Trường tiểu học B Vĩnh An, An Giang sắp sập đổ

Thứ Tư, 16/08/2006, 14:40
Nhà trường đã lên tiếng về nguy hiểm treo lơ lửng trên đầu học sinh, các bậc cha mẹ học sinh rất nôn nóng, chính quyền xã Vĩnh An biết nhưng cũng chỉ biết thở dài...

Vào năm 2000, Trường Tiểu học B Vĩnh An nằm cạnh tỉnh lộ 941 này chỉ được đầu tư xây dựng mới 4 phòng học kiên cố, thiết kế theo dạng nhà sàn vượt lũ. Sau mùa lũ năm 2002 - tức đầu năm 2003, Trường Tiểu học B Vĩnh An được đầu tư xây dựng thêm 4 phòng học, theo chương trình khắc phục lũ lụt của địa phương.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng văn hóa - xã hội tỉnh An Giang cho biết: Bốn phòng học xây sau này được thi công theo thiết kế lắp ghép bê tông dự ứng lực, tường xây gạch, cửa sổ khung sắt không cánh, nền trệt lót gạch và mái lợp tôn, tổng diện tích sử dụng là 243,36m2. Công trình do Công ty Kinh doanh phát triển nhà tỉnh An Giang (nay là Công ty cổ phần Địa ốc An Giang) thi công, với nguồn vốn dự toán được duyệt là 325 triệu đồng, bao gồm cả kinh phí san lấp mặt bằng.

Tuy nhiên, chẳng ai ngờ rằng, tháng 4/2004, tức chỉ nửa năm kể từ ngày công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, la phông các phòng hư hỏng, hệ thống bóng đèn, quạt trần không hoạt động. Nghiêm trọng nhất là thực trạng lún, nứt đang xảy ra ở đây. Nhà trường đã lên tiếng, các bậc cha mẹ học sinh rất nôn nóng, chính quyền xã Vĩnh An biết nhưng cũng chỉ biết thở dài... Đơn vị thi công sau đó cũng đã cử người đến khắc phục. Có điều, họ càng sửa thì tường càng nứt nhiều hơn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại phòng 1, cả tường mặt trước và mặt sau, có rất nhiều vết nứt rộng cả gang tay; dưới nền, gạch bị bể nhiều và bị võng xuống. Các phòng học còn lại đều có răng nứt tường theo vị trí giữa tường và cột. Trước diễn biến đáng ngại này, thầy cô, học sinh lập tức được lệnh di tản. Phòng học bỗng trở thành "khu vực nguy hiểm, không được đến gần".

Mới đây, một đoàn cán bộ gồm Bí thư Huyện ủy Châu Thành và đại diện đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đến khảo sát. Gần như ai cũng bức xúc vì công trình hàng trăm triệu đồng sử dụng chưa đầy một năm đã xuống cấp nghiêm trọng.

Thầy Thảo cho biết: "Chúng tôi đã rất nhiều lần kiến nghị ngành chức năng. Chỉ riêng năm học 2005-2006, chúng tôi đã có 5 tờ trình gửi đi nhưng không hiểu sao, chẳng thấy cấp trên hồi âm". "Năm học 2006-2007 gần kề mà chưa biết phải toan tính ra sao và lấy tiền ở đâu để sửa chữa các phòng cũ… chữa cháy đỡ".

Nước đến chân mới nhảy

Tiến sĩ Hồ Việt Hiệp - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh An Giang khẳng định: "Đúng là vụ việc bị lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện ngó lơ nên dẫn đến thực trạng tồi tệ như ngày hôm nay". Một cán bộ khác kể thêm, nguyên nhân cơ học dẫn đến chuyện lún, nứt và sắp sụp đổ như thế là do các đơn vị có liên quan đến tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo trước đây. Cụ thể, vào ngày 18/6/2004, Sở có văn bản đề nghị trồng cây ven theo đê bao bên ngoài, nhằm chống sạt lở. Tuy nhiên, ý kiến này bị ngó lơ. Cây chẳng được trồng mà nền hạ cứ sạt, nhất là vào mùa mưa và nước nổi.

Còn trách nhiệm của chủ đầu tư? Ông Nguyễn Hoàng Phượng - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng văn hóa - xã hội cho biết: "Vụ việc được chúng tôi "lo" từ cuối năm 2005 bằng văn bản khắc phục sạt lở đê bao trường này. Tuy nhiên, đến ngày 27/6 vừa qua, UBND huyện Châu Thành mới có văn bản "phản hồi". Căn cứ vào kết quả khảo sát hiện trạng 2 ngày sau đó, công trình đang ở tình trạng như nhà báo đã thấy". Ông Phan Ngọc Trinh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh cho biết: "Chúng tôi vừa chấp nhận phương án phá dỡ phòng học có nguy cơ sập đổ; 3 phòng còn lại giao cho Phòng Giáo dục huyện khắc phục".

Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp "chữa cháy" tạm thời để phục vụ cho năm học mới. Nguồn tin riêng của PV Báo CAND vào sáng 13/8 cho biết: UBND tỉnh An Giang đã quyết định thành lập đoàn thanh tra vào cuộc để xác định trách nhiệm, làm cơ sở cho việc xử lý nghiêm theo pháp luật

Binh Huyền
.
.
.