Quy định nhân lực các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thủy

Thứ Bảy, 07/03/2015, 08:21
Các cơ sở đóng mới, hoán cải sửa chữa phục hồi các loại phương tiện thủy nội địa nêu sau phải đáp ứng yêu cầu về cán bộ kỹ thuật và bộ phận kiểm tra chất lượng - đó là nội dung quy định tại Nghị định 24/2015/NĐ-CP ngày 27/2/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Nghị định quy định cụ thể điều kiện hoạt động của cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện: Tổ chức, cá nhân hoạt động đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện (gọi tắt là cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện) quy định tại Khoản 1 Điều 27 của Luật Giao thông đường thủy nội địa phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, trong đó có đăng ký ngành nghề đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa và phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp; có phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với chủng loại, kích cỡ phương tiện được sản xuất, kinh doanh dịch vụ. 2. Có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng để bảo đảm sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định. 3. Có cán bộ kỹ thuật, bộ phận kiểm tra chất lượng đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh, cụ thể đơn cử như: Đối với cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi các loại phương tiện có sức chở từ 50 người trở lên; phương tiện chuyên dùng như ụ nổi, bến nổi, thiết bị thi công nổi, nhà nổi, khách sạn nổi, tàu cuốc, tàu hút… phải có bộ phận kỹ thuật và bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm, mỗi bộ phận phải có tối thiểu 1 kỹ sư chuyên ngành đóng tàu thủy và 1 kỹ sư chuyên ngành máy tàu thủy.

Đối với cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi các phương tiện đóng bằng gỗ theo kinh nghiệm cổ truyền có chiều dài thiết kế dưới 20m… phải có tối thiểu 1 thợ lành nghề… Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/5/2015.

PV
.
.
.