Sống chung với ô nhiễm do ùn ứ rác tại cảng Sa Kỳ

Thứ Ba, 21/08/2018, 07:57
Tình trạng ô nhiễm rác thải tại cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã khiến cho hàng trăm hộ dân sống quanh khu vực cảng phải chịu cảnh khốn khổ, vì sống chung với mùi hôi thối trong suốt thời gian dài...


Cảng Sa Kỳ là một trong năm cửa biển của tỉnh Quảng Ngãi, thuộc địa bàn xã Bình Châu. Đây cũng là bến cảng duy nhất để du khách và người dân đi tàu ra đảo Lý Sơn.

Có vị thế quan trọng như vậy, nhưng nhiều năm qua, người dân sống quanh khu vực cảng Sa Kỳ luôn phải đối mặt với tình trạng ngập ứ rác thải, nhất là các khu vực cầu Quỳnh Lưu, bờ kè, bến đò... rác chất thành từng đống, bốc mùi hôi thối kinh khủng. 

Theo người dân địa phương, tình trạng rác thải ùn ứ kéo dài đã nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa tìm ra được giải pháp khắc phục. Nguyên nhân chủ yếu là do chính quyền địa phương và người dân chưa thể thống nhất được phương án xử lý rác thải phù hợp.

Rác nổi lềnh bềnh tại khu vực cảng Sa Kỳ.

Hiện nay, khu vực xung quanh cảng Sa Kỳ chỉ có một bãi tập kết rác duy nhất là ở cầu Quỳnh Lưu, tuy nhiên vị trí tập kết rác lại ngay sát lề đường, cách khu chợ khoảng 300m nên rất mất mĩ quan và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đã vậy, có không ít người thiếu ý thức đổ rác một cách vô tội vạ, tất cả các loại rác thải từ sinh hoạt hay từ hoạt động buôn bán trong khu chợ đều được đổ hết xuống hai đầu cầu, dưới chân cầu, thậm chí là vứt ra giữa lòng đường. 

Bà Bùi Thị Sáu (60 tuổi, trú tại xã Bình Hòa) cho biết, ở đây một tuần mới có xe chở rác một lần, trong khi đó lượng rác thải ra lại quá lớn, khiến cho tình trạng ứ rác xảy ra thường xuyên, bốc mùi rất nặng, gây khó chịu cho người đi đường và làm ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt của người dân. 

“Ngày nào tôi cũng đi chợ, ngang qua đây chỉ có thể nín thở chứ không thể chịu nổi, rác lúc nào cũng chồng chất, có nhiều người ý thức kém còn không bỏ rác vào túi mà đổ thẳng ra đường, rất mất vệ sinh. Nhà tôi ở phía bên kia cầu, nhưng mỗi khi có gió thổi thì mùi hôi thối xộc thẳng vào nhà, không thở nổi”, bà Sáu bức xúc nói. Khi gặp những người đổ rác xuống sông, chúng tôi hỏi thì họ biện hộ rằng, họ làm vậy là “bất đắc dĩ”.

Vì bãi tập kết rác ở quá xa, một tuần mới có xe tới gom rác một lần, trong khi đó rác phơi giữa thời tiết nắng nóng, bốc mùi hôi thối, nên họ đành chọn cách vứt xuống sông, để sóng đánh trôi ra xa(!?)…

Được biết, trước đây chính quyền xã Bình Châu cũng đã từng họp dân lấy ý kiến về việc đóng phí hằng tháng để thuê xe gom rác. Nhưng vì mức phí đưa ra cao hơn nhiều so với mặt bằng chung nên người dân không đồng ý. Cụ thể là mức phí  thu hằng tháng mỗi hộ dân 40 nghìn đồng và 70 nghìn đồng đối với hộ kinh doanh, buôn bán. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Châu giải thích: “Việc thu phí gom rác cao là phương án đưa ra trước đó, nhưng vì không thể thống nhất ý kiến của người dân nên đã hủy bỏ. Hiện tại thì chính quyền địa phương cũng đang xây dựng phương án thu gom rác, đồng thời tích cực vận động, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường của người dân để cải thiện tình trạng rác thải, xây dựng môi trường biển sạch đẹp hơn. Tuy nhiên việc xử lý còn gặp khá nhiều khó khăn vì ý thức chấp hành của người dân vẫn chưa được tốt lắm”.

Linh Nguyễn
.
.
.