Rừng bảo tồn thiên nhiên Ea Sô bị xẻ thịt

Thứ Sáu, 19/12/2014, 11:57
Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (xã Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) là một trong những nơi còn sót lại nhiều loài động, thực vật quý hiếm như bò tót, bò rừng…, gỗ hương, cẩm lai, cà chít… Nhưng thời gian gần đây “lâm tặc” đã lợi dụng những khu rừng “vô chủ” giáp ranh bao quanh khu bảo tồn để tiến sâu vào những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt chặt phá và săn bắn động thực vật quý hiếm một cách tràn lan…

Từ những cánh rừng “vô chủ”…

Sau hơn 4 giờ theo chân Đoàn kiểm tra của Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Ea Sô băng rừng, lội suối chúng tôi có mặt tại cột mốc số 20, nằm cạnh dòng sông Krông Hnăng. Đây là địa điểm đánh dấu ranh giới giữa KBTTN Ea Sô với khu rừng thuộc địa giới hành chính của huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) và Sông Hinh (tỉnh Phú Yên). Khi cả đoàn mệt lả tìm chỗ nghỉ chân thì bất ngờ bắt gặp một nhóm “lâm tặc” đang dùng rìu đốn hạ một cây gỗ hương. Lực lượng Kiểm lâm nhanh chóng bao vây, tịch thu tang vật và lấy lời khai.

Phần ngọn của cây cẩm xe có đường kính hơn 1m ở khu rừng “vô chủ” vừa bị lâm tặc đốn hạ.

Tranh thủ trò chuyện, Ksor Tương (23 tuổi, trú huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), một “lâm tặc” trong nhóm cho biết: “Trong làng mình có hơn một nửa người dân đi làm gỗ vì dễ có tiền. Mỗi kg gỗ hương được thu mua tại bến sông có giá từ 7.000-8.000 đồng nên một người có thể làm được cả mấy trăm ngàn một ngày là chuyện thường…”.

Khi được chúng tôi hỏi khu rừng giáp ranh này do ai quản lý thì anh Phan Văn Quang - Trạm phó Trạm kiểm lâm số 5 phân trần: “Mặc dù thường xuyên tuần tra kiểm soát nhưng chúng tôi chưa bao giờ gặp được lực lượng Kiểm lâm từ phía các tỉnh bạn nên không biết rừng này do ai quản lý (?)”.

Chúng tôi tiến sâu vào khoảng 1km. Trước mắt là hàng trăm cây gỗ quý như giáng hương, cẩm xe, cà chít… bị đốn hạ ngổn ngang. Trong số đó, có rất nhiều cây gỗ quý chỉ mới bị đốn hạ chứ chưa khai thác. Chỉ tay về phía một cây cà chít có đường kính khoảng 80cm, dài hơn 7m, anh Quang cho biết: “Những cây gỗ này đã có chủ hết rồi. Do chưa tìm được mối bán nên “lâm tặc” chưa mang đi đó thôi (!)”. Càng đi vào sâu rừng càng bị tàn phá. Cả khu rừng hàng ngàn héc ta, đâu đâu cũng vang tiếng máy cưa, tiếng rìu chặt gỗ và cả những tiếng cây rừng ào ào đổ xuống. Trên đường đi, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp từng nhóm từ 3 đến 5 người ngang nhiên đốn hạ cây rừng như chốn không người.

Hơn 16h , khi cả đoàn đang tìm chỗ hạ trại nghỉ chân qua đêm thì bất ngờ có một nhóm “lâm tặc” dùng 4 chiếc xe máy đã được độ chế chở 3 khúc gỗ hương dài hơn 1m, đường kính khoảng 30cm ào ào phóng từ trong rừng ra. Bị bắt giữ, họ khai nhận số gỗ trên vừa mới được đốn hạ. Do khu vực này thuộc địa phận quản lý của huyện Krông Pa (tỉnh Gai Lai), cách trụ sở Khu BTTN Ea Sô gần một ngày đi bộ nên cán bộ kiểm lâm chỉ biết tịch thu tang vật để tiêu huỷ, còn người và xe máy đành thả cho về...

