Thông tin tiếp về vụ 'chết nhưng được… phù phép để công nhận liệt sĩ' tại Cần Thơ

Thứ Bảy, 11/04/2015, 00:19
Như CAND Online ngày 8/4 đã thông tin, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ, ông Nguyễn Thanh Xuân vừa ký quyết định xử lý đối với 2 trường hợp chết nhưng từng được thân nhân làm hồ sơ, đề nghị và đã được công nhận là liệt sĩ, là ông Lương Văn Giáo và Lương Văn Thành (cùng xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ).
>> Phát hiện 2 trường hợp chết nhưng lại được ‘phù phép’ để công nhận liệt sĩ

Giữa năm 2013, Thanh tra Sở phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Cờ Đỏ và UBND xã Thới Đông làm việc trực tiếp với vợ chồng ông Phạm Văn Năm và bà Phạm Thị Sáu (cùng ngụ ấp Thới Xuyên, xã Thới Đông). Trước năm 1975, ông Năm làm công tác thiếu nhi tại ấp Thạnh Lộc, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) với chức vụ Chính trị viên Đại đội thiếu nhi.

Vợ chồng ông Năm cho biết: “Hơn 40 năm trước, vợ chồng tôi sống chỉ cách nhà ông Giáo khoảng 50m. Còn ông Thành sống bên ấp Thới Phong, xã Thới Đông. Ông Thành thường xuyên qua rủ ông Giáo đi đờn ca tài tử chứ không tham gia cách mạng”.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ làm việc với báo chí xung quanh vụ việc.

Về tình huống hai ông Giáo và Thành bị địch bắt, vợ chồng ông Năm nhớ lại: “Hôm đó, hai ông này đi đờn ca tài tử tại đám nhà một người dân bên kênh Bà Đầm và ngủ lại đó. Đến sáng thì bị lính bắt và dẫn đi bắn tại vàm kênh Tô Ma”.

Để có thêm thông tin, đoàn Thanh tra Sở đã tìm đến ông Lê Văn Quang (còn có tên khác là Năm Lại, ngụ ấp Thới Bình 2, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ). Ông Năm Lại tỏ ra rất rành rẽ: “Ông Thành từng sinh sống tại ấp Thới Hòa C, xã Thới Đông, là dân đờn ca tài tử. Còn ông Giáp thì sống tại Kênh đôi Cống Lớn, thuộc tỉnh Kiên Giang, cũng là dân đờn ca tài tử. Việc ông Thành và Giáo có tham gia cách mạng hay không tôi không biết nhưng trường hợp chết là tôi biết. Bữa đó cả hai đi đờn ca tài tử ở đám cưới tại kênh Năm Tỷ, bị lính Sáu Sang chi khu Giồng Riềng, đột kích bắt rồi dẫn đi bắn”.

Sự thật bắt đầu “hé lộ” khi vào một ngày đầu tháng 10/2013, Đoàn Thanh tra kết hợp với các đồng nghiệp tại Kiên Giang, cùng chính quyền địa phương gặp và làm việc với ông Huỳnh Văn Võ (80 tuổi, ngụ xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng) -  người đã xác nhận cho hai ông Giáo và Thành để hoàn tất hồ sơ, công nhận liệt sĩ.

Kết quả cuộc làm việc thật bất ngờ khi ông Võ cho biết: “Cả 2 giấy xác nhận đề ngày 15/8/1999 không phải do tôi viết mà do con của ông Giáo và ông Thành viết trước, đem đến cho tôi ký và tôi cũng không xem lại nội dung giấy xác nhận”.

Phần cuối Kết luận Thanh tra đối với nội dung tố cáo.

Sau khi được cán bộ Thanh tra Sở cho xem lại nội dung mà ông từng ký xác nhận, ông Võ xin rút lại nội dung đã xác nhận  “không đúng sự thật”. Ông Võ khẳng định rằng cả hai ông Giáo và Thành không đi công tác, chiến đấu với địch như thể hiện trong đơn xin xác nhận đề ngày 15/8/1999 của ông Phạm Kiên Định (Chín Định).

“Trường hợp bị bắt là do nghe giặc ở ngoài  vào, tôi cùng với ông Thành, ông Giáo chạy qua Kinh Xuôi gặp đờn ca tài tử và ở lại đó một đêm. Đến sáng hôm sau nghe lính Giồng Riềng truy quét nên tôi cùng ông Thành, ông Giáo chạy sang điền Năm Tỷ và bị bắt ở đó. Cả ba bị bắt đưa về Giồng Riềng nhốt chung một đêm tại đồn. Bữa sau địch dẫn ông Giáo, ông Thành đi bắn hay đi đâu thì tôi không rõ” - ông Võ cho biết.

Làm việc với Đoàn Thanh tra, con ông Thành là Lương Hùng Dũng thừa nhận lúc ông Thành chết, ông mới 4 tuổi nên không nắm sự việc xảy ra thế nào. Đến năm 1999, khi xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng - (giáp ranh với xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ) khánh thành trụ sở UBND xã, ông và ông Lương Phát Đạt - con ông Giáo, có gặp ông Chín Định kêu làm hồ sơ để ông xác nhận(?). Năm 2000, gia đình ông Dũng mới lập hồ sơ liệt sĩ tại Kiên Giang, sau thời gian chuyển về xã Thới Đông… 

Để tiệm cận một cách khách quan bản chất của vấn đề, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ đã gặp nhiều cán bộ hưu trí, nhiều đơn vị và đi đến kết luận: “Chính từ kết quả xác minh, Thanh tra Sở nhận thấy việc tố cáo trường hợp hai ông Lương Văn Giáo, ông Lương Văn Thành không có tham gia cách mạng và trường hợp chết do đi đờn ca tài tử tại đám, bị địch bắt, dẫn đi bắn là hoàn toàn đúng”.

Binh Huyền
.
.
.