Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không nguồn gốc sẽ bị xử phạt như thế nào?

Thứ Hai, 21/07/2014, 09:08
Hiện nay, tình trạng thực phẩm không nguồn gốc xuất xứ trôi nổi trên thị trường khiến dư luận hết sức bức xúc bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Bắt giữ, xử lý nhiều nhưng những thực phẩm không nguồn gốc xuất xứ vẫn đang được buôn bán và sử dụng hằng ngày. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Trung tá Phạm Giang Sơn, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm trong lĩnh vực y tế và an toàn thực phẩm, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội về những quy định có liên quan.

PV: Xin đồng chí cho biết các quy định xử phạt những vi phạm về thực phẩm không nguồn gốc xuất xứ?

Trung tá Phạm Giang Sơn: Hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể theo quy định của Luật Hình sự, các hành vi này sẽ bị xem xét theo các tội danh: Phạm tội Buôn lậu (Điều 153 BLHS); Phạm tội Sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh (Điều 157 BLHS); Phạm tội Làm lây lan dịch bệnh cho người (Điều 186 BLHS); Phạm tội Vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (Điều 244 BLHS). Đối với việc xử phạt vi phạm hành chính sẽ áp dụng theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định 185/2013/ND-CP ngày 15/01/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

PV: Qua quá trình thực tế đấu tranh với tội phạm về lĩnh vực thực phẩm, đồng chí có kiến nghị gì chính sách pháp luật liên quan đến việc xử lý những vi phạm về thực phẩm không nguồn gốc xuất xứ.

Trung tá Phạm Giang Sơn: Cần tiếp tục xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Cụ thể tại Điều 244 Bộ luật Hình sự có quy định: Tội vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó, dấu hiệu bắt buộc phải gây hậu quả nghiêm trọng là thiệt hại tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng, tuy nhiên hiện vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Vì thế, việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong vi phạm an toàn thực phẩm khó thực hiện. Hiện nay, theo luật định, muốn khởi tố, bắt đối tượng "độn" các chất độc hại trong thực phẩm, thì hành vi họ gây ra phải gây hậu quả nghiêm trọng, tức là phải có người chết hoặc ngộ độc hàng loạt. Ai cũng hiểu những chất tồn dư trong thực phẩm không thể làm chết người ngay, mà sẽ gây tác hại lâu dài, các bệnh hiểm nghèo cho nhiều người sử dụng. Hành vi gây hậu quả nghiêm trọng vì vậy khó xác định, đây chính là nguyên nhân tại sao nhiều năm nay rất ít vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý hình sự, dù rất nhiều vụ việc bị phanh phui

Nguyễn Hương
.
.
.