Tàu cao tốc tuyến Cần Thơ – Trần Đề - Côn Đảo tạm ngừng hoạt động

Thứ Ba, 25/08/2020, 16:24
Chiều 24/8, theo thông tin của PV, Cảng vụ Hàng hải (CVHH) Cần Thơ vừa có công văn báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam về việc dừng tuyến vận tải hành khách trên tuyến Cần Thơ – Trần Đề - Côn Đảo và chiều ngược lại kể từ ngày 4/8 đến hết năm 2020.

Như CAND đã có bài phản ánh nỗi ám ảnh của người dân hai bên bờ sông Hậu ở các huyện Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung của tỉnh Sóc Trăng về tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng kể từ khi tuyến tàu cao tốc Cần Thơ – Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) – Côn Đảo đi vào hoạt động từ cuối năm 2019.

Một cán bộ Sở GTVT Sóc Trăng cho biết: Qua phản ánh của người dân, giữa tháng 7/2020, CVHH Cần Thơ đã họp với lãnh đạo Sở GTVT TP Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng, CVHH Vũng Tàu, Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực IV cùng đại diện Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc (Công ty) thực hiện chạy thử nghiệm trong thời gian từ ngày 24/7 đến 24/8 và khuyến cáo Công ty cần có phương án chạy tàu phù hợp đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người dân và Công ty. Đồng thời đề nghị tàu chạy với tốc độ dưới 12 hải lý/giờ trên đoạn luồng từ bến phà Đại Ngãi đến Trần Đề nhưng người dân vẫn phản ứng vì tình trạng sạt lở vẫn diễn ra nên CVHH Cần Thơ quyết định cho tạm ngưng hoạt động đối với tuyến Cần Thơ – Trần Đề - Côn Đảo.

Tàu cao tốc chạy trên sông Hậu.

Ngày 5/12/2019, Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc Phú Quốc Express đã tổ chức lễ khai trương tuyến tàu từ Cần Thơ - Trần Đề (Sóc Trăng) – Côn Đảo và ngược lại bằng tàu cao tốc hai thân lớn nhất Việt Nam mang tên Trưng Trắc, dài gần 47 m, rộng gần 12 m. 

Đây là tàu cao tốc hai thân lớn nhất Việt Nam, công suất 7402 mã lực, tốc độ 35 hải lý mỗi giờ (60 km/h).

Thế nhưng, chỉ sau mấy tháng đi vào hoạt động, tàu cao tốc kỷ lục Việt Nam đã khiến cho cuộc sống và việc sản xuất của người dân hai bên bờ sông Hậu thuộc các huyện Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung bị đảo lộn, hàng chục ngàn mét vuông đất của bà con bị trôi tuột xuống sông....

Tàu cao tốc chạy trên sông Trần Đề.

Ở ấp Mười Chiến, xã Long Phú (huyện Long Phú), ông Võ Thanh Vân (SN 1960) than thở vì từ ngày tàu cao tốc hoạt động, chỉ mới mấy tháng nhưng đã làm cho đất của ông nằm bên bờ sông Hậu bị sạt lở khoảng 3.000m2 dù ông đã đầu tư 1 tỉ đồng để làm bờ kè bằng bê tông kiên cố nhưng sóng đánh bay hết, đe dọa đến ao nuôi tôm nên ông phải chi thêm khoảng 2 tỉ để làm lại bờ kè mới.

Hộ ông Lưu Thanh Bình ở ấp 2, thị trấn Long Phú (huyện Long Phú) có diện tích đất chiều dài theo bờ sông khoảng 200m, do không có điều kiện làm bờ kè bằng bê tông nên đất của ông cũng bị sóng đánh sạt lở sâu vào bờ có chỗ lên đến khoảng 15-20m. Con ông Bình cho biết: Tàu chạy qua với tốc độ cao khiến cho sóng rất mạnh, có nhiều bữa sóng tràn qua bờ vào tận ao nuôi tôm.

Đường dẫn xuống bến phà dân sinh tại ấp Mười Chiến (xã Long Phú, huyện Long Phú), hoạt động đưa khách qua sông Hậu từ Long Phú sang Cù Lao Dung rộng 4 mét, dài khoảng 20 mét trước đây nằm trên bờ sông nhưng từ ngày tàu cao tốc đi qua đã làm sạt lở hoàn toàn đường dẫn này và lấn sâu vào bên trong khoảng 5 mét nữa. 

Không chỉ vậy, mỗi khi tàu chạy, sóng đánh cao và rất mạnh, làm sạt lở bờ sông, nhiều tàu thuyền cũng bị vạ lây bởi sóng đánh chìm, thiệt hại tài sản của người dân.

Ở các xã Nhơn Mỹ, Phong Nẫm, An Lạc Tây của huyện Kế Sách cũng bị sạt lở nghiêm trọng do ảnh hưởng từ những đợt sóng của tàu cao tốc.

Tại cồn Cò thuộc ấp An Tấn, xã An Lạc Tây (huyện Kế Sách), nhiều đoạn kè chân đê tại cù lao bị sóng đánh vỡ, nhiều đoạn đê đã bị vỡ, sạt lở. Đặc biệt có nhiều hộ dân đang có nhà ở cạnh với chân đê đang đứng trước nguy cơ bị hư hại vào đỉnh điểm của mùa mưa và triều cường sắp tới và khi có tàu cao tốc xuất hiện.

Theo thống kê, sóng do tàu tạo ra đã làm sạt lở 37 đoạn chân đê với chiều dài khoảng 1.500 mét; gây ra 34 vụ chìm xuồng, ghe, gây hư hỏng phương tiện; có 11 lần lưới, ngư cụ của người dân bị cuốn trôi. Một số công trình do nhà nước đầu tư bằng kè rọ đá đã hư hỏng, có nguy cơ sạt lở.

C.X
.
.
.