Tháo gỡ vướng mắc trong xử lý hình sự các hành vi vi phạm về pháo

Thứ Sáu, 16/12/2016, 09:17
Chỉ thị 406-TTg Ngày 8-8-1994 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo” ra đời và thực hiện có hiệu quả từ hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép mặt hàng này vẫn chưa chấm dứt.

Dịp cuối năm là thời điểm nhạy cảm để nhiều đối tượng tìm mọi cách thu lợi từ việc kinh doanh, sản xuất, vận chuyển thuốc pháo, pháo nổ. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của con người mà còn ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, an ninh trật tự toàn xã hội.

Tại Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12-6-2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 43/2009/NĐ-CP ngày 7-5-2009 và hợp nhất theo Văn bản số 19/VBHN-BCT ngày 9-5-2014) Nhà nước đã quy định cụ thể “pháo các loại” thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh; Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKNDTC-TANDTC ngày 25-12-2008 giữa Bộ công an, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Toà án nhân dân Tối cao hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc cũng nêu rõ hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo có số lượng từ 10kg trở lên hoặc dưới số lượng đó, nhưng đã bị xử phạt hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhưng theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015) thì “pháo các loại” lại thuộc Danh mục “ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” (Phụ lục 04 - Luật Đầu tư năm 2014). Chính vì vậy dẫn đến việc Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Thương mại năm 2005 có sự chồng chéo nhau về đối tượng điều chỉnh.

Công an phát hiện, bắt giữ đối tượng có hành vi mua bán pháo.

Nghệ An là một trong những địa bàn phức tạp về tội phạm liên quan đến pháo nổ. Trong thời gian qua, đã có nhiều vụ việc về pháo đã được các cơ quan chức năng của Nghệ An phát hiện và xử lý. Mặc dù vậy, việc xử lý hình sự các vụ án về pháo nổ cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết: “Tháng 1 năm 2016,  TAND Tối cao có Công văn số 06/TAND TC về việc hướng dẫn tòa án các cấp truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, theo đó, tại Nghệ An có đến 26 vụ án tòa án sắp đưa ra xét xử phải tạm hoãn xét xử, đồng thời, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp của Nghệ An cũng không phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố hoặc gia hạn tạm giữ đối với các đối tượng buôn bán pháo nổ có đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC”.

Vậy, pháo là mặt hàng cấm hay mặt hàng kinh doanh có điều kiện? Việc điều tra, truy tố, xét xử đối với những người có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán pháo theo quy định tại BLHS như thế nào?

Điều này tạo nên sự không thống nhất trong công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với các đối tượng có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán pháo theo quy định của Bộ luật Hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Trước bất cập đó, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong các quy định của pháp luật về xử lý hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ trái phép, ngày 22-11-2016, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung Điều 6 và phụ lục 4 Luật Đầu tư 2014 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có  điều kiện (có liệu lực từ 1-1-12017). Theo đó, pháo nổ là hàng hóa cấm kinh doanh và đã được đưa ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; đồng thời dự thảo Luật sửa đổi,  bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã bổ sung quy định xử lý hình sự về hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo các loại với số lượng từ 6kg trở lên.

Để đáp ứng tốt yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, hành vi vi phạm về pháo nổ và thuốc pháo nói riêng, ngày 9-12-2016,  Giám đốc  Công an tỉnh Nghệ An, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã ra Hướng dẫn liên ngành số 2153/HDLN-CA-VKS-TA “V/v hướng dẫn xử lý hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ và thuốc pháo”. Theo đó, thống nhất xử lý về hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ và thuốc pháo như sau:

Đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ và thuốc pháo mới được phát hiện hoặc đã phát hiện nhưng chưa xử lý nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành và Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25-12-2008 của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ và thuốc pháo.

Đối với các vụ án về các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm là pháo nổ và thuốc pháo và Viện Kiểm sát đã truy tố theo điều 155, Bộ luật Hình sự, Toà án nhân dân hai cấp thụ lý tạm đình chỉ theo nội dung Công văn số 06/TANDTC-PC ngày 26-1-2016 của Tòa án nhân dân Tối cao thì khi Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và phụ lục 4 Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành (ngày 1-1-2017), Tòa án nhân dân các cấp đưa các vụ án đang tạm đình chỉ ra xét xử và tiếp tục thụ lý các vụ án mới theo quy định của pháp luật.

Như vậy, ở Nghệ An về mặt cơ sở pháp lý trong công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm về pháo không còn vướng mắc gì. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng chức năng đấu tranh với tội phạm hiện nay.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết thêm: Sau khi được tháo gỡ vướng mắc, hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống pháo nổ sẽ thu được nhiều kết quả tốt hơn, được thể hiện qua các vụ việc về pháo với số lượng lớn được phát hiện và xử lý trong thời gian gần đây.

 

Anh Tuấn
.
.
.