Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo bộ Luật Hình sự (sửa đổi):

Vấn đề mới, vấn đề còn nhiều luồng ý kiến được 'trưng cầu' dân ý

Chủ Nhật, 19/07/2015, 09:55
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa Quyết định ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC xoay quanh những vấn đề trọng tâm cần lấy ý kiến nhân dân trong dự thảo luật.

Phóng viên (PV): Việc lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) trong thời hạn từ 17/7 đến 14/9 có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng luật lần này thưa ông?

Ông Nguyễn Sơn: Xuất phát từ yêu cầu sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi luật tổ chức của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, trong đó có các cơ quan tư pháp, hoạt động tư pháp. Để đảm bảo quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ chủ quyền của đất nước, đảm bảo nền kinh tế, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp. Đồng thời, Toà án phải thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý thì các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt vi phạm pháp luật hình sự diễn ra hằng ngày, hằng giờ, ở tất cả mọi nơi trên đất nước, cần phải cụ thể, rõ ràng đảm bảo cho mọi hành vi vi phạm pháp luật, hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc này phù hợp với thực tiễn, đúng yêu cầu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT.

Nội dung xây dựng Bộ luật Hình sự sửa đổi cần để người dân biết, để có cách xử sự, đảm bảo các mối quan hệ, tránh vi phạm pháp luật. Thực hiện Nghị quyết 972/NQ-UBTVQH13 ngày 13/7/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định 1076/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), toàn văn dự thảo luật đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Yêu cầu lấy ý kiến toàn bộ nội dung nhưng có những vấn đề trọng tâm, cần đặc biệt chú trọng như: Vấn đề mới, vấn đề cần nhiều luồng ý kiến…

PV: Một trong những nội dung dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) người dân đang rất quan tâm là quy định áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông Nguyễn Sơn: Tinh thần chung của Ban soạn thảo là bỏ tử hình với 7 loại tội (cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về ANQG; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh; vận chuyển trái phép chất ma tuý-PV). Nhiều ý kiến đồng tình, nhiều ý kiến không đồng tình. Ban soạn thảo, Bộ Tư pháp đã có đánh giá kỹ về vấn đề này. Quan điểm TANDTC đồng tình với việc bỏ tử hình với 7 loại tội danh trên.

Trong Dự thảo còn có nêu bỏ tử hình đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên. Chúng tôi cho rằng, việc này chưa có cơ sở. Nhiều loại tội phạm, có những người trên 70 tuổi cầm đầu các tổ chức tội phạm, là đối tượng nguy hiểm. Luật Người cao tuổi quy định, 60 tuổi là người cao tuổi. Vậy căn cứ nào để đưa ra con số 70 tuổi? Theo tôi, cần xem xét lại vấn đề này?

Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC.

PV: Bỏ hay không bỏ tử hình đối với người phạm tội tham nhũng cũng đang là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm. Lại có cả quan điểm, nếu người phạm tội bỏ tiền ra để khắc phục hậu quả thì nên miễn tử hình. Quan điểm của ông về việc này?

Ông Nguyễn Sơn: Chống tham nhũng có tính chất toàn cầu. Quốc tế  cũng có yêu cầu chống tham nhũng. Việt Nam đang phát triển, tham nhũng có thể gắn với sự phát triển của nền kinh tế thị trường còn nhiều. Yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng hôm nay của Việt Nam cũng như mong đợi của nhân dân còn rất cao. Theo tôi, không nên bỏ tử hình. Các tội tham nhũng rất tinh vi, khó phát hiện. Có thể, có dấu hiệu nhưng chứng cứ rất khó. Đi vào cụ thể để điều tra khó khăn, nên khi bắt được cần phải xử lý nghiêm. Quan điểm của Đảng, người có chức vụ càng cao, càng xử lý nghiêm minh.

Thu hồi tài sản tham nhũng cũng là vấn đề. Có những vụ án chứng minh được hành vi tham nhũng ít nhưng người ta có khối tài sản lớn, chỉ còn cách quy định hình phạt bổ sung (tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản).

PV: Như ông đã đề cập ở trên, việc lấy ý kiến nhân dân cần lưu ý đến những vấn đề mới. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội phạm pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự được nêu ra trong dự thảo lần này rất mới mẻ?

Ông Nguyễn Sơn: Đúng đây là vấn đề mới. Có hai luồng ý kiến: Nên hay không nên. Nếu “nên”, cần làm rõ quan điểm như thế nào để cấu thành tội phạm trong khi mình đang có Luật Xử lý vi phạm hành chính, đã có quy định xử phạt hành chính đối với pháp nhân. Nhưng giới hạn hành chính và hình sự là ở đâu? TANDTC có ý kiến: áp dụng xử phạt hành chính đã mạnh chưa? Xử lý được bao nhiêu trường hợp? Phải xem xét kỹ, nếu doanh nghiệp vi phạm ở lĩnh vực nào, tước giấy phép ở lĩnh vực đó. Nếu tước toàn bộ giấy phép, ảnh hưởng đến đời sống công nhân. Rồi chế tài như thế nào cũng cần phải nghiên cứu rất kỹ càng.

PV: Ngành TAND thực hiện việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Sơn: Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết; Chính phủ ban hành kế hoạch; Bộ Tư pháp cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức triển việc lấy ý kiến nhân dân từ ngày 15/7, TANDTC thực hiện triển khai đúng kế hoạch lấy ý kiến cán bộ, nhân viên. Đây là yêu cầu cần thiết, vì cán bộ ngành Toà án là người trực tiếp vận dụng trong thực tiễn Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Áp dụng luật minh bạch, rõ ràng, sẽ hạn chế thấp những ý kiến của dư luận khi cho rằng, “Toà thích xử thế nào thì xử”. Xử lý đối với người vi phạm pháp luật trong cơ quan Toà án rất nghiêm khắc, càng cụ thể, càng thuận lợi cho việc áp dụng. Các thẩm phán trong toàn quốc phải là đội ngũ tích cực tham gia đóng góp vào dự thảo.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cao Hồng (thực hiện)
.
.
.