Tăng chế tài xử lý hành vi sử dụng, mua bán, sản xuất biển số xe giả

Chủ Nhật, 06/12/2020, 09:47
Vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh các vụ việc sử dụng biển số xe giả để lừa đảo, tống tiền, chở quá khổ quá tải. Trước tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an nghiên cứu, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm.


Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an cho biết, tính từ ngày 15/12/2019 đến 14/11/2020, lực lượng CSGT đã kiểm tra và xử lý 716 trường hợp gắn biển số giả, không có biển số. Lực lượng CSGT cùng các đơn vị chức năng xử lý nhiều trường hợp sản xuất biển số xe giả.

Dùng biển giả để lừa đảo

Theo thông tin từ Cục CSGT, Thông tư 58/2020/TT-BCA ngày 16/6/2020 của Bộ Công an quy định, chỉ có Cục CSGT, Phòng CSGT, Công an cấp huyện được phân cấp công tác đăng ký xe thực hiện đăng ký, cấp biển số xe. Như vậy, chủ xe chỉ được cấp biển số tại cơ quan đăng ký xe. Tuy nhiên, thay vì đến các cơ quan đã được quy định, nhiều đối tượng lại tìm mua biển số giả trên thị trường với nhiều mục đích khác nhau. 

Có những đối tượng tìm mua biển giả số đẹp như tứ quý, ngũ quý chỉ đơn giản… để gắn vào xe của mình cho thật “đẳng cấp”. Có những đối tượng bị rơi, bị mất biển số, thay vì đến cơ quan chức năng khai báo và xin cấp lại thì lại tìm đến những điểm sản xuất biển giả để vừa đỡ mất công, lại có biển ngay với giá chỉ từ một vài trăm nghìn đồng. Đáng báo động hơn, có đối tượng lại sử dụng biển số xe giả để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

Cục CSGT phối hợp Công an quận Hoàn Kiếm xử lý cơ sở sản xuất biển kiểm soát giả tại số 46 đường Trần Nhật Duật, Hà Nội.

Đó là vụ việc diễn ra vào ngày 3/10/2020, Công an tỉnh Quảng Trị đã bắt quả tang đối tượng Ngô Hồng Phong, SN 1995, trú tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị và Nguyễn Thị Ngọc Trinh, SN 1995, trú tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, đang thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 250 triệu đồng. 

Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận đã sử dụng chứng minh nhân dân giả, sim rác để thuê xe tự lái tại TP Đà Nẵng. Sau đó, 2 đối tượng làm giả giấy tờ và biển kiểm soát xe rồi đưa xe ra Quảng Trị cầm cố. Trước khi bị bắt quả tang, 2 đối tượng nói trên đã thực hiện trót lọt 1 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại TP Đông Hà với số tiền 500 triệu đồng.

Trước đó, vào ngày 8/9/2020, tổ công tác đặc biệt của Phòng CSGT, Công an tỉnh Đồng Nai làm nhiệm vụ trên quốc lộ 1K (đoạn qua phường Hóa An, TP Biên Hòa) thì phát hiện xe tải ben chở đá gắn biển số đỏ KP-2630 có nhiều dấu hiệu giả biển số xe Quân đội và chở quá khổ, quá tải, không bảo đảm an toàn giao thông. 

Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã yêu cầu dừng xe để kiểm tra nhưng tài xế không những không chấp hành, mà còn điều khiển phương tiện chạy về hướng cầu Hóa An. Lực lượng CSGT truy đuổi được khoảng 500m thì lái xe điều khiển xe rẽ trái vào đường hẻm gần đó. 

Ngay sau sự việc xảy ra, lực lượng chức năng đã xác minh và cho biết 2 biển số xe trên là giả. Lái xe sau đó đã bị tạm giữ để làm rõ hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, chở quá khổ, quá tải và sử dụng biển số giả.

Tăng chế tài để đủ sức răn đe

Vào tháng 1/2020, tổ công tác thuộc các đơn vị nghiệp vụ của Cục CSGT đã phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội tiến hành kiểm tra hành chính tại số nhà 46 đường Trần Nhật Duật, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. 

Qua đó, đã phát hiện nhiều dụng cụ, và hàng chục biển số giả. Tang vật thu giữ gồm 1 máy ép để sản xuất biển kiểm soát giả mạo, 1 dấu dập hai mặt in Công an hiệu cùng gần 30 biển kiểm soát của ôtô và xe máy, hơn 20 phối nhôm. 

