Tiêm "thần dược" trị bách bệnh(?)

Thứ Năm, 05/10/2006, 09:58

"Bác sỹ" Quế quả quyết các bệnh xoang, khớp, viêm da, á sừng… chỉ cần tiêm 3 mũi thuốc là khỏi hẳn. Mũi thứ nhất cách mũi thứ hai 10 ngày và mũi thứ ba cũng thế. Hỏi về thứ "thần dược" đặc hiệu đó, "bác sỹ" chỉ nói chung chung: "Đó là thuốc của Mỹ, hàng xách tay".

Sau khi Báo CAND đăng bài "Xung quanh "thần dược" trị bệnh ở đường Bạch Đằng: Cần sớm kiểm tra làm rõ", rất nhiều bạn đọc từng là bệnh nhân của ông "lang băm" Nguyễn Văn Thắng gọi điện bày tỏ bức xúc về việc tiêm thuốc "chui" một cách trắng trợn và nguy hiểm đó.

Hơn thế nữa, có bệnh nhân còn cung cấp cho chúng tôi địa chỉ của "bác sỹ Quế" ở thị trấn Yên Viên, Gia Lâm cũng chữa bệnh khớp, xoang, viêm da, tổ đỉa, á sừng… bằng cách "tiêm" thứ thuốc y như của ông Thắng. Hiện họ rất hoang mang không hiểu thứ thuốc bà Quế tiêm là thuốc gì mà có tác dụng chẳng khác nào "thần dược".

Đến bệnh viện không khỏi, đến "bác sỹ" Quế…  khỏi hết

Nghe nhiều người mách ở thị trấn Yên Viên có "bác sỹ" Quế trị bệnh xoang, khớp, viêm da "nổi tiếng", anh Nguyễn Xuân H. ở Chương Mỹ, Hà Tây chẳng quản đường xa tìm đến bằng được để chữa căn bệnh xoang đeo đẳng anh hàng chục năm nay.

Sau khi tiêm 3 mũi của "bác sỹ" Quế anh thấy bệnh thuyên giảm nhiều. Nhưng sau đó anh lại bị bệnh trĩ. Tuy thế, mối băn khoăn của anh ngày càng lớn khi không biết thứ thuốc tiêm vào người mình là thuốc gì vì "bác sỹ" không cho biết tên thuốc, cũng chẳng khám bệnh, kê đơn. Đặc biệt, nơi hành nghề của "bác sỹ" chẳng có biển hiệu gì cả.

Sau khi đọc Báo CAND, anh thấy kiểu chữa bệnh của "bác sỹ" Quế chẳng khác nào kiểu chữa của "lang băm" Nguyễn Văn Thắng ở phường Bạch Đằng nên đã lo lắng gọi điện nhờ Báo CAND điều tra xem "bác sỹ" Quế có được phép hành nghề y dược tư nhân hay không?

Theo anh H. thì thứ thuốc bà Quế tiêm cho anh cũng có màu trắng sữa như ông Thắng tiêm cho bệnh nhân. Nằm ở ngay mặt đường Hà Huy Tập, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, ngôi nhà 3 tầng đồ sộ của "bác sỹ" Quế trông có vẻ không giống nơi chữa bệnh bởi một nửa tầng 1 phía ngoài là hiệu ảnh viện, váy cưới.

Anh thanh niên của hiệu ảnh viện nhìn chúng tôi do dự: "Bác Quế chỉ tiêm cho người quen thôi". Chúng tôi ngồi chờ đến gần trưa thì mới gặp được "bác sỹ". "Bác sỹ" tóc bạc trắng, khoảng hơn bảy mươi tuổi nhưng còn khá nhanh nhẹn. Sau vài giây do dự khi thấy chúng tôi là người lạ, "bác sỹ" đã vồn vã quảng cáo thứ thuốc của mình giống như quảng cáo "thần dược".

Thấy tôi nói người nhà bị xoang nhiều năm nay, đã chữa ở nhiều nơi không khỏi, "bác sỹ" khoe luôn: "Thế cứ đến đây, chỉ tiêm ba mũi là khỏi hẳn". "Nhưng cháu nghe nói một năm sau phải quay lại?". "Bác sỹ" hơi ớ người ra, nhưng vội khỏa lấp: "Khi nào bị lại thì đến đây, nhưng chỉ phải tiêm 1 mũi thôi".

