Rắc rối nhà ở và hộ khẩu tại Hà Nội

Thứ Ba, 22/03/2005, 14:37
Từ năm 1997, tiêu chuẩn để nhập hộ khẩu ở Hà Nội được căn cứ vào Nghị định 51 của Chính phủ và Thông tư 06 của Bộ Nội vụ cũ (nay là Bộ Công an). Tuy nhiên, những năm gần đây, việc nhập khẩu đã nảy sinh một số bất cập mà tâm điểm chính tập trung vào hai vấn đề "nhà ở hợp pháp và việc làm ổn định".

Rắc rối xoay quanh nhà ở như thế nào thì được coi là hợp pháp? Việc làm ổn định áp dụng với những đối tượng nào? Chỉ như vậy thôi mà cơ quan thực thi đã gặp quá nhiều khó khăn khi hàng ngày phải xử lý nhiều tình huống phức tạp. Chúng tôi thấy từ các văn bản đến thực tế khi áp dụng, cơ quan chức năng còn gặp rất nhiều lúng túng, gây bức xúc cho người dân...

 

9h sáng 15/3, tại Công an quận Hai Bà Trưng, số người đến giải quyết hộ khẩu đã ngồi kín 4 dãy ghế. Anh Vũ Hoài Phương, ở tổ 24 Lạc Trung, phường Thanh Lương đến đây lần thứ 3 và có lẽ sẽ còn phải đến nhiều lần nữa mà chưa biết kết quả ra sao. Việc tách khẩu tưởng như đơn giản ấy hóa ra lại như đi vào ngõ cụt. Hiện vợ chồng anh đang ở cùng vợ chồng người anh trai và em gái trên một mảnh đất do bố mẹ để lại. Mặc dù bố mẹ anh sống trên mảnh đất đó từ lâu, nhưng vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD).

 

Cuộc sống hàng ngày phát sinh nhiều vấn đề khi cả mấy gia đình nhỏ cùng chung một quyển hộ khẩu. Muốn thế chấp tài sản để vay ngân hàng, nhưng không thể lấy quyển hộ khẩu chung ấy mang đi làm thủ tục, bởi nó còn liên quan đến nhiều thành viên trong gia đình. Vậy là anh phải đi tách hộ khẩu. Công an quận yêu cầu anh phải có "sổ đỏ" mới cho tách.

 

Đem điều kiện đó về trình bày với UBND phường, anh nhận được câu trả lời rằng "Phải có hộ khẩu riêng mới được làm thủ tục cấp sổ đỏ". Anh quay lại Công an quận xuất trình thổ trạch, nhưng cán bộ giải quyết  bảo: "Phải có sổ đỏ mới phát tờ khai". Tâm sự với chúng tôi, anh Phương rất buồn vì điều kiện giải quyết thủ tục này đã khiến cuộc sống của vợ chồng anh rơi vào cảnh khó khăn.

Với trường hợp của anh Nguyễn Văn Kham, trú tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân thì lại khác. Năm 1993, gia đình anh chuyển lên Hà Nội sinh sống, hộ khẩu KT3. Giấy tờ mua bán đất ở có xác nhận của phường, đóng thuế đất từ năm 1993. Mảnh đất ấy có nguồn gốc của Nhà máy Công cụ số 1 đã  đền bù cho gia đình ông X. Sau đó, ông X cắt bán một phần cho vợ chồng anh. "Sổ đỏ" của anh hiện quận đã làm xong, nhưng do chưa có hộ khẩu nên vẫn bị treo.

 

Đến cơ quan Công an xin nhập hộ khẩu thường trú vào Hà Nội thì được giải thích, phải có quyết định phân nhà của chủ cũ. Nhưng khổ nỗi, anh tìm mãi mà đến giờ vẫn chưa thấy nhà máy này ở đâu, liệu có còn hay đã giải thể rồi? 13 năm ở Hà Nội, nhiều lần anh không được phát phiếu cử tri, con cái không được theo học hệ công lập, có bằng trung cấp y cũng không được hành nghề vì không có hộ khẩu Hà Nội. Trước tình cảnh này, anh Kham chưa biết phải giải quyết thế nào.

Ở quận Cầu Giấy, ông Nguyễn Mạnh Trung cũng đang trong cảnh rất khó khăn khi làm thủ tục nhập khẩu. Quê ở Bắc Giang, năm 1997, ông  mua nhà ở Hà Nội và tạm trú từ đó đến nay, nhưng chưa làm thủ tục hợp pháp về quyền sở hữu nhà ở. Nay ông mang giấy tờ mua bán nhà theo kiểu "chỉ có bên mua và bên bán biết với nhau" đến Công an quận xin nhập khẩu thì được giải thích, phải về địa phương cũ xác nhận những giấy tờ liên quan đến ông. Ngoài ra, ông phải chứng minh được là chủ sở hữu hợp pháp của ngôi nhà cũng như giấy tờ chứng minh được ông đã sống tại Hà Nội từ năm 1997 đến nay.

 

Ông cho biết, giấy chứng nhận của địa phương thì được, chứ ngay cả người mới bán nhà cho ông, ông cũng không biết đã chuyển đi đâu, thì nói gì đến việc tìm chủ trước nữa của ngôi nhà. Vậy là việc nhập khẩu của ông không biết đến khi nào mới thực hiện được?… Đây chỉ là những điển hình trong số hàng chục trường hợp gặp rắc rối trong việc nhập khẩu  mà chúng tôi đã tiếp xúc trong ngày 15/3.

Sức ép và hướng tháo gỡ

Dân số thành phố đã vượt ngưỡng 3 triệu người, thành phần dân cư đa dạng, chủ yếu tập trung tại nội thành và khu vực ven nội. Tỷ lệ người có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội chỉ chiếm khoảng 87%, còn lại là người ngoại tỉnh về lao động kiếm sống (thành phần này đang tăng nhanh). Tìm hiểu tại các xã, thị trấn đang trong giai đoạn đô thị hoá, thấy nổi lên tình trạng người dân ở mọi nơi kéo đến mua đất, xây dựng nhà ở nhưng không làm thủ tục pháp lý diễn ra khá phổ biến. Đây là minh chứng cho việc quản lý hộ khẩu đang gặp phải những khó khăn nhất định.

Hiện nay, số người kê khai đăng ký nhà và đất ở xin cấp GCNQSD đã nộp tại các phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố khoảng 5.000 trường hợp, nhưng không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội (thuộc diện KT3), trong đó tập trung chủ yếu ở các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng...

Điều này rất đáng quan tâm bởi theo quy định, người tỉnh ngoài muốn nhập hộ khẩu ở Hà Nội phải có GCNQSD và đủ thời gian cư trú 5 năm. Hà Nội hiện có các nhóm đối tượng đã có nhà ở ổn định nhiều năm nhưng chưa được cấp "sổ đỏ" là: Người ngoại tỉnh mua nhà cư trú; người ngoại tỉnh làm hợp đồng cho cơ quan nhà nước, cơ sở tư nhân hoặc làm ăn tự do; đối tượng là học sinh, sinh viên ngoại tỉnh về học tập.

Trung tá Phạm Văn Tầu, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính, Công an quận Thanh Xuân cho biết, khoảng năm 1999 - 2000, ở các phường Nhân Chính, Hạ Đình, Khương Đình và Thanh Xuân Nam, có nhiều đất nông nghiệp, đất % được nhân dân xây nhà ở, xây ki-ốt phục vụ mục đích kinh doanh khi chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng.

 

Tuy nhiên, hiện tượng mua bán trao tay vẫn tràn lan, thậm chí không có xác nhận của chính quyền địa phương. Những trường hợp như vậy đều không được coi là sử dụng đất hợp pháp, dù rằng có gia đình đã ở đến gần 20 năm, thậm chí 2 thế hệ, vẫn không được đăng ký nhập khẩu vì "tiêu chuẩn thì có nhưng điều kiện về nhà ở không hợp pháp".

Tại Công văn số 35/ PC13 ngày 12/1/1998 của Công an thành phố Hà Nội nêu rõ, một trong những loại nhà chưa được giải quyết đăng ký hộ khẩu thường trú là "nhà làm trên đất không được quy hoạch làm đất ở". Nhưng trên thực tế, nhiều hộ dân có nhà ở được chuyển hoá từ đất ki-ốt, hoặc nhà đất làm trên đất hoa màu cũ... đã ở ổn định hàng chục năm, không có tranh chấp thì giải quyết ra sao?

Ngay cả một số khu đô thị mới, được thành phố bố trí tái định cư cho các hộ trong diện giải phóng mặt bằng, họ không có GCNQSD mà chỉ có quyết định bàn giao nhà hoặc quyết định góp vốn xây dựng nhà nên thủ tục đăng ký hộ khẩu cũng gặp nhiều vướng mắc. Nhất là những trường hợp thuộc diện KT3 đã đủ thời gian cư trú ở Hà Nội theo quy định, nhưng nhà ở chưa có GCNQSD cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xét nhập khẩu

Hưng - Hạnh
.
.
.