Nỗi khổ của nữ hành khách xe buýt

Thứ Năm, 16/02/2006, 07:25
"Tôi rất khó chịu với một gã đi cùng trên tuyến xe buýt Hà Đông - Ba La. Xe đông người, chật chội và luôn bị phanh gấp đột ngột, hắn lợi dụng ghì chặt người tôi. Vờ vô tình, hắn giở trò động chạm… Tôi thấy bực