Rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Vố bị “băm vằm”

Chủ Nhật, 02/08/2015, 16:32
Từ thị trấn An Lão (huyện An Lão, tỉnh Bình Định), hướng mắt nhìn về phía núi Cheo (tên người dân địa phương hay gọi), hàng chục mảng rừng bị đốn hạ, lộ vỏ xám xịt hoặc được phủ lên màu xanh của cây keo, cây bạch đàn. Đáng nói, khu vực núi đang bị “đổi màu” ấy là cánh rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Vố (gọi tắt là rừng đầu nguồn Sông Vố) - khu vực có ý nghĩa tối quan trọng trong bảo vệ công trình hồ chứa, nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu trên địa bàn huyện.

Không phải mới diễn ra một, hai tháng, rừng đầu nguồn Sông Vố bị tàn phá trong thời gian dài. Nhận được tin báo cánh rừng nguyên sinh này đang bị “băm vằm”, chúng tôi tiếp cận hiện trường.

“Xẻ thịt”

Theo chân ông T - một người dân ở xã An Tân (huyện An Lão) - chúng tôi có dịp “thâm nhập” vào những khu rừng đang bị người dân và lâm tặc thẳng tay “xẻ thịt”.  Vừa đặt chân đến đập Hồ thủy lợi - thủy điện Sông Vố (ở thôn 2, thị trấn An Lão), chúng tôi đã nghe thấy tiếng máy cưa gầm rú liên hồi. Người dẫn đường bảo với chúng tôi rằng: âm thanh phá rừng có hai loại. Âm nào rú rít trong quãng thời gian ngắn là kiểu hạ cây nhỏ để làm rẫy trồng keo. Âm nào gầm dài liên tục hơn cả phút là của lâm tặc cưa đại thụ để lấy gỗ. Nhưng, bất kể là kiểu âm thanh nào đi nữa thì đó đều là âm thanh của sự hủy diệt những cánh rừng đầu nguồn.

Nhiều khoảnh rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Vố bị triệt hạ không thương tiếc.

Từ Hồ thủy lợi - thủy điện Sông Vố, chúng tôi đi ngược về khu vực đầu nguồn có tục danh Nước Xim, Nước Thét (dân địa phương gọi là Nước Trong). Dọc hai bên con đường mòn, nhiều chiếc xe máy cũ kỹ, không biển số được giấu kín trong các bụi cây. Người dẫn đường cho biết, đây là xe của lâm tặc. Đến tối, chúng sẽ tập kết gỗ về khu vực để xe để đưa gỗ xuống thị trấn.

Một khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Vố bị “húi trọc”, để chuẩn bị trồng rừng kinh tế (ảnh chụp tại khu vực rừng có tục danh Nước Thét).

Đi sâu thêm 1,5 cây số nữa, chúng tôi bắt gặp thêm nhiều khoảnh rừng bị đốt, đốn trụi cây. Đáng chú ý, tại khu vực Nước Trong, PV quan sát thấy cả khu rừng rộng lớn lên tới gần chục ha với nhiều loại cây rừng nguyên sinh có đường kính 20 - 25 cm đã bị triệt hạ không thương tiếc, tạo ra vạt rừng “trống huơ, trống hoắc”. Xen lẫn là hàng loạt cây gỗ nhỏ ở đây cũng đã bị chặt hạ nằm ngổn ngang giữa vạt rừng. Không kể đến phần rừng nằm dưới chân núi đã bị phủ xanh nhiều ha cây keo lai, nhiều mảng rừng khác nằm ở lưng chừng núi, trên những đèo dốc hoặc thậm chí là đỉnh núi cũng đã bị thiêu trụi. Vài ngôi lều nhỏ đã được dựng lên trên chính nơi bị tàn phá. Rừng loang lổ những vết thương.

Theo lời người dẫn đường, 3 năm trở lại đây, khi cây keo lai làm thay đổi kinh tế hộ gia đình, người dân không tiếc công lần lên các cánh rừng, ngọn núi để giâm trồng. Cứ thế, cùng với nạn lâm tặc hoành hoành, người dân đang góp phần xóa đi những cánh rừng nguyên sinh. Đáng buồn là người ta cũng không tha cho cánh rừng phòng hộ đầu nguồn này. Nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan của huyện lẫn tỉnh lại không có động thái ngăn chặn.

