Quy định về thay đổi họ cho con

Thứ Hai, 03/08/2015, 10:03
Hỏi: Xin hỏi sau khi ly hôn, con sống với mẹ thì có thể đổi họ cho con sang họ của mẹ được không? (Vũ Thu Trang, TP Nam Định, tỉnh Nam Định)

Trả lời: Theo Điều 27 Bộ luật Dân sự 2005, quyền thay đổi họ, tên được quy định như sau:

1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp:

a) Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

d) Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại;

đ) Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

e) Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính; g) Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

2. Việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ 9 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

3. Việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ.

Như vậy, việc đổi họ cho con theo họ mẹ sau ly hôn có thể thực hiện được, tuy nhiên cần chú ý tới quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định 06/2012/NĐ-CP ngày 2/2/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực: Đối với việc thay đổi họ, tên, cho người từ đủ 9 tuổi trở lên và xác định lại dân tộc cho người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi trở lên, thì phải có ý kiến đồng ý của người đó thể hiện trong Tờ khai; trường hợp xác định lại dân tộc cho con dưới 15 tuổi phải nộp văn bản thỏa thuận của cha mẹ về việc xác định lại dân tộc cho con. 

Người yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch có thể trực tiếp hoặc nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính. Trong trường hợp gửi qua hệ thống bưu chính, thì các giấy tờ có trong thành phần hồ sơ phải là bản sao có chứng thực; trường hợp trực tiếp thì nộp bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực.

Riêng đối với việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; hoặc việc cải chính hộ tịch, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch cho người nước ngoài trước đây đã đăng ký khai sinh trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, thì phải trực tiếp nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp, nơi có thẩm quyền giải quyết các việc hộ tịch nêu trên... Như vậy trường hợp con từ  9 tuổi trở lên thì cần phải có sự đồng ý của người con.

Luật gia Tào Thu Minh Nguyệt (Công ty Luật Số 5 – Quốc gia)
.
.
.