Thừa Thiên - Huế: Công trình cấp nước tiền tỷ không mang lại hiệu quả

Chủ Nhật, 11/08/2013, 23:20
Được đầu tư bạc tỉ, nhưng hiện tại có rất nhiều công trình nước sạch tự chảy thuộc dự án 134, 135 dành cho các xã vùng cao của huyện A Lưới đã bị hư hỏng nặng, không thể cấp nước cho người dân…

Xã Phú Vinh nằm ở phía Nam của huyện A Lưới, có trên 300 hộ dân, với 1.200 nhân khẩu; phần lớn là người dân tộc Pa Cô, Tà Ôi và Cơ Tu sinh sống. Thuộc diện xã nghèo, đặc biệt khó khăn nên năm 2007, Phú Vinh được tài trợ xây dựng một công trình nước tự chảy, có kinh phí đầu tư 800 triệu đồng để phục vụ cho 280 hộ dân ở thôn tái định cư Phú Thượng và 11 hộ ở thôn Phú Xuân theo Chương trình 134 của Chính phủ về “Đầu tư xây dựng các công trình nước tự chảy và hỗ trợ khai hoang”.

Thế nhưng, sau 2 năm sử dụng, hệ thống đường ống của công trình nước tự chảy ở đây đã bị hư hỏng nặng, người dân lại phải quay về “lối cũ” sử dụng nước khe, nước giếng nhiễm bẩn để sinh hoạt. Theo ông Hồ Chính Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Vinh, hệ thống công trình nước tự chảy được xây dựng với 2 bể chứa (không có bể lọc) trên đỉnh đồi khe Cất Chắp và đồi A Đêr.

Nước từ khe suối chảy vào bể và theo đường ống chảy về nhà các hộ dân. Mỗi khi có mưa to, nước trên đồi tràn về mạnh cùng với đất đá đã làm vỡ hết các điểm nối đường ống nước. Xã đã sửa chữa nhiều lần nhưng đành phải “bó tay” vì hết kinh phí. Tháng 4/2013, công trình này mới được bàn giao lại cho Công ty Xây dựng và cấp nước của tỉnh để nâng cấp…

Dù có công trình nước tự chảy nhưng người dân ở các xã vùng cao A Lưới vẫn phải dùng nước giếng nhiễm phèn.

Tương tự, xã biên giới Hương Phong, huyện A Lưới, có 150 hộ dân sinh sống ở 2 thôn Hương Phú và Hương Thịnh. Năm 2003, dự án “Phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi” thuộc Chương trình 135 của Chính phủ đã tài trợ cho xã một công trình nước tự chảy, kinh phí gần 900 triệu đồng. Sau một thời gian ngắn sử dụng, công trình này còn “ngốn” thêm gần 300 triệu đồng để tu sửa, nâng cấp hệ thống đường ống.

Tuy nhiên đến nay, người dân Hương Phong vẫn phải dùng nước giếng nhiễm phèn, hoặc nước ở khe suối vì nguồn nước tự chảy không chảy đến nơi. Trao đổi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch xã Hương Phong không giấu được sự lo lắng: “Hiện trên địa bàn xã còn 50 hộ chưa có nước tự chảy để sử dụng. Trong mùa mưa bão sắp tới, chúng tôi lo sợ tất cả đường ống nước tự chảy ở xã sẽ bị vỡ khi ngân sách tu sửa của địa phương đã cạn kiệt”...

Hệ thống nước tự chảy không đem lại hiệu quả nên người dân phải thường xuyên dùng nước giếng nhiễm phèn, nước ở sông, suối… để sinh hoạt, ăn uống khiến tỷ lệ mắc bệnh đường ruột ở các xã vùng cao A Lưới gia tăng. Theo bà Mai Thị Hồng, cán bộ Y tế xã Hương Phong cho biết, mỗi tháng, trạm xá xã tiếp nhận khoảng 50 ca bệnh thì có đến 2/3 trong số này bị bệnh về đường ruột, trong đó có nhiều ca rất nguy hiểm.

Và như vậy, người dân ở các xã vùng cao A Lưới vẫn phải chờ đợi một nguồn nước sạch, vì các công trình cấp nước tự chảy được đầu tư tiền tỷ đã bị hư hỏng, không mang lại hiệu quả như mong muốn

Lê Anh
.
.
.