Tìm giải pháp chống ngập khu vực nội ô TP Cần Thơ

Thứ Hai, 29/06/2015, 14:08
Theo khảo sát của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, hằng năm vào mùa mưa, nhiều đô thị vùng ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng bị ngập úng, với độ sâu ngập phổ biến từ 0,3-1,5m, thời gian ngập 2-6 tháng.
Các khu vực ngập sâu là Bắc Cái Sắn, huyện Vĩnh Thạnh, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ). Vùng ngập triều kết hợp với mưa là khu vực nội ô (quận Ninh Kiều, Bình Thủy). Tình trạng ngập úng xảy ra ngày càng gia tăng và trên diện rộng, ngập úng diễn ra thường xuyên, kéo dài hơn.

Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho rằng, nguyên nhân gây ngập úng các đô thị vùng ĐBSCL nói chung, Cần Thơ nói riêng xuất phát từ 5 nguyên nhân chính. Quá trình đô thị hóa đã làm giảm sự điều tiết tự nhiên của bề mặt lưu vực, san lấp làm giảm các khu trữ nước tự nhiên. Ở nội thành, phần lớn bề mặt đất bị bê tông hóa, nhựa hóa, xây dựng nhà.

Do vậy, khi mưa xuống, hầu như toàn bộ lượng nước mưa đều tập trung thành dòng chảy mặt, không thể thấm xuống đất hoặc trữ lại để giảm bớt lượng dòng chảy tập trung. Thêm vào đó, khả năng tiêu thoát hạn chế của hệ thống tiêu thoát nước nên hiện tượng ngập úng dễ dàng xảy ra.

Đường Trần Văn Hoài, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ biến thành sông sau một trận mưa lớn.

Theo các chuyên gia, khi thực hiện giải pháp công trình chống ngập úng phải xem xét trong tổng thể các quy hoạch thủy lợi của toàn ĐBSCL và các giải pháp công trình, như: bổ sung, nâng cấp hệ thống đê, kè kết hợp đường giao thông để ngăn lũ, ngăn triều cường; xây dựng hệ thống cống dưới đê ngăn lũ, triều cường và tiêu gạn nước; tôn nền theo quy hoạch nhằm giảm khối lượng đắp đê, xây cống; xây dựng các cửa van clape tự động tại các cửa xả để ngăn triều cường.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các trạm bơm tiêu nước tập trung hỗ trợ khi có mưa lớn trùng với thời gian lũ, triều cường; nạo vét, nâng cấp mở rộng hệ thống kênh trục, cấp I, cấp II tiêu nước, lấy nước tưới và nâng cấp, xây dựng mới hệ thống thoát nước mưa đô thị.

Về giải pháp phi công trình, các chuyên gia tại Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho rằng, cần sử dụng các diện tích đất trũng thấp ven sông, rạch và các hồ để tạo các khu trữ, điều tiết nước mưa. Tạo bề mặt thấm, vùng đệm, vùng đất ngập nước nhằm trữ nước mưa, gia tăng lượng nước bổ sung cho tầng nước ngầm, giảm sự hình thành dòng chảy mặt, hạn chế tình trạng ngập úng cục bộ do mưa lớn thời đoạn ngắn, giảm tải cho hệ thống thoát nước mưa của các thành phố. 

Văn Đức
.
.
.