luôn tiềm ẩn phát sinh. Thực tế chứng minh, cũng đã có nhiều vụ TNGT đau lòng xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ lỗi người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia quá mức quy định.
Diễm Lệ
.
.
.