Sự thật về cái chết của anh lính trẻ

Thứ Ba, 01/04/2008, 10:45
Qua giải phẫu tử thi, thấy anh Mạnh, chiến sỹ Đồn Biên phòng 711, tỉnh Đắk Nông không phải tự tử bằng thắt cổ, mà cái chết của anh do bị kẻ khác đánh. Việc xác anh lính trẻ bị treo cổ là tạo hiện trường giả…

Vừa qua một số báo đăng tin: "Anh lính trẻ chết treo cổ là do tạo hiện trường giả", nội dung phản ánh: anh Phạm Xuân Mạnh, chiến sỹ Đồn Biên phòng 711, tỉnh Đắk Nông sau khi điều trị bệnh tại Quân y viện 175 TP Hồ Chí Minh; ngày 4/12/2007 xuất viện và đi ôtô khách từ TP Hồ Chí Minh về nhà ở huyện Đắk Mil (Đắk Nông).

Đi đường bị mệt và ngủ quên, khi xe về đến TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), anh Mạnh mới tỉnh giấc.

Do mâu thuẫn, lời qua tiếng lại với lái xe, anh Mạnh bị nhà xe đánh, sau đó đưa vào gửi Công an phường Tân An. Tại đây, anh bộ đội này tiếp tục bị đánh một cách dã man gây tử vong. Sau khi anh Mạnh chết, xác đã được đưa ra treo cổ tại cành cây thấp thuộc khuôn viên Công an phường Tân An.

Qua giải phẫu tử thi, thấy anh Mạnh không phải tự tử bằng thắt cổ, mà cái chết của anh do bị kẻ khác đánh. Việc xác anh lính trẻ bị treo cổ là tạo hiện trường giả…

Sau khi báo đăng tin, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Đắk Lắk xác minh, báo cáo vụ việc. Ngày 17/3, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ Công an như sau: Công an tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với cơ quan Điều tra hình sự khu vực 2 Bộ đội Biên phòng tiến hành điều tra, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.

Theo kết luận điều tra của cơ quan điều tra hình sự khu vực 2 Bộ đội Biên phòng: Anh Phạm Xuân Đạt (không phải Phạm Xuân Mạnh), 22 tuổi, chiến sỹ Đồn Biên phòng 771 Đắk Nông được đơn vị cho đi chữa bệnh tại Bệnh viện Quân y 175 - TP Hồ Chí Minh.

Ngày 4/12/2007, anh Đạt xuất viện, lên xe khách 53M- 8622 đi thẳng về TP Buôn Ma Thuột (không xuống đơn vị và gia đình). Khi xe về đến bến ở TP Buôn Ma Thuột, hành khách đã xuống xe, còn anh Đạt vẫn ngồi lại trên xe; khi lái xe hỏi thì anh Đạt xin chở về Công an nơi gần nhất, nên lái xe chở anh Đạt về khu vực km số 3 bùng binh gần Công an phường Tân An.

Qua kiểm tra hình ảnh lưu giữ của camera tự động do Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Lắk lắp đặt tại khu vực này có ghi được 4 file hình ảnh có người mặc quân phục bộ đội, đeo ba lô đi lại khu vực vòng xuyến trước cổng Công an phường Tân An tại các thời điểm 19h54'; 23h33'; 23h35' ngày 4/12/2007 và 2h35' ngày 5/12/2007.

Cơ quan Điều tra hình sự đã lưu giữ 4 file hình ảnh trên và đưa về gia đình quân nhân Đạt nhận dạng. Kết quả gia đình quân nhân Đạt nhận dạng 2 đoạn lúc 23h33' và 23h35' chính là hình ảnh đi lại của quân nhân Đạt, còn 2 đoạn khác do góc quay không rõ nên không nhận diện chính xác được.

Như vậy sau khi xuống xe, quân nhân Đạt đi lang thang một mình (theo camera) quanh khu vực km số 3 bùng binh, sau đó vào khu vực giàn bầu trong khuôn viên Công an phường Tân An dùng dây tự treo cổ, hậu quả anh Đạt chết và được phát hiện sáng 5/12/2007.

Kết quả giám định pháp y cho thấy các dấu hiệu đặc trưng của chết là do thắt cổ và không có dấu vết ngoại lực tác động đến anh Phạm Xuân Đạt cũng như không có độc tố trong cơ thể. Kết luận: Quân nhân Phạm Xuân Đạt tự treo cổ tự vẫn dẫn đến tử vong.

Như vậy việc một số báo đăng tin: Anh lính trẻ chết treo cổ là do tạo hiện trường giả là không chính xác, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Công an phường Tân An nói riêng và lực lượng Công an nói chung. Vừa qua, Văn phòng Bộ Công an đã có công văn gửi Vụ Báo chí (Ban TGTW) và Cục Báo chí (Bộ TT&TT) đề nghị chỉ đạo Tổng biên tập các báo đã đăng tin không chính xác rút kinh nghiệm, đồng thời có cải chính theo quy định của Luật Báo chí

Xuân Hùng
.
.
.