Rừng bị tàn phá, Kiểm lâm “né” tránh nhiệm?

Để rõ hơn về tình hình phá rừng đầu nguồn Sông Vố, chúng tôi đã đến trụ sở làm việc của Hạt Kiểm lâm huyện An Lão. Tiếp chúng tôi là Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Phạm Phương Bắc. Tuy nhiên, sau khi nghe trình bày thực trạng rừng đầu nguồn nơi đây đang bị tàn phá thì ông Bắc tỏ vẻ cẩn trọng. Ông Bắc nói: “Vấn nạn phá rừng trên địa bàn huyện đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, phát ngôn với báo chí phải có ý kiến đồng ý của Giám đốc Sở NN&PTNT, chứ tôi là Hạt phó cũng không có thẩm quyền…, mong anh thông cảm (!?)”.

Lâm tặc tập kết gỗ chuẩn bị đưa về xuôi.
Lâm tặc ngang nhiên vận chuyển gỗ giữa “thanh thiên bạch nhật” theo con đường mòn từ đầu nguồn của Hồ thủy lợi - thủy điện Sông Vố.

Trong khi đó liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch UBND thị trấn An Lão, thừa nhận, chuyện rừng đầu nguồn Sông Vố bị người dân và lâm tặc chặt phá là có thật. “Tình trạng này bắt đầu xảy ra vào đầu năm 2015 đến nay; sau khi nắm bắt tình hình này, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng Kiểm lâm đứng chân địa bàn cùng ngành chức năng liên quan đã tổ chức kiểm tra, truy quét 3 đợt. Qua đó, xác định đã có 2,8 ha rừng ở khoảnh 1, tiểu khu 22A đầu nguồn Sông Vố (khu vực Nước Trong) bị người dân và lâm tặc chặt phá để trồng rừng kinh tế và lấy gỗ. Hiện nay, địa phương đang tiến hành xác minh, làm rõ các đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật”. Tuy nhiên, so với thực tế những gì mà chúng tôi ghi nhận được thì diện tích rừng bị phá còn có thể lớn hơn 3 - 4 lần.

Chúng tôi tiếp tục làm việc với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định. Sau khi nghe PV phản ánh tình hình rừng đầu nguồn Sông Vố bị tàn phá, ông Huỳnh Ngọc Bảo - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh - bất ngờ: “Tôi chưa nghe anh, em Hạt Kiểm lâm huyện An Lão báo cáo về chuyện này”. Để giúp cho ông Bảo hình dung và hiểu rõ hơn về vấn đề kể trên, PV “cung cấp” thêm nhiều bức ảnh và các đoạn video clip ghi nhận được. Xem qua một lượt, ông Bảo, quả quyết: “Các khoảnh rừng bị chặt phá là cây rừng nguyên sinh; quy hoạch với chức năng rừng phòng hộ đầu nguồn bảo vệ công trình hồ, đập. Tôi xin tiếp nhận ý kiến phản ánh; Chi cục sẽ khẩn trương chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm huyện An Lão phối hợp chính quyền địa phương và ngành chức năng tổ chức kiểm tra ngay tình trạng này. Sau đó, tùy vào kết quả kiểm tra, chúng tôi sẽ có hướng xử lý phù hợp; quan điểm của Chi cục sẽ xử lý nghiêm các đối tượng hoặc cá nhân nào mắc sai phạm”.

Có thể thấy, tình hình phá rừng đầu nguồn Sông Vố diễn ra trong thời gian khá dài, song, sự vào cuộc ngăn chặn từ phía chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm huyện An Lão lại quá chậm. Hệ quả, những cánh rừng nguyên sinh đang bị tàn phá ngày một nghiêm trọng hơn. Thực trạng này, đã và đang ảnh hưởng đến việc giữ cân bằng sinh thái và bảo vệ an toàn cho Hồ thủy lợi - thủy điện Sông Vố cũng như gây thất thoát lớn nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Hoàng Nguyên
.
.
.