Quy định pháp luật liên quan đến vấn đề mua bán nội tạng người

Thứ Ba, 07/10/2014, 10:57
LTS: Trong thời gian gần đây, báo chí đề cập nhiều đến các đường dây mua bán thận đang hoạt động tại một số địa phương trong cả nước. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn quy định của pháp luật về vấn đề mua bán nội tạng người, Báo CAND đã có cuộc trao đổi với chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh - thành viên Công ty Luật TNHH Đào Ngọc Lý (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

PV: Hiện nay pháp luật đã có những quy định như thế nào đối với hành vi mua bán nội tạng người, mà cụ thể là hành vi mua bán thận?

Trả lời: Hiện nay, với sự phát triển của y học, việc ghép tạng đã không còn là cá biệt mà ngày càng phổ biến, nhờ đó cứu sống sinh mạng rất nhiều người. Việt Nam đã có Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (có hiệu lực từ ngày 1/7/2007) quy định những nguyên tắc, thủ tục và các vấn đề có liên quan. Theo quy định của luật này, việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác theo nguyên tắc tự nguyện đối với người hiến, người được ghép; vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học; không nhằm mục đích thương mại; giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (Điều 4). Bên cạnh đó, luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm, đơn cử như lấy trộm, ép buộc người khác phải cho hoặc lấy của người không tự nguyện hiến; mua, bán; lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ vì mục đích thương mại; quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận vì mục đích thương mại (Điều 11)... Như vậy, việc mua bán bộ phận cơ thể người mà cụ thể là buôn bán thận thuộc hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Tuy nhiên, luật hiện hành mới chỉ dừng lại ở việc mô tả những hành vi bị nghiêm cấm mà chưa có văn bản quy định cụ thể chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm này. Trong lĩnh vực hình sự mới chỉ có một số ít điều luật có liên quan đến hành vi vi phạm như sau: Tội mua bán người (Điều 119 BLHS) quy định tại điểm d khoản 2, phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm nếu có hành vi “để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”; tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (Điều 246 BLHS) quy định tại khoản 1 là người nào “có hành vi khác xâm phạm thi thể” thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đã tạo cơ sở pháp lý để Việt Nam phát triển ngành kỹ thuật y học ghép mô cũng như bộ phận cơ thể người, đã tạo cơ hội lớn để cứu sống nhiều người bệnh. Tuy nhiên cho đến nay, chế tài xử lý vẫn chưa thật đầy đủ và hoàn thiện nên vẫn là một trở ngại trong quá trình áp dụng và ngăn chặn những hành vi sai trái này trên thực tế.

PV: Để ngăn chặn tình trạng này, thời gian tới chúng ta cần phải đưa ra những biện pháp gì?

Trả lời: Theo tôi, cần phối hợp tổng thể nhiều biện pháp để hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao trách nhiệm của y, bác sỹ cũng như sự phối hợp giám sát liên ngành của các cơ quan có thẩm quyền như: Sớm có văn bản quy định chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm, cần thiết sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng bổ sung thêm những điều luật mới cho phù hợp để xử lý các hành vi liên quan đến loại tội phạm này; Tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ hơn ý nghĩa nhân văn của việc hiến tạng sau khi qua đời (ví dụ trường hợp do chết não) để tăng nguồn cung cho các bệnh nhân có nhu cầu, đồng thời không vì vật chất mà bán đi một phần cơ thể (sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hiểm đến tính mạng cũng như sức khỏe sau này);  Cần có cơ chế giám sát, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng liên quan (như Công an, y tế,…) để có thể kiểm soát được hành vi mua bán nội tạng trái phép trá hình dưới các biểu hiện xin cho, hiến tặng…

Theo tôi, vấn đề ghép mô, bộ phận cơ thể người để cứu giúp người bệnh là một trong những thành tựu y học tiến bộ của nhân loại, nhưng nếu thiếu cơ chế quản lý và kiểm soát thì dễ biến tướng, trở thành tiêu cực và vấn nạn xã hội, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đôi khi là tính mạng của người dân. Do vậy, cần xây dựng hệ thống pháp luật với những chế tài nghiêm khắc, đủ mạnh để góp phần ngăn chặn và trừng trị thích đáng những hành vi biến tướng sai trái này.

PV: Trân trọng cảm ơn chị

PV
.
.
.