TP HCM: Nhức nhối nạn đổ trộm xà bần

Thứ Tư, 05/05/2010, 15:52
Dưới chân cầu Trần Khánh Dư (phường 2, quận Phú Nhuận) là con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Không chỉ nổi tiếng với việc thi công ì ạch, hàng ngàn tỷ đồng được đổ vào đấy để cải thiện môi trường nước nhưng mùi hôi thối vẫn phả nồng nặc, con kênh này còn là điểm nóng về ô nhiễm - mất vệ sinh bởi tình trạng quẳng thải rác vô tội vạ của các hộ dân, đặc biệt là nạn đổ trộm xà bần (chất thải từ xây dựng).

Giữa trưa nắng gắt, anh Trần Anh Tuấn (công nhân Công ty Công trình đô thị quận Phú Nhuận), làm nhiệm vụ "dọn vệ sinh" kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, nhắn tin "sắp có kẻ đổ trộm xà bần" nên chúng tôi lập tức đến hiện trường. Có mặt tại điểm nóng nhức nhối về tệ đổ trộm xà bần, đập vào mắt chúng tôi là hỗn cảnh nham nhở đầy đất cát, gạch đá, cùng vô số bao bọc nilông trải dài theo vòng cung ôm lượn của con kênh đến mút tầm mắt.

Vừa nhặt một ôm vỏ sầu riêng cho vào cần xé, anh Tuấn, tiếc rẻ: "Phóng viên đến trễ rồi. Vừa có hai tay chạy ba-gác máy chất đầy xà bần lượn qua. Thấy anh em mình đối tượng… hổ đẹp. Chắc chúng ém đâu đó, chờ khi mình rút đi chúng sẽ xuất chiêu… đổ thải". Lúc này 11h trưa, nắng như thiêu như đốt khiến mùi xú uế từ dưới con kênh đen xộc lên nồng nặc. Nắng cũng khiến gương mặt anh Tuấn cùng các anh em trong tổ vệ sinh sạm đen, toàn thân nhễ nhại mồ hôi vì phải làm công việc nặng nhọc, độc hại.

Hỏi chuyện nghề nghiệp, đồng nghiệp của anh Tuấn là anh Lê Thanh Quang, thở dài: "Hơn 15 năm trước, quanh hai bên bờ con kênh này nhà cửa lố nhố, người sinh sống trên ấy cứ tiện tay xả vứt đủ thứ phế thải khiến dòng chảy con kênh đặc quánh, anh em công nhân vệ sinh ngày nào cũng chèo ghe vớt rác nhưng việc làm ấy như muối bỏ biển.

Trước tình trạng ô nhiễm của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ngày càng kinh khủng, thành phố đã tiến hành giải tỏa, di dời các hộ dân. Từ đây những tưởng công việc của chúng tôi đỡ hơn ai ngờ hết cái cực này thì cái khổ khác ập đến. Dù thành phố có lệnh cấm đổ rác ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng người ta vẫn lén đổ ầm ầm, anh em trong tổ ngày nào cũng dọn nhưng không bao giờ vơi rác".

"Người ta" theo tâm tình của anh Tuấn, anh Quang và các anh chị trong tổ vệ sinh "chủ yếu là những đối tượng chạy xe ba gác máy nhận thầu việc xử lý xà bần của các công trình xây dựng".

Sau khi thỏa thuận giá cả, thay vì mang xà bần đến điểm đổ theo quy định, nhưng vì ngại xa, ngại tốn lệ phí nên đám ba-gác trời ơi kia cứ nhằm ven kênh mà đổ. "Lẫn xà bần còn có rác thải sinh hoạt của gia chủ. Ngoài ra còn có giường tủ, bàn ghế salon cũ mục. Mình cật lực thu dọn như vậy nhưng có khi chỉ một lát sau nơi này lại trở thành bãi chiến trường ngay".

Anh Tuấn lại khẽ lắc đầu: "Thực trạng đổ trộm xà bần kéo dài nhiều năm qua. Mình dọn xong thì những kẻ kém ý thức, bất chấp luật pháp lại "gây án". Càng cấm thì chúng càng làm dữ. Không đổ được vào ban ngày thì chúng đợi đêm đến và tranh thủ các ngày cuối tuần càng ra tay đổ bạo".

Không chỉ có mỗi nhiệm vụ dọn rác bờ kênh, các thành viên thuộc Tổ vệ sinh Công ty Công trình đô thị quận Phú Nhuận còn phải quét rác trên các tuyến đường, gom rác từ các hộ dân. "Ban đêm chúng tôi làm việc đến 2-3h sáng. Rồi sáng ra phải tiếp tục trực chiến trên con kênh này nên chẳng có lúc nào thảnh thơi".

Dứt lời, anh Quang chỉ thẳng: "Cứ với đà này thì dẫu thành phố có đổ bao nhiêu tiền đi nữa thì kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng chẳng thể nào sạch và xanh được. Bởi không chỉ đổ dọc hai bên bờ kênh, nhiều đối tượng còn đổ xà bần, rác thải xuống lòng kênh nữa đấy!"

Ông Phạm Thanh Kỳ (Tổ trưởng Tổ vệ sinh Công ty Công trình đô thị quận Phú Nhuận): Phạt chưa nghiêm nên đối tượng… lờn thuốc

 

Thực trạng đổ trộm xà bần trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè kéo dài do thành phố xử lý chưa nghiêm các đối tượng đổ thải trộm. Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ thu dọn nên những khi phát hiện đối tượng chuẩn bị đổ xà-bần, thậm chí lúc đối tượng đang đổ cũng chỉ có thể nhắc nhở mà thôi.

 

Gọi ủy ban phường hoặc các đồng chí Công an thì chúng chạy mất rồi, mà mình đâu có chức năng giữ người. Có khi bị chúng tôi nhắc nhở, đối tượng còn hăm dọa, đòi đánh. Để chấn chỉnh tình hình, tôi đề nghị lãnh đạo các cấp cần có hình thức xử lý nghiêm khắc, mạnh tay. Chứ với kiểu xử lý như lâu nay, tôi thấy phạt chưa nghiêm nên các đối tượng… lờn thuốc

T.Dũng
.
.
.