Mắc bệnh khi làm “ô sin” ở Ả Rập Xê Út:

Nộp phạt vẫn chưa được về nước

Thứ Bảy, 12/09/2015, 08:06
Quyết tâm đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền thoát cảnh nghèo túng, nhưng sau mấy tháng làm giúp việc tại Ả Rập Xê Út, bà Lê Thị Minh (54 tuổi, ở thôn Hoàng Oanh, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) mắc bệnh nặng, phải điện thoại về nước cầu cứu. Nhưng càng ngóng, bà càng sốt ruột trong khi sức khỏe ngày càng yếu đi. Nói chuyện với PV Báo CAND qua điện thoại, bà Minh mếu máo: “Tôi mong được về nhà lắm, chỉ lo chết ở đây thôi”.

9h30 ngày 10/9, ngay sau mấy tiếng chuông, bà Minh đã nghe điện thoại của chúng tôi. Hỏi bà: “Bên đấy là mấy giờ?”, bà Minh trả lời: “Tôi có biết đâu. Tôi chưa ngủ dậy”. “Ở Việt Nam bây giờ là 9h30 sáng”, tôi nói. Bà bảo: “Vậy thì ở đây khoảng hơn 5h sáng”.

Rồi bà nói tiếp với giọng mệt mỏi: “Lúc nào tôi cũng bị đau nửa đầu, xì mũi là ra máu. Ở nhà tôi cũng bị đau đầu rồi, nhưng nhẹ thôi. Sang đây được 2 tháng, lạ nước lạ cái nên tôi bị nặng. Người ta có đưa đi khám nhưng tôi không biết tiếng, cũng chẳng nói chuyện được nên có biết gì đâu. Tôi làm việc vất vả thế mà chủ thứ 2 còn đánh đập, giữ tiền của tôi. Chủ hiện tại của tôi thì tốt hơn...”.

Qua lời kể của bà Minh, bà ở với chủ thứ 4 này mới được nửa tháng. Công việc hằng ngày là giặt giũ, nấu nướng, lau dọn nhà cửa và trông trẻ. Chủ nhà tốt bụng nên khi biết bà bị bệnh cũng đã chia sẻ. Tuy nhiên, do bất đồng ngôn ngữ, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng nên bà mong mỏi được về nước, dù phải đền tiền vì phá vỡ hợp đồng. Tôi hỏi: “Chủ nhà có cho bà về nước không?”. Bà trả lời: “Nào ai biết!”. Ngôn ngữ bất đồng khiến chủ nhà và người giúp việc không hiểu nhau.

Ở Việt Nam, gia đình bà Minh đôn đáo cầm đơn đến các cơ quan chức năng cầu cứu với mong muốn bà Minh trở về nhà càng sớm càng tốt. Ông Đỗ Văn Truyền, chồng bà Minh cho biết: Ông bà đã có cháu nội, cháu ngoại, nhưng hai vợ chồng chỉ có ít ruộng, lại nợ nần do cưới xin cho con, cuộc sống khó khăn nên khi có người giới thiệu đi Ả Rập Xê Út làm giúp việc không mất chi phí, mức lương 7 triệu đồng/tháng trong vòng 2 năm, bà Minh bàn với gia đình và đăng ký ngay.

Ông Đỗ Văn Truyền (ngồi giữa) lo lắng cho sức khỏe của vợ.

Sau khi xuống Hà Nội, bà ký hợp đồng với Công ty CP dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia Thanh Hóa (LESSCO) tại văn phòng ở đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Mọi giao dịch đều thông qua người đại diện tên là Đỗ Đức Long. Vô cùng nhanh chóng, chỉ sau 1 tuần ký hợp đồng, bà Minh được làm thủ tục xuất cảnh vào tháng 12/2014.

