Thận trọng với các loại thực phẩm sử dụng phẩm màu

Thứ Tư, 26/01/2011, 09:50
Ngày 25/1, tại cuộc họp báo cuối năm, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết: Trong đợt kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội tại chợ đầu mối Đồng Xuân những ngày vừa qua, phần lớn các mặt hàng bánh kẹo nhập khẩu từ Trung Quốc không có nguồn gốc.

Tuy nhiên, ông Cường cũng khẳng định: 41 mẫu bánh, mứt, kẹo, ô mai, mì, miến mà Thanh tra Sở đã chủ động mua tại các siêu thị và chợ đầu mối, kể cả chợ cóc trên địa bàn, đều cho kết quả an toàn về các chỉ tiêu phẩm màu, hàn the, phoóc-môn.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP: Nguy cơ mất ATVSTP càng tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, vì lượng thực phẩm tiêu thụ tăng gấp 20-35 lần ngày thường, đặc biệt là do mang tính thời vụ, nên nhiều loại thực phẩm được sản xuất, chế biến từ các cơ sở thiếu tính chuyên nghiệp, dễ dẫn đến không đảm bảo chất lượng ATVSTP.

Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua thực phẩm trong dịp Tết. Ảnh: Thanh Hằng.

Con số mà Cục ATVSTP đưa ra từ quá trình kiểm tra đã đủ gióng lên hồi chuông báo động khi có tới 67% thịt quay sử dụng phẩm màu độc và ô nhiễm vi sinh vật, 36% xúc xích, lạp xưởng, jăm bông và 88% nem chạo, nem chua, giò, chả được phát hiện có chứa coliform và 59% các loại ô mai có dùng phẩm màu độc và đường hóa học ngoài danh mục cho phép.

Kết quả khảo sát của Viện Công nghệ Sinh học - Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng chỉ ra thực tế giật mình: 9 mẫu nem chua được lấy ở Hà Nội, Thanh Hóa, Vinh và TP HCM đều không đạt chỉ tiêu, nhất là, Enterobacteriaceae và S.aureus, cùng hàm lượng hai loại muối bảo quản nitrat và nitrit cũng vượt quá quy định nhiều lần.

Đó là chưa kể tình trạng một số chủ hàng đã nhân dịp đắt khách cuối năm mà tung ra những loại hàng kém chất lượng, bất chấp sự an toàn tính mạng của người dùng, như một hàng giò chả tại chợ Văn Chương, hay tại ngõ Văn Hương (Đống Đa, Hà Nội) đã bán cả giò ôi thiu cho khách.

Một nỗi lo ngại không nhỏ với các nhà quản lý là thức ăn đường phố, nhất là ở các điểm lễ hội, trong dịp Tết, bị nhiễm khuẩn. Bởi ở những nơi này thường mang tính tạm bợ, thiếu nước sạch, rồi môi trường bị ô nhiễm do bụi, gió, ruồi v.v... trong khi đó, việc kiểm tra thực tế của Cục ATVSTP đã chỉ ra đủ khiến các thực khách phải giật mình: hơn 80% mẫu dụng cụ bát, thìa, đĩa bị bẩn và trên 85% số mẫu tay những người vẫn trực tiếp bán đồ ăn ngay cho khách bị nhiễm E.coli, loại vi khuẩn gây tiêu chảy.

Đây chính là nguy cơ gây ngộ độc và các bệnh dịch rất lớn, nhất là khi, nhiều loại vi khuẩn như thương hàn có thể tồn tại trong bánh mì khoảng 30 ngày, trong phomat chừng 36 ngày và trong mỡ tới 90 ngày v.v… Điều kiện thời tiết mưa phùn, ẩm ướt, rất thuận lợi làm nấm mốc thực phẩm.

Trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm đang rình rập, cũng như khả năng lây bệnh qua các dịch vụ ăn uống trong dịp Tết, Cục ATVSTP đã lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng cần hết sức thận trọng khi mua các loại thực phẩm, nhất là thực phẩm ăn ngay, để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Việc để thức ăn trong tủ lạnh chỉ nên từ 2-4 ngày, không nên để quá lâu, vì nhiệt độ trong tủ lạnh không thể tiêu diệt được vi khuẩn, mà chỉ làm chậm sự phát triển của vi khuẩn. Người tiêu dùng cũng hạn chế tối đa việc ăn uống đồ ăn không được che đậy cẩn thận, không đảm bảo vệ sinh, nhất là tại các khu vực đông người, để tránh lây bệnh, cũng như không để dịch bệnh lây lan, bùng phát

Thanh Hằng
.
.
.