Quảng Ninh chi gần 26 tỷ đồng chấm dứt hoạt động lò vôi thủ công

Thứ Tư, 20/02/2019, 18:02
Việc chấm dứt hoạt động của các lò vôi thủ công là chủ trương đúng, nhằm bảo vệ môi trường và sức khoẻ cho người lao động. Nhưng đến thời điểm này, TP Uông Bí là địa phương có số lượng lò vôi thủ công vẫn còn đang hoạt động nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh…

Trên địa bàn TP Uông Bí có tổng số 51 cơ sở, 68 lò vôi, với 115 ống lò, thuộc địa bàn hai phường Phương Đông và Phương Nam, tập trung chủ yếu tại khu vực Vành Kiệu 1, khu Hồng Hà, phường Phương Nam. 

Lò vôi thủ công hoạt động trên địa bàn TP Uông Bí  không chỉ gây ô nhiễm mà còn lãng phí tài nguyên.

Trong đó có hai tổ chức là Trại giam Quảng Ninh và Xí nghiệp sản xuất đá Phương Đông, còn 49 cơ sở sản xuất vôi do các hộ gia đình cá thể tự đầu tư. Hầu hết số lò vôi này được xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp.

Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đến năm 2016 loại bỏ ít nhất 50% số lò vôi thủ công gián đoạn trên cả nước; đến năm 2020, xóa bỏ hoàn toàn các lò thủ công gián đoạn và thủ công liên hoàn trên phạm vi toàn quốc nhằm bảo vệ môi trường.

UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 1460/KH-UBND về việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công trên địa bàn Quảng Ninh. Và Quảng Ninh sẽ xây dựng và phát triển ngành sản xuất vôi theo hướng công nghiệp hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. 

Theo đó, các chủ lò chủ động phá dỡ lò trước 31-12-2017. Tuy nhiên chưa nhận được sự chấp thuận của các chủ lò nên đến cuối năm 2018 vẫn còn nhiều chủ lò vôi hoạt động.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí Đặng Đình Sách, từ năm 2017 địa phương đã phê duyệt đề án hỗ trợ người lao động và các chủ cơ sở sản xuất vôi với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng, bao gồm chi phí tháo, dỡ, khôi phục mặt bằng, hỗ trợ cho người lao động và dự phòng. 

Tiếp đến tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII (tháng 12-2018) đã ban hành Nghị quyết số 146/2018/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn tỉnh. 

Trên cơ sở đó, ngày 28-12-2018, UBND TP Uông Bí đã ban hành Quyết định số 8108/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh đề án hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công từ hơn 11 tỷ đồng lên gần 26 tỷ đồng.

Cụ thể, TP Uông Bí sẽ hỗ trợ các chủ cơ sở sản xuất vôi 13,2 tỷ đồng tiền tháo dỡ, khôi phục mặt bằng và hơn 540 triệu đồng để 51 chủ cơ sở chuyển đổi nghề khác. Hỗ trợ cho những người lao động thường xuyên hơn 10 triệu đồng và lao động không thường xuyên là trên 5 triệu đồng. 

Ngoài ra, địa phương còn đề nghị tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ cho người dân vay vốn tại ngân hàng chính sách với lãi suất thấp để tạo công ăn việc làm tiếp theo…

Song song với việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất và người lao động, TP Uông Bí cũng đã nhiều lần tổ chức đối thoại, vận động, tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ về chủ trương của Nhà nước, của tỉnh cũng như những tác động xấu của việc sản xuất vôi thủ công đối với môi trường và sức khoẻ của người dân... 

Đến nay, nhiều chủ lò vôi cũng đã nhận thức được vấn đề, tự nguyện tháo dỡ, tuy nhiên vẫn còn một số chưa chấp hành thực hiện.

Ông Đặng Đình Sách khẳng định việc chấm dứt hoạt động các lò vôi thủ công là chủ trương đúng đắn nên rất cần sự đồng thuận của người dân để góp phần giữ gìn môi trường, sức khỏe cộng đồng, cũng như góp phần quản lý tốt nguồn tài nguyên khoáng sản.

V. Huy
.
.
.