TP HCM: Khó khăn dẹp nạn "cò" dịch vụ

Thứ Hai, 23/08/2010, 15:13
Quá tải, nhiêu khê và cũng không thể nghỉ làm nhiều ngày chạy theo các thủ tục… là những nguyên nhân khiến nghề làm "cò" dịch vụ xuất hiện đầy rẫy ở những nơi có đông người đến làm thủ tục hành chính. Nguy hiểm hơn, tại TP HCM "cò" đã xuất hiện cả trước cổng nhiều bệnh viện để lôi kéo bệnh nhân về cho các phòng mạch tư, các địa điểm chữa bệnh chui.

Tuy nhiên, trong khi việc dẹp "cò" được nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn làm khá tích cực thì một số địa phương lại coi đó như chuyện… của xã hội, làm theo kiểu được chăng hay chớ khiến "cò" vẫn tiếp tục lộng hành.

Nhiều cách chặn “cò”

Để ngăn chặn đội ngũ "cò" nộp tiền kho bạc tụ tập phía trước cửa Đội CSGT Bến Thành, đơn vị này đã cho dán công khai địa chỉ kho bạc ở khu vực xử lý vi phạm để người vi phạm biết. Sở Tư pháp thành phố lại có cách làm khác khi cho treo tấm bảng lớn ngay trên tường rào phía trước cổng cơ quan với nội dung: "Chú ý, quý khách có nhu cầu giải quyết hồ sơ đề nghị liên hệ trực tiếp với cán bộ công chức của Sở, không giao dịch với người bên ngoài cơ quan".

Tại Bệnh viện Da Liễu thành phố trên đường Nguyễn Thông, quận 3 chúng tôi nhận thấy, ngoài 2 tấm bảng lớn công bố rõ lịch làm việc hàng ngày, hàng tuần kèm theo nội dung khuyến cáo người bệnh, thân nhân liên hệ trực tiếp với các khoa, phòng của bệnh viện tránh để "cò" lợi dụng. Và ngoài chốt gác kiêm thêm nhiệm vụ hướng dẫn cho người dân, Ban Giám đốc bệnh viện này còn cho bố trí hẳn một bảo vệ túc trực phía trước cổng để ngăn chặn đội ngũ xe ôm kiêm "cò" trà trộn vào trong bệnh viện mồi chài bệnh nhân.

Tương tự, để ngăn chặn đội ngũ xe ôm tự do kiêm "cò" khách chở ra ngoài cho xe dù, xe bắt khách dọc đường, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết: Hàng chục bảo vệ được bố trí chốt chặn, đẩy đuổi không cho "cò" khách tràn vào phạm vi bến. Ngoài ra, bến còn dùng hệ thống loa phát thanh thường xuyên nhắc nhở hành khách cảnh giác, tránh nghe theo lời "cò" dụ dỗ ra khỏi bến đi xe dù sẽ vừa tốn thêm tiền lại không đảm bảo an toàn. 

Dẹp rồi “cò” vẫn lộng hành

Không kể mùa cao điểm bán vé Tết, từ nhiều năm qua luôn có trên dưới chục "cò" vé tàu hỏa túc trực hàng ngày ngay cổng ga Sài Gòn. Chỉ cần nhác thấy người đi xe máy chạy rà rà ngó nghiêng, là lập tức hàng chục tiếng chào mời, hỏi han "vé đây, vé không?" đồng thanh cất lên. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhóm "cò" này đã nhiều lần bị lực lượng chức năng của địa phương truy quét, xử phạt.

Mỗi lần như vậy là một lần thêm kinh nghiệm đối phó, nên sau này hễ cứ thấy bóng dáng Cảnh sát khu vực, Dân phòng hoặc Thanh tra xây dựng phường tới là nhóm "cò" này tự tản ra, giả vờ ngồi làm khách uống cà phê hoặc làm việc khác. Đợi cho lực lượng chức năng đi khuất, mọi việc tiếp tục trở lại như cũ. Trong con hẻm dài chừng 200m trên đường Lý Chính Thắng, lối dẫn vào Trường Cao đẳng GTVT và Trung tâm Quản lý đào tạo sát hạch và cấp phép lái xe (QLĐT - SH và CPLX) cũng vậy.

Do 2 cơ quan này đảm trách lĩnh vực nóng là đào tạo sát hạch và cấp đổi giấy phép lái xe nên hàng ngày người dân tập trung đến khá đông. Vì vậy đây cũng là mảnh đất béo bở cho "cò" hoạt động. Ngay đầu hẻm, gần cổng Trường Cao đẳng GTVT của thành phố là một điểm bán các loại biểu mẫu, túi đựng hồ sơ thi sát hạch, cấp đổi GPLX với vài ba "cò" tụ tập xung quanh.

Chỉ cần chạy xe chầm chậm qua đây là lập tức khách nhận được lời mời gọi ngay. Phía trước cửa Trung tâm QLĐT - SH và CPLX cũng có thêm một quầy bán hồ sơ, biểu mẫu khác hoạt động trong giờ hành chính hàng ngày. Tại những điểm bán biểu mẫu, hồ sơ này, cảnh người xin cấp đổi bằng lái thậm thụt với người bán biểu mẫu nhờ "hướng dẫn" phía sau quầy đã trở thành chuyện thường ngày dù hiện tượng này đã nhiều lần bị lực lượng chức năng nhắc nhở.

Theo quan sát của chúng tôi, đa số "cò" tụ tập trước các khu vực trên đều kiêm thêm nghề xe ôm để dễ dàng hợp thức hóa cho việc làm "cò". Về phía các cơ quan, đơn vị bị "cò" tụ tập hoành hành trước cổng, biện pháp chủ yếu cũng chỉ là ngăn chặn, đẩy đuổi cò ra khỏi phạm vi cơ quan, đơn vị mình. Còn khi "cò" đã đứng ở ngoài đường, chỉ các lực lượng chức năng của địa phương như Cảnh sát khu vực, Dân phòng, Thanh tra xây dựng mới có thẩm quyền nhắc nhở, xử phạt.

Cần bố trí bảo vệ tổ dân phố chốt tại các điểm nóng mà tệ nạn "cò" dịch vụ hoạt động; sắp xếp tổ chức cho các đối tượng xe ôm kiêm "cò" thành các tổ, đội xe ôm tự quản. Điều quan trọng là muốn dẹp nạn "cò" dịch vụ ở những nơi tập trung đông người đến giải quyết hồ sơ, thủ tục trước hết phải là trách nhiệm của chính quyền các địa phương sở tại.

Trung tá Nguyễn Văn Hiếu, cán bộ Phòng CSGT đường bộ Công an TP HCM cho biết, để góp phần ngăn chặn nạn "cò" nộp phạt kho bạc tụ tập phía trước các đội, trạm CSGT.

Ngoài việc yêu cầu các đơn vị phải phối hợp với chính quyền sở tại đẩy đuổi, xử phạt "cò", Ban chỉ huy Phòng CSGT đã nhiều lần đề nghị phía kho bạc tiến hành cử người đến thu phạt ngay tại các điểm xử lý vi phạm hành chính về giao thông.

Mới đây, lực lượng CSGT đã được phía kho bạc cho làm thí điểm tại Đội CSGT Chợ Lớn, chấm dứt cảnh người dân phải cầm quyết định xử phạt tới kho bạc cách đó vài cây số để chờ chực tới lượt nộp phạt.

Đức Thắng
.
.
.