Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Ninh Kiều (Cần Thơ): Hoạt động theo kiểu nhiều... không

Thứ Ba, 12/02/2008, 15:26
Qua thanh tra hoạt động sư phạm của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Ninh Kiều (Cần Thơ), Đoàn thanh tra phát hiện ra hàng loạt chữ "không": Giáo viên không có hồ sơ theo quy định như sổ kế hoạch giảng dạy, giáo án, sổ dự giờ, sổ điểm cá nhân…; giáo viên không dạy bù khi vắng tiết...

Đầu tháng 11/2007, Báo CAND đã có loạt bài phản ánh về nhiều điều khó ngờ tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) quận Ninh Kiều, thuộc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ.

Ngay sau đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, Đoàn thanh tra toàn diện do một Phó Giám đốc Sở làm Trưởng đoàn đã được thành lập. Những điều mà Đoàn đã chỉ ra sau nhiều ngày làm việc cho thấy điều Báo CAND phản ánh chỉ là một phần…

Cái gì cũng "không"… (?!)

Qua kiểm tra xác suất học bạ của học sinh, Đoàn thanh tra của Sở GD&ĐT gặp phải từ bất ngờ này đến nhiều điều bất ngờ khác. Bùi Hoàng Đ., ghi thi lại 4 môn toán, lý, hóa, sinh; điểm thi lại chỉ có toán, lý, hóa; thiếu điểm bình quân nhưng vẫn được lên lớp. Đặng Ngọc T.A., thi lại môn toán, hóa, địa nhưng trong học bạ chỉ ghi điểm thi lại của toán, hóa; thiếu điểm bình quân vẫn kết luận lên lớp. Nguyễn Thị L., thi lại môn hóa nhưng chẳng thấy điểm thi lại đâu cũng vẫn được kết luận lên lớp.

Không chỉ có 3 học sinh của lớp 10A3 này, mà tại lớp 10A1, 11B6, 10B1… cũng không được Trung tâm ghi chép đầy đủ.

Có rất nhiều sổ thiếu kiểm diện học sinh, không có ký xác nhận và nhận xét từng tháng của lãnh đạo phụ trách. Khi Đoàn thanh tra vào cuộc, lãnh đạo Trung tâm mới cho ghi vào sổ cái; một số học sinh thi lại kể trên không ghi vào sổ điểm, điểm thi lại.

Có lớp, sổ ghi điểm bị sửa lung tung nhưng người có trách nhiệm không xác nhận có bao nhiêu chỗ sửa; tổng số học sinh được lên lớp sau khi thi lại không được thể hiện. Năm học 2006 - 2007, Trung tâm không thống kê được tỉ lệ lưu ban bỏ học dù thực tế tỉ lệ này không phải là thấp; việc thống kê học lực của học sinh vào cuối năm cũng bị bỏ lửng…

Trung tâm hiện có 16 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhưng trong đó có ông Phạm Thanh Tâm mới tốt nghiệp Trung học Sư phạm tiểu học - không đủ chuẩn cũng được bố trí làm Tổ trưởng văn phòng.

Chưa dừng lại ở đó, qua thanh tra hoạt động sư phạm của nhà giáo, Đoàn thanh tra phát hiện ra hàng loạt chữ "không": Giáo viên không có hồ sơ theo quy định như sổ kế hoạch giảng dạy, giáo án, sổ dự giờ, sổ điểm cá nhân, sổ chủ nhiệm lớp, sổ bồi dưỡng chuyên môn… (thể hiện công tác quản lý chuyên môn gần như khoán trắng cho giáo viên); giáo viên lên lớp không có giáo án mà chỉ sử dụng sách giáo khoa để dạy, có trường hợp dùng giáo án phổ thông để dạy… bổ túc; không thực hiện việc giảng dạy thí nghiệm thực hành hoặc thí nghiệm minh họa (thiết bị được cung cấp hầu hết còn giữ nguyên trong thùng); sổ đầu bài không ghi đầy đủ (nên Đoàn thanh tra khó kiểm tra được tiết dạy, khó biết giáo viên dạy đúng, đủ hay thiếu bài, mất tiết…); không thực hiện quy định về chấm chữa bài, cho điểm, gần như sau một học kỳ hoặc lâu hơn, học sinh mới biết điểm của mình qua các lần kiểm tra; không thấy giáo viên dạy bù khi vắng tiết...

Năm học 2006 - 2007 vừa qua, việc đánh giá, xếp loại giáo viên chưa được thực hiện nghiêm túc, chính xác. Hầu hết do giáo viên tự xét, xếp loại cho mình và Giám đốc Trung tâm ký tên vào mà chẳng kèm theo ý kiến nào.

