Thừa Thiên – Huế: Rừng phòng hộ Vinh Xuân bị tàn phá

Thứ Hai, 30/05/2011, 10:20
Hàng chục hécta rừng phòng hộ ven biển thuộc 2 thôn Xuân Thương Hạ và Xuân Thương Thượng, xã Vinh Xuân (huyện Phú Vang) đang bị người dân tàn phá để lấy củi một cách không thương tiếc.

Suốt gần 5 tháng qua, máu rừng vẫn ngày đêm “âm ỉ” chảy tại các cánh rừng phi lao phòng hộ men dọc theo bờ biển Thuận An thuộc địa phận 2 thôn Xuân Thương Hạ và Xuân Thương Thượng, xã Vinh Xuân (huyện Phú Vang).

Để tận mục sở thị, trưa 27/5, có mặt tại hiện trường nơi mà những cây phi lao đang xanh tốt bỗng dưng bị biến thành củi, chúng tôi không khỏi xót xa khi rừng phòng hộ ven biển Thuận An bị tàn phá nghiêm trọng. Nhiều hécta rừng phi lao phòng hộ bỗng dưng bị biến mất, chỉ còn để lại những gốc cây trơ trụi, nhựa thân cây ứ ra đặc quánh cuộn vào nhau như đang khóc. Kèm theo đó là hàng chục hécta diện tích đất trống không một bóng cây rừng, lộ cát trắng ngày một nhiều hơn.

Nhiều hécta rừng thông, phi lao phòng hộ bờ biển Thuận An đang dần biến mất.

Chị N.T.H, người dân thôn Xuân Thương Hạ, bùi ngùi: “Lúa mất trắng vì trổ không hạt chắc nên bà con nơi đây hiện gặp vô vàn khó khăn. Người biết bơi thì đi lặn lội bắt ốc, bắt tôm… bán kiếm tiền mua gạo. Còn người dân chúng tôi không biết bơi lặn thì cũng tranh thủ vào rừng tìm cây đốn về bán củi kiếm sống qua ngày. Không làm kiểu này, thì biết làm gì hả chú” (?!).

Được biết, nhiều tháng qua, nhất là trước khoảng thời gian 5h sáng, nhiều người dân lẻn vào rừng phi lao để chặt cây, bẻ nhánh, phơi khô tại đây, sau vài ngày sẽ đến mang về.

Anh Lê Thám, ngư dân đánh bắt thủy sản gần bờ biển thuộc thôn Xuân Thương Thượng, phân trần: “Hơn 1 tháng qua tại một số cánh rừng phòng hộ này xuất hiện khá nhiều người dân vào khai thác cây phi lao để làm củi. Có người chặt cây xanh đang sống, có người thì dùng rìu, mác hoặc rựa bổ gốc cây như kiểu tận diệt, chứng kiến cảnh rừng đang “âm ỉ” chảy máu tôi không khỏi xót xa.

Không chỉ dùng “rựa hoặc rìu” để đốn hạ cây. Thời gian gần đây còn xuất hiện nhóm người chuyên dùng cưa lốc, cưa tay thủ công cũng thay phiên nhau vào rừng cưa cây xẻ gỗ mang về nhà tiêu thụ. Qua xác minh, phần lớn đối tượng vào rừng phòng hộ lén lút đốn cây chủ yếu là người dân địa phương, bao gồm, thanh niên, già trẻ, gái trai đều có.

Nhiều cây phi lao mọc thành khóm hay đơn lẻ; thân lớn hay nhỏ đều bị triệt hạ một cách không thương hại. Chẳng mấy chốc hàng chục hécta rừng phi lao phòng hộ bị băm nát khiến cho cả cánh rừng “xanh” ngày nào giờ đây trở nên hoang tàn, phế trụi.

Như ta biết, hầu hết các đồi núi và các dòng sông ở miền Trung có độ dốc rất lớn và hung dữ, nguy hiểm vào mùa mưa bão. Cây rừng là tấm lá chắn, bám đất, giữ đất, hạn chế dòng chảy. Cây cổ thụ bị tiễn biệt, cây chưa trưởng thành cũng ngã xuống, nhường chỗ cho các khoảng đất trống, hầm hố phô trương. Những cánh rừng bị hoang mạc hóa thì tấm lá chắn này không còn nữa, tai họa ập xuống là điều khó tránh khỏi.

Không chỉ có vậy, việc khai thác bừa bãi các cánh rừng phòng hộ đầu nguồn để lấy củi, hoặc bán gỗ như tại xã Vinh Xuân, Phú Thuận (Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, các kiểu hệ sinh thái và nguồn gen quý hiếm vùng ven biển dần mất đi, tài nguyên rừng vốn bị cạn kiệt lại càng suy giảm nghiêm trọng hơn.

Những khóm phi lao bị triệt hạ không thương tiếc.

Nguy hiểm hơn, thiên tai, hạn hán, lũ lụt ngày một diễn ra dữ dội hơn. Ngoài ra, việc bức tử những cánh rừng thông, phi lao đầu nguồn tại 2 xã Xuân Thương Hạ và Xuân Thương Thượng (Vinh Xuân, Phú Vang) sẽ ngày càng làm cho hàng chục mét khối đất đá bị sóng biển cuốn trôi dạt ra biển. Bờ biển ngày càng bị xâm thực, nạn cát bay hoành hoành…

Thiên nhiên đang thực sự nổi cơn cuồng nộ, với những tác động của con người làm thu hẹp diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn dẫn đến hiện trạng tất yếu lũ quét, lũ ống, nước biển dâng cao thường xuyên xảy ra ở những lưu vực có địa hình dốc, thấp gần ngang mực nước biển… cướp đi tính mạng của rất nhiều người, mà điển hình là cơn bão lịch sử năm 1999 mà hàng triệu người dân Thừa Thiên – Huế phải trần da gánh chịu hậu quả vô cùng nặng nề vẫn còn nguyên trong ký ức mỗi người.

Năm 2010, một lần nữa cơn lũ đạt đỉnh lớn nhất trong vòng 10 năm gần đây một lần nữa gọi tên người dân xứ Huế, trong đó, có hàng ngàn hộ dân đang sinh sống dọc theo các cánh rừng phi lao phòng hộ bờ biển ở 2 thôn Xuân Thương Hạ và Xuân Thương Thượng, xã Vinh Xuân, xã Phú Thuận (huyện Phú Vang). Tất cả hệ lụy đó đều bắt nguồn từ vấn nạn phá rừng bừa bãi

Quang Trung
.
.
.