Quy định mới về cấp đăng ký khai sinh,thường trú, BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi:

Thay vì đi lại 10 lần, nay còn 2

Thứ Ba, 07/07/2015, 10:53
Từ ngày 1/7/2015, trẻ sinh ra sẽ được: Đăng ký khai sinh, thường trú, thẻ BHYT cùng một lúc. Phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), Bộ Tư pháp xung quanh việc thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT đang thu hút sự quan tâm của dư luận hiện nay.

PV: Theo Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT về liên thông TTHC: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi (gọi tắt là Thông tư số 05) thì hồ sơ để thực hiện việc gồm những gì? Người dân sẽ đến cơ quan nào để nộp hồ sơ, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lâm: Hồ sơ người dân phải nộp gồm: tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu quy định; giấy chứng sinh do cơ sở y tế nơi trẻ em sinh ra cấp. Nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế thì giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trường hợp không có người làm chứng thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (theo mẫu quy định); Sổ hộ khẩu. Trường hợp trẻ em có cha, mẹ nhưng không đăng ký thường trú cùng cha, mẹ, mà đăng ký thường trú cùng với người khác thì phải có ý kiến bằng văn bản của cha, mẹ, có xác nhận của UBND cấp xã/phường; ý kiến đồng ý của chủ hộ và sổ hộ khẩu của chủ hộ; tờ khai tham gia bảo hiểm y tế theo mẫu quy định. Người dân chỉ phải đến một cơ quan duy nhất là UBND cấp xã/phường để nộp hồ sơ và nhận kết quả.

PV: Thưa ông, với trẻ bị bỏ rơi, mang thai hộ thì cần thêm những điều kiện gì?

Ông Nguyễn Văn Lâm: Đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì nộp biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi thay cho giấy chứng sinh. Trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ thì nộp thêm văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật.

PV: Nếu cha mẹ không muốn cùng lúc làm cả 3 thủ tục liên thông có được không? Hiện nay, việc thực hiện liên thông TTHC liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền đăng ký sử dụng đất cũng phát sinh những phiền nhiễu. Thế nên, với việc liên thông 3 thủ tục: đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ BHYT nói riêng và các TTHC liên thông khác cần phải làm gì để khắc phục những hạn chế?

Ông Nguyễn Văn Lâm: Người dân có quyền tự do lựa chọn việc thực hiện các TTHC cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy trình liên thông hoặc thực hiện riêng lẻ từng thủ tục theo quy định hiện hành.

Vấn đề đầu tiên là chỉ đạo của Bộ, ngành để các cơ quan ở chính quyền địa phương tập trung triển khai theo hướng dẫn. Thứ hai là sớm tổ chức triển khai tập huấn để việc tổ chức triển khai thực hiện trong toàn quốc bảo đảm tính thống nhất. Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Công an, bảo hiểm xã hội, Bộ Y tế tăng cường kiểm tra việc thực hiện ở cấp cơ sở, bởi vì đây là quy trình liên thông được thực hiện tại cấp cơ sở, mà trực tiếp là UBND cấp xã. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là sự phối hợp và tăng cường trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi công vụ khi tiếp nhận giải quyết các thủ tục thuộc phạm vi của Thông tư 05. Ở đây chính là việc phối hợp giữa các cơ quan trong việc tiếp nhận và luân chuyển hồ sơ từ cơ quan hộ tịch tới cơ quan công an, bảo hiểm xã hội để các cơ quan đó xem xét giải quyết theo thẩm quyền và chuyển lại Bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của Ủy ban nhân dân cấp xã để chuyển lại cho người dân.

Quy định mới giúp việc đăng ký khai sinh, thường trú, bảo hiểm y tế trẻ em dưới 6 tuổi đơn giản hơn.

PV: Chúng tôi được biết, trước khi xây dựng Thông tư số 05, việc thí điểm thực hiện liên thông 3 TTHC: đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được thực hiện, ông hãy cho biết kết quả của việc làm này?

Ông Nguyễn Văn Lâm: Thời gian qua, một số địa phương như: thành phố Hồ Chí Minh; huyện Bến Lức, tỉnh Long An; huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang… đã thí điểm việc thực hiện mô hình giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông và đã thu được những kết quả tích cực, bước đầu đã đem lại hiệu quả đáng kể. Về phía người dân, việc thực hiện mô hình một cửa liên thông đã giúp tiết kiệm đáng kể chi phí khi thực hiện TTHC, rõ nhất là giảm chi phí đi lại để thực hiện TTHC. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, việc thực hiện mô hình một cửa liên thông đã tạo nên những chuyển biến trong công tác quản lý dân cư, đặc biệt sự liên thông trong việc quản lý dân cư giữa cơ quan đăng ký hộ tịch và cơ quan đăng ký thường trú. Đây có thể coi là bước đi đầu tiên trong việc bảo đảm sự thống nhất trong quản lý dân cư.

Bên cạnh những kết quả đạt được, do mô hình liên thông các TTHC ở các địa phương nêu trên chưa được triển khai thực hiện đồng bộ trên toàn quốc, nên cũng đã bộc lộ một số bất cập.

PV: Khi thực hiện liên thông TTHC theo Thông tư 05, sẽ đem lại lợi ích gì cho người dân, cơ quan chức năng, cũng như tiết giảm chi phí, thời gian như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lâm: Bản chất của việc thực hiện cơ chế liên thông này là hướng tới một nền hành chính phục vụ, tức là nhận khó khăn về phía cơ quan hành chính và tạo thuận lợi cho người dân.

Điểm mới nổi bật của thông tư liên tịch này đó là thay đổi một cách cơ bản cách thức làm việc cũ bằng cách thức làm việc mới giữa các cơ quan nhà nước, đơn giản hóa việc giải quyết các nhóm TTHC trong đăng ký hộ tịch, cư trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Thay vì người dân phải đi lại tối thiểu 10 lần, đến 3 cơ quan và làm 3 bộ hồ sơ thì nay chỉ phải đi lại 2 lần, đến duy nhất một cơ quan và làm một bộ hồ sơ là được giải quyết cả 3 thủ tục: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; giảm rất nhiều chi phí thực hiện thủ tục.

Theo tính toán sơ bộ, tổng lợi ích về kinh tế mà người dân nhận được khi thực hiện liên thông các TTHC theo ước tính sẽ là: 151.910.000.000đ cho năm đầu tiên thực hiện, các năm tiếp theo là 139.910.000.000đ. Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch còn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư; là phương thức hiện thực để nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, các cơ quan hành chính nhà nước, thể hiện tinh thần phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết thủ tục.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cao Hồng (thực hiện)
.
.
.