Đến bến gỗ “lậu” và tận diệt thú rừng

Gỗ được khai thác ở những cánh rừng “vô chủ” này được “lâm tặc” vận chuyển bằng hai con đường: Một là kết bè thả trôi theo dòng sông Krông Hnăng về bến Hai Cả (thuộc địa bàn huyện Krông Pa, Gia Lai); hai là vận chuyển theo đường mòn bằng xe độ chế. Phần lớn gỗ được vận chuyển bằng cách kết bè thả xuôi theo sông vì cách này vừa an toàn, lại vừa ít chi phí. Sở dĩ có tên là bến Hai Cả là vì người chèo thuyền trên bến sông này có tên là Hai Cả. Ông ta đã từng đi tù 3 năm về tội chống người thi hành công vụ. Ra tù, Hai Cả về làm nghề lái đò đưa “lâm tặc” qua sông Krông Hnăng. Mỗi lần qua, người và xe máy phải trả cho Hai Cả 50.000 đồng.

Ngoài ra, Hai Cả còn có nhiệm vụ cảnh báo tình hình cho “lâm tặc” mỗi khi có thông tin kiểm lâm đi tuần tra... “Từ đây tới bến Hai Cả mất khoảng 4-5 giờ. Tôi thường bán gỗ cho một người tên Hiếu, thuộc Công ty Kim Long, có trụ sở tại huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên). Nghe đâu họ gom hàng để bán sang Trung Quốc”, Ksor Tương thú nhận.

Men theo sông Krông Hnăng về phía hạ nguồn, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp một nhóm người đang bám theo bè gỗ. Anh Lê Xuân Tùng, Đội phó Đội cơ động kiểm lâm huyện Ea Kar lắc đầu ngao ngán: “Vận chuyển gỗ trên đường bộ anh em chúng tôi còn dễ xử lý. Đằng này họ vận chuyển bằng đường thuỷ nên không bắt được. Bến Hai Cả thuộc địa bàn của tỉnh khác chúng tôi không có chức năng bắt gỗ ở đây”. Bên kia dòng sông Krông Hnăng là huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), gỗ sau khi đến bến sông Hai Cả được vận chuyển về các xưởng cưa trong vùng.

Ông Lê Đắc Ý, Giám đốc KBTTN Ea Sô, cho biết: “Tại khu vực giáp ranh giữa khu bảo tồn và các huyện của tỉnh Gia Lai hiện có rất nhiều “lâm tặc” lấy danh nghĩa là người của Tập đoàn H. dùng cưa máy vào khai thác gỗ trên diện rộng. Trong đợt kiểm tra mới đây, chúng tôi đã phát hiện hơn 30 cây gỗ hương với khối lượng trên 100m3 vừa bị khai thác. Hiện những khu rừng giáp ranh đang cạn kiệt gỗ quý, “lâm tặc” đã và đang tràn vào khu bảo tồn”.

Nếu như phía Bắc và Đông của KBTTN Ea Sô đang nóng bỏng việc khai thác gỗ quý, thì phía Tây lại đối mặt với tình trạng săn bắt thú. Ở hai xã Ea Đah và Ea Púk (huyện Krông Năng, Đắk Lắk) có hàng trăm người chuyên đi săn thú. Trong năm nay, Hạt Kiểm lâm KBTTN Ea Sô đã bắt quả tang hàng chục vụ xâm nhập vào khu bảo tồn để săn bắn động vật hoang dã.

Ông Lê Đắc Ý cho biết: “Các đối tượng lâm tặc đang truyền tai nhau rằng, KBTTN Ea Sô đã giải thể cùng với rừng phòng hộ Krông Năng, việc săn bắn thú rừng không bị ngăn cấm, nên nhiều người đã nghe theo và ồ ạt vào rừng săn bắn. Từ đầu năm 2014 đến nay, chúng tôi đã bắt giữ 12 vụ, xử lý 16 đối tượng, thu giữ, phá huỷ hàng ngàn bẫy thú”.

Tình trạng săn bắt động vật, khai thác gỗ đang diễn ra hết sức phức tạp tại KBTTN Ea Sô. Nếu chính quyền các địa phương không sớm có sự phối hợp thì không lâu nữa khu bảo tồn này sẽ vắng bóng những loài động vật, thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Văn Thành
.
.
.