Chủ cửa hàng Đào Gia T (SN 1964) trú tại quận Đống Đa, Hà Nội, khai đã mua máy ép để sản xuất biển kiểm soát giả mạo và nhiều dụng cụ khác của một người lạ mặt với giá 7 triệu đồng. T bán mỗi một biển xe máy giả với giá khoảng 150.000 đồng, biển ôtô giá bán ra khoảng 400.000 đồng. 

Trước đó, Công an huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ đã làm rõ hành vi sản xuất biển số xe giả tại cơ sở in phun biển quảng cáo Thanh Hà, ở thị trấn Đoan Hùng. Chủ cơ sở đã thừa nhận một số lần đã làm biển số giả cho nhiều người nhưng không biết những người này làm ở đâu.

Thời gian gần đây, lực lượng CSGT phát hiện nhiều xe ôtô gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc biển số xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp (biển số giả), đặc biệt là xe có gắn biển số nền màu xanh, chữ và số màu trắng, xe gắn thiết bị “thay đổi” biển số xe... Các hành vi trên vi phạm nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông và an ninh trật tự, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước. 

Khi kiểm soát phương tiện, lực lượng CSGT sẽ đối chiếu kỹ giấy chứng nhận đăng ký với thực tế xe, thậm chí phải kiểm tra số máy, số khung trong trường hợp nghi vấn. Đối với trường hợp sử dụng biển số giả, thiết bị thay đổi biển số, CSGT sẽ tiến hành tạm giữ phương tiện, đồng thời phối hợp với lực lượng nghiệp vụ tiến hành điều tra làm rõ động cơ, mục đích để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Cũng theo Cục CSGT, tình trạng sử dụng biển số xe giả vẫn diễn biến hết sức phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, hình thành cơ sở sản xuất biển số giả. Các đối tượng này thường chỉ bán cho những đối tượng quen biết hoặc mua bán biển số giả qua những đối tượng trung gian không rõ tên tuổi, địa chỉ, gây khó khăn cho công tác phối hợp, điều tra xử lý. 

Kích thước, mẫu mã biển số xe được các đối tượng nghiên cứu làm giả rất tinh vi. Một số đối tượng sử dụng biển số giả lắp vào phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, lưu hành xe trái quy định. Ngoài ra, một số xe đã làm thủ tục thu hồi đăng ký, biển số xe, nhưng vẫn làm biển số giả, nhất là làm giả biển số cũ để lưu thông. 

Các trường hợp vi phạm sử dụng biển số xe giả chủ yếu mới dừng ở mức xử phạt vi phạm hành chính, chưa xác định được các tình tiết đủ căn cứ để khởi tố hình sự, do vậy tính răn đe chưa cao. Một số trường hợp sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng vẫn tái phạm sử dụng biển số giả.

Trong thời gian tới đây, cùng với việc xử lý nghiêm các hành vi sử dụng biển số giả, lực lượng CSGT cũng sẽ thực hiện nghiêm túc việc thu hồi biển số xe hết niên hạn sử dụng, xe sang tên di chuyển, chuyển quyền sở hữu, công khai các biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe không còn giá trị sử dụng để tránh lợi dụng…; đẩy mạnh sử dụng khoa học công nghệ thông tin trong quản lý đăng ký, biển số xe; kết nối dữ liệu đăng ký xe với dữ liệu căn cước công dân, dữ liệu xe vật chứng để quản lý chặt chẽ phương tiện gắn với thông tin của chủ phương tiện. 

Thông qua cơ sở dữ liệu hệ thống giám sát trên các tuyến quốc lộ, các điểm camera an ninh để chủ động kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm gắn biển số giả. Cùng với đó, lực lượng CSGT kiến nghị với các cơ quan chức năng nghiên cứu tăng chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán, sử dụng biển số giả, đặc biệt là hành vi sản xuất biển số giả. Có như vậy mới đủ sức răn đe.

Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt:

- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) khi tham gia giao thông có hành vi gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp, hoặc gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe. Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ôtô thực hiện hành vi gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ-moóc và sơmi rơ-moóc) tham gia giao thông.

- Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất, hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi sản xuất biển số trái phép.

Nguyễn Hương
.
.
.