Theo phản ánh của gia đình bà Minh, do bị đau ốm, bà Minh cùng gia đình chấp nhận phá vỡ hợp đồng, nộp tiền phạt để được về. Ngày 13/4/2015, ông Truyền trực tiếp nộp số tiền 2.500 USD (tương đương 54 triệu đồng) tại văn phòng mà ông Đỗ Đức Long đại diện. Tiền đã nộp nhưng bà Minh chưa được về. Nhiều lần đại diện gia đình ông Truyền đến văn phòng tại Hà Nội thúc giục, đề nghị mà chưa được. Gia đình cung cấp cho chúng tôi 3 bản cam kết do ông Đỗ Đức Long ký.

Lần thứ nhất vào ngày 13/4, ông Long hứa sẽ làm thủ tục cho bà Minh về nước trong vòng 15 ngày sau. Lần thứ 2 ông Long ký cam kết “chậm nhất ngày 15/5 lao động Lê Thị Minh sẽ có mặt tại văn phòng công ty tại Ả Rập Xê Út”. Mòn mỏi chờ đợi mà không được, thậm chí gia đình ông Truyền tốn kém tiền điện thoại qua lại với bà Minh, đi lại lên Hà Nội mà vẫn không được nhận tin tức ngày bà Minh trở về. Tiếp đến, ngày 1/6, ông Đỗ Đức Long lại có bản cam kết lần 3 hẹn chậm nhất là ngày 26/6 sẽ đưa bà Minh về nước.

Ngày 10/9, PV Báo CAND có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Công ty LESSCO. Ông Minh cho rằng, mặc dù gia đình bà Minh đề nghị cho bà Minh về nước từ tháng 4 nhưng đến tháng 7/2015, Công ty mới biết thông tin đó thông qua Cục Lao động ngoài nước và Công an TP Hà Nội.

Tuy nhiên, trong Công văn số 74/CV-LESSCO gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước do Giám đốc Phạm Thị Hoài Đức ký ngày 24/7 thì có thể hiện rõ: “Tháng 4/2015, người nhà của gia đình lao động Lê Thị Minh có đến cơ sở đào tạo của công ty tại Hà Nội trình bày nguyện vọng muốn cho lao động về nước vì chế độ ăn uống không phù hợp nên sức khỏe lao động không đảm bảo… Công ty LESSCO đã tiếp xúc đàm phán với Văn phòng môi giới Ả Rập Xê Út thỏa thuận phương án bồi thường với chủ sử dụng để đưa lao động về nước. Tuy nhiên, chủ sử dụng chỉ đồng ý ký Exit visa cho lao động sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ Ramadam, vì vậy thời gian về nước của lao động không thể tiến hành nhanh được. Lịch về nước của lao động được văn phòng môi giới thông báo vào khoảng 10/8/2015”.

Ông Nguyễn Văn Minh cho biết, chi phí xuất khẩu lao động sang thị trường Ả Rập Xê Út là do chủ sử dụng lao động tài trợ. Vì vậy, người lao động không mất chi phí đi, nhưng nếu phá hợp đồng thì phải bồi thường. Cụ thể trường hợp của bà Minh, chủ sử dụng lao động đòi bồi thường 8.000 USD. Đòi hỏi đó là vô lý nên công ty đã đàm phán kéo xuống mức 4.000 USD.

Hiện gia đình bà Minh đã nộp 2.500 USD, số tiền còn lại là 1.500 USD và vé máy bay sẽ do công ty chi trả. Ngày 25/8, Công ty LESSCO gửi công văn đến Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập và Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Ả Rập đề nghị can thiệp và tạo điều kiện để thủ tục hồi hương của lao động được thuận lợi.

Đến thời điểm hiện tại, bà Minh và gia đình vẫn chưa có thông tin gì về việc được trở về. Đề nghị Cục Quản lý lao động ngoài nước, Công ty LESSCO có giải pháp sớm đưa lao động về nước. Sự việc trên cho thấy người lao động ở thị trường Ả Rập Xê Út chưa thực sự được quan tâm và giải quyết theo hợp đồng đã ký, còn nhiều rủi ro cho người lao động. Vấn đề người lao động được tư vấn trước khi ký hợp đồng và thực tế làm việc còn nhiều điều đáng bàn. Báo CAND sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.  

Việt Hà
.
.
.