Sự cố kẹt van thuỷ điện Đắk Kar: Tích nước khi công trình chưa hoàn thiện

Thứ Hai, 19/08/2019, 07:50
Liên quan đến sự cố kẹt van xả lũ của hồ chứa nước công trình thuỷ điện Đắk Kar, khiến hồ nước hơn 13 triệu m³ này có nguy cơ bị vỡ, làm ảnh hưởng đến hàng nghìn người dân phía hạ du mà Báo CAND đã phản ánh, đến nay, công trình này đã lộ ra nhiều bất cập, sai sót… 

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, dự án thuỷ điện Đắk Kar được Bộ Công Thương phê duyệt ngày 23-5-2007 với công suất 7,2MW. Sau nhiều lần điều chỉnh, đến năm 2016, dự án này được điều chỉnh lên 12MW. Dự án được xây dựng trên địa bàn 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Phước. 

Trong đó, hệ thống nhà máy, tuyến năng lượng và đường ống áp lực dẫn nước nằm trên địa bàn tỉnh Bình Phước, còn đập và lòng hồ nằm trên địa bàn các xã Đắk Ru và Hưng Bình (Đắk Nông) và một phần 2 xã Phú Sơn và Đồng Nai (Bình Phước).

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, đến thời điểm xảy ra sự cố, công trình thuỷ điện Đắk Kar chưa được Bộ Công Thương phê duyệt phương án tích nước vận hành. Tuy nhiên, công trình này đã tích nước, vận hành thử nhà máy và đã phát điện thử nghiệm lên mạng điện lưới quốc gia nhiều tháng qua. 

Xác nhận về vấn đề này, ông Đỗ Văn Hờn, Giám đốc Điện lực tỉnh Bình Phước cho biết, thuỷ điện Đắk Kar đã đấu nối vào mạng lưới của Điện lực Bình Phước và đã vận hành, tải điện thử.

Sự cố kẹt van xả lũ khiến bờ đập hồ thuỷ điện Đắk Kar suýt bị vỡ.

Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Chu Văn Quyền, Giám đốc Công ty thuỷ điện Đắk Kar thừa nhận, đơn vị đã đấu nối lưới điện, vận hành chạy thử nhà máy vào tháng 11-2018. “Mặc dù cho nhà máy chạy thử nhưng chúng tôi chỉ cho chạy ở mực nước chết, không tích nước…”, ông Quyền nói.

Theo một lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, đối với một công trình thuỷ điện khi vận hành thử phải đảm bảo hoàn thiện các hạng mục, công trình phải được các ngành chức năng nghiệm thu từng phần. Sau khi nghiệm thu, công trình phải được các ngành chức năng đánh giá cụ thể có đảm bảo an toàn, đúng kỹ thuật và cấp phép vận hành thì mới được phép vận hành. 

Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông gửi Bộ Công Thương vào ngày 9-8 cho thấy, dự án công trình thuỷ điện Đắk Kar chưa đủ điều kiện vận hành thử và chủ đầu tư đang tiến hành cho tích nước để vận hành thử. Như vậy, việc công trình thuỷ điện Đắk Kar tự ý vận hành thử nhà máy, tự ý phát điện thử và đang tiến hành tích nước lòng hồ là chưa đúng với thẩm quyền cho phép.

Liên quan đến sự cố kẹt van công trình thuỷ điện Đắk Kar và sạt lở thủy điện Đắk Sin 1 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong đợt mưa lũ vừa qua có nguy cơ gây mất an toàn đối với dân cư vùng hạ du thuộc các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng gửi các bộ ngành và địa phương liên quan.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Đắk Nông và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra công tác quản lý an toàn và vận hành các đập, hồ chứa thủy điện trên. 

Trong đó bao gồm cả việc lập, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho công trình và vùng hạ du trong quá trình thi công, quyết định phương án tích nước đối với thủy điện Đắk Kar. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 10-9-2019.

Theo ông Triệu Văn Cường, sự cố xảy ra tại 2 nhà máy thuỷ điện Đắk Kar và Đắk Sin 1 vừa qua là bài học về an toàn thuỷ điện cần phải rút kinh nghiệm. “Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương liên quan kiểm tra toàn bộ về sự cố, báo cáo về Văn phòng Chính phủ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng”, ông Cường cho biết.

Văn Thành
.
.
.