Trường hợp ông Tâm vừa kể, thủ trưởng có nhận xét về khuyết điểm nhưng cuối cùng vẫn xếp loại "Tốt" theo ý tự xét của cá nhân. Việc phân công giáo viên cơ hữu đứng lớp chưa đủ tiết chuẩn theo quy định nhưng giáo viên hợp đồng thì dạy rất nhiều.

Việc thực hiện hợp đồng với giáo viên thỉnh giảng cũng không được rõ ràng. Hợp đồng thực chất chỉ là "Đơn xin việc" có xác nhận của Giám đốc Trung tâm. Dù vậy, đúng như Báo CAND đã phản ánh, có giáo viên được phân công chủ nhiệm đến 7 - 8 lớp.

Việc xây dựng kế hoạch giáo dục của Trung tâm bị bỏ lửng. Ngoài kế hoạch chung của Trung tâm, Đoàn thanh tra không tìm thấy được kế hoạch nào khác, kể cả kế hoạch chuyên môn, hành chính quản trị, chủ nhiệm, kiểm tra và việc thực hiện cuộc vận động "Hai không" của Bộ GD&ĐT… Hoạt động của Trung tâm thường làm theo thói quen(!).

Nhùng nhằng thu chi tài chính

Vẫn theo báo cáo của Đoàn thanh tra, Trung tâm GDTX quận Ninh Kiều có 5 cán bộ, giáo viên phụ trách hành chính nhưng Giám đốc Huỳnh Minh Triều bao biện nhiều việc, thậm chí tham gia phân phối văn phòng phẩm, giữ và xử lý tất cả công văn đến năm 2007, soạn thảo hầu hết văn bản.

Trung tâm có đủ bộ ba: Chủ tài khoản, kế toán và thủ quỹ, tuy nhiên, qua thanh tra nội dung tài chính, việc thu chi hầu hết đều làm theo quy trình: Thủ quỹ thu chi trước - theo ý của Giám đốc Trung tâm, sau đó đưa chứng từ cho kế toán vào sổ; vi phạm nghiêm trọng về nguyên tắc tài chính, kế toán.

Theo kết luận của Đoàn thanh tra tài chính, đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều sai sót trong quá trình quản lý tài chính. Chẳng hạn như chứng từ chưa được kế toán kiểm tra xác minh tính pháp lý trước khi chi; có sự chênh lệch giữa sổ sách kế toán và quỹ tiền mặt.

Theo yêu cầu của Đoàn thanh tra, Trung tâm đã tiến hành kiểm kê quỹ tiền mặt và phát hiện ra điều khá bất ngờ. Số dư theo quỹ tiền mặt (kể cả quỹ phúc lợi) có chữ ký của "bộ ba" kế toán, thủ quỹ và… thủ trưởng ký lên tới gần 374 triệu đồng nhưng tiền mặt trong két chỉ gần 32 triệu đồng.

Số tiền còn lại - đúng như Báo CAND phát hiện, phản ánh, nằm trong 5 quyển sổ tiết kiệm do ông Châu Hùng Dũng - thủ quỹ Trung tâm đứng tên gửi cho Ngân hàng cổ phần Thương mại Phương Nam (1 sổ, số tiền 150 triệu đồng, gửi ngày 28/9/2007) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (4 sổ, số tiền 192 triệu đồng, trong đó có 3 sổ gửi từ 23 – 29/10/2007 - cận kề với ngày Đoàn thanh tra vào cuộc).

Lãnh đạo Trung tâm giải trình rằng, việc phải mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng mà không gửi vào tài khoản tiền gửi của Kho bạc Nhà nước là do thời điểm kế toán cũ Nguyễn Thị Yên Oanh nghỉ (từ tháng 6/2007 đến 1/10/2007, Sở mới tuyển kế toán mới), kế toán mới chưa có. Đến khi có kế toán mới thì không đăng ký chữ ký tại kho bạc được nên nếu nộp tiền vào kho bạc thì không thể rút tiền ra được(?).

Trong khi đó, Trung tâm cần phải có tiền để trả lương và chi cho các hoạt động thường xuyên nên buộc phải gửi vào Ngân hàng(?). Giải trình suôn sẻ như thế nhưng Đoàn thanh tra cho biết vào thời điểm đầu tháng 9/2007, kế toán mới đã có đủ thủ tục giao dịch về tài chính nhưng đến cuối tháng 9/2007 và tháng 10/2007, Trung tâm vẫn còn gửi tiền bằng các sổ tiết kiệm kể trên. "Điều này cho thấy Trung tâm chưa trung thực trong lý giải việc gửi tiền này" - báo cáo kết luận

Binh Huyền
.
.
.