"Bác sỹ" quả quyết với chúng tôi các bệnh xoang, khớp, viêm da, á sừng… chỉ cần tiêm 3 mũi thuốc của bà là khỏi hẳn. Tiêm mũi thứ nhất cách mũi thứ hai 10 ngày và mũi thứ ba cũng thế. Cô gái đứng cạnh tôi bị khớp nhiều năm, đã chữa nhiều nơi không khỏi, "bác sỹ" Quế khẳng định bà chữa khỏi được bằng… 3 mũi tiêm.

Theo quan sát của chúng tôi, "bác sỹ" Quế hành nghề thường ở tầng 1. Căn phòng chừng 15m2 nhưng khá chật chội do để đồ dùng ngổn ngang. Chúng tôi tò mò hỏi về thứ "thần dược" đặc hiệu đó, "bác sỹ" Quế chỉ nói chung chung: "Đó là thuốc của Mỹ, hàng xách tay".

"Bác sỹ" Quế kể cho chúng tôi nghe về một người hàng xóm cứ sang "năn nỉ" bà cho xin cái bao bì của thuốc để gửi cho người nhà bên Mỹ mua hộ, nhưng tìm mỏi mắt cũng chẳng mua được (!). Theo giải thích của "bác sỹ" Quế thì thuốc đó dạng như kháng sinh liều cao, phải dùng thế mới khỏi được bệnh.

Trước khi về, "bác sỹ" hẹn chúng tôi: "Muốn tiêm thì gọi điện hẹn từ 22h hôm trước. Tốt nhất là đến trước 8h sáng và từ 16h đến 19h tối. Người nào bị xoang nặng nhất trong nhà thì đưa đến đây sẽ thấy hiệu nghiệm ngay".

Hành nghề "chui" ngay cạnh UBND thị trấn

Nghe "bác sỹ" Quế nói về "thần dược" của mình giống như kháng sinh liều cao, tôi bỗng giật mình. Tình trạng "kháng kháng sinh" do sử dụng thuốc bừa bãi đã và đang để lại nhiều hậu quả đáng tiếc, được bác sỹ và các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo đã lâu. Nếu một người không có chuyên môn tiêm kháng sinh cho bệnh nhân mà không biết cơ địa họ dị ứng với loại kháng sinh nào thì quả là cực kỳ nguy hiểm.

Ngày 3/10 chúng tôi có buổi làm việc với UBND thị trấn Yên Viên và lãnh đạo Ủy ban tỏ ra khá bất ngờ khi chúng tôi đề cập đến việc tiêm thuốc chữa bệnh của bà Quế. Bà Thạch Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Ủy ban không biết việc bà Phạm Thị Quế chữa nhiều bệnh bằng cách tiêm thuốc vì từ trước đến nay Ủy ban chưa nhận được phản ánh của người dân cũng như người bệnh về việc này.

Bà Hoa cũng khẳng định, bà Quế không có giấy phép hành nghề y dược tư nhân. Trước đây, bà Quế nguyên là Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Yên Viên, sau về công tác ở Hội Phụ nữ. Bà Quế chỉ là dược sỹ, có mở hiệu thuốc tại nhà. Có lẽ, cái tên "bác sỹ" là do người bệnh tự gọi và người này mách người kia thành quen. Cách đây vài tháng, bà Quế xin nghỉ kinh doanh và cho thuê tầng một để mở hiệu áo cưới.

Điều khiến chúng tôi khá bất ngờ là nhà bà Quế nằm ngay cạnh UBND thị trấn và theo bà Quế khoe thì bà tiêm thuốc chữa bệnh từ 10 năm nay. Dư luận đặt câu hỏi vì sao người ra, kẻ vào nhà bà Quế tiêm thuốc khá nhiều mà UBND lại không hay?

Ông Nguyễn Khắc Nguyên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Viên cảm ơn thông tin từ Báo CAND và hứa sẽ báo lên cấp trên để phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra giám sát

Trần Hằng
.
.
.