Trụ nước chữa cháy ở Vĩnh Phúc: "Cha chung không ai khóc"

Thứ Ba, 16/10/2007, 08:25
Ở các khu vực như Liên Bảo, khu công sở, Khai Quang (Vĩnh Phúc) có gần 20 trụ nước chữa cháy thì có trên 10 trụ bị mất trộm thiết bị. Vì lợi nhuận trước mắt, nhiều kẻ đã tháo trộm thiết bị để bán, còn những gia đình ở xung quanh trụ nước thì có tư tưởng "cha chung không ai khóc".

Quy trình lấy nước từ 5 - 10 phút thành 30 - 40 phút

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn TP Vĩnh Yên có 34 trụ nước chữa cháy nổi do Công ty Thoát nước và Môi trường đô thị số 1 Vĩnh Phúc thiết kế lắp đặt.

Các trụ nước này là thiết bị chuyên dụng, được lắp đặt trên đường ống dẫn nước chính của hệ thống cấp nước đô thị, có trụ và van xả nước để cho xe chữa cháy lấy nước phục vụ công tác chữa cháy khi có sự cố cháy nổ trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận. Các trụ nước được bố trí lắp đặt trên các quốc lộ, khu dân cư và nổi trên mặt đất.

Tuy nhiên, theo khảo sát gần 20 trụ nước ở các khu vực như Liên Bảo, khu công sở, Khai Quang thì đã có trên 10 trụ nước bị mất trộm thiết bị. Vì lợi nhuận trước mắt, nhiều kẻ đã tháo trộm thiết bị để bán cho đồng nát lấy tiền tiêu, còn những gia đình ở xung quanh trụ nước thì có tư tưởng rằng đây là tài sản Nhà nước thì "cha chung không ai khóc".

Cá biệt nhiều trụ nước đã mất toàn bộ nắp đậy dây xích, gioong, đầu nối hỗn hợp; đất cát, rác thải bị nhét đầy trong các trụ nước và tại vị trí khóa mở trụ khi cần lấy nước.

Theo đồng chí Trần Hoài Nam, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC, đối với những trụ nước bị mất các thiết bị, để hút được nước lên xe, lực lượng PCCC phải sử dụng nhiều thao tác hơn, như lắp các thiết bị phụ trợ để khắc phục.

Còn đối với những trụ nước bị rác thải nhét đầy và bị bít khóa mở trụ, nếu cần lấy nước sẽ rất khó khăn cho cơ quan PCCC. Mà mở được khóa trụ thì cũng khó hút nước, bởi quá nhiều rác thải bị đẩy vào trụ nước.

Đồng thời, khi phun nước chữa cháy, rác thải được hút vào bể chứa quấn vào cánh quạt của guồng bơm ly tâm trên xe chữa cháy làm cho cánh quạt không quay được và kéo theo nước sẽ không phun được.

Đối với những trụ thông thường, chỉ cần 5 -10 phút (tùy áp lực nước của từng khu vực) là có thể hút được 3 khối nước, song cũng với khối lượng nước như vậy phải cần đến từ 30 - 40 phút đối với những trụ nước bị hỏng và mất các thiết bị.

Và như vậy sẽ kéo dài thời gian lấy nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ của việc chữa cháy. Ngoài ra, do lắp đặt ngoài trời, trong khi đó không được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng nên hầu hết các van của trụ nước đã bị han gỉ, rất khó mở nắp đậy.

Bên cạnh đó vì các trụ nước được lắp đặt trên vỉa hè, mà theo thời gian nhiều nơi vỉa hè được tôn cao khiến nhiều trụ nước, các van xả sát với mặt đất, không có khoảng cách để nối đầu nối hỗn hợp với xe chữa cháy. Và tất nhiên vì thế cũng không thể hút nước nếu cần...

Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

Theo Thông tư liên bộ số 10 ngày 31/12/1994 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và Bộ Xây dựng thì "cơ quan cấp nước đô thị chịu trách nhiệm quản lý, bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị".

Song, ông Trần Hiệp Cương, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Cấp thoát nước và Môi trường số 1 Vĩnh Phúc cho biết, mặc dù công ty có kiểm tra và phát hiện việc mất trộm các thiết bị ở các trụ nước chữa cháy trên địa bàn TP Vĩnh Yên nhưng chưa tiến hành biện pháp nào để bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế các thiết bị đã mất.

Lý do ông Cương đưa ra là nếu bảo dưỡng, sữa chữa mà không sử dụng đến thì cũng vô ích. Vẫn biết từ khi lắp đặt đến nay, lực lượng PCCC của Công an tỉnh Vĩnh Phúc chưa một lần phải sử dụng đến các trụ nước chữa cháy. Đó là một điều mừng.

Thế nhưng, ai có thể chắc chắn rằng không bao giờ có sự cố cháy nổ nghiêm trọng xảy ra, lúc đó "mất bò mới lo làm chuồng" phỏng có ích gì? Vì vậy, trong buổi làm việc với lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Vĩnh Phúc hồi tháng 4/2007 và Công văn số 179 ngày 25/9/2007 gửi Vụ Hạ tầng đô thị thuộc Bộ Xây dựng, Công ty Cấp thoát nước và Môi trường đô thị số 1 Vĩnh Phúc có ý kiến đề nghị giao cho cơ quan Công an quản lý hệ thống trụ nước cứu hỏa.

Tuy nhiên, ý kiến này vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thiết nghĩ, không phải ngẫu nhiên trong công tác PCCC đặt ra 4 yêu cầu tại chỗ: lực lượng, phương án, phương tiện và hậu cần.

Vậy mà 34 trụ nước được lắp đặt vì mục đích hết sức thiết thực là phục vụ công tác chữa cháy, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân lại đang bị hư hỏng nặng và có nguy cơ trở thành phế phẩm, rất nguy hiểm khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Chính vì thế, trong khi chờ các cơ quan thẩm quyền phê duyệt trách nhiệm phụ trách các trụ nước trên thuộc đơn vị nào thì cơ quan cấp nước đô thị (đơn vị đang phụ trách) phải có kế hoạch kiểm tra thường xuyên, định kì bảo dưỡng, sửa chữa để đảm bảo cho các trụ nước luôn trong tư thế sẵn sàng cấp nước khi cần.

Đồng thời mỗi người dân hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ hệ thống chữa cháy, nhất là các trụ nước. Có như vậy công tác chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC mới kịp thời và có hiệu quả, góp phần hạn chế những thiệt hại về người và tài sản do các vụ cháy nổ gây ra

Hải Đường - T.Hòa
.
.
.