Quyền, nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp

Thứ Năm, 17/10/2013, 11:57
Hỏi: Tôi được biết đương sự trong vụ án dân sự có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Xin hỏi Quý báo, trường hợp tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp thì tổ chức có quyền và nghĩa vụ gì theo quy định pháp luật? (Ông Đỗ Quốc Hùng, Từ Liêm - Hà Nội).

Trả lời: Theo Luật Giám định tư pháp năm 2012 thì: Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.

Theo khoản 1 Điều 24 Luật Giám định tư pháp năm 2012 tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp có quyền: Yêu cầu người trưng cầu, người yêu cầu giám định cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc giám định; Từ chối thực hiện giám định nếu không có đủ điều kiện cần thiết phục vụ cho việc thực hiện giám định; Được nhận tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi nhận trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp; được thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp khi trả kết quả giám định.

Tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp có nghĩa vụ theo Khoản 2 Điều 24 Luật Giám định tư pháp năm 2012:

a) Tiếp nhận và phân công người có khả năng chuyên môn phù hợp với nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định thuộc tổ chức mình thực hiện giám định và chịu trách nhiệm về năng lực chuyên môn của người đó; phân công người chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định trong trường hợp cần có nhiều người thực hiện vụ việc giám định;

b) Bảo đảm trang thiết bị, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện giám định;

c) Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người thực hiện giám định do mình phân công cố ý kết luận giám định sai, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức; 

d) Thông báo cho người trưng cầu, yêu cầu giám định bằng văn bản trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định và nêu rõ lý do trong trường hợp từ chối nhận trưng cầu, yêu cầu giám định

Thạc sỹ, luật sư Lê Việt Nga (Công ty Luật Số 5 – Quốc gia, website: www.luatsuvietnam.vn)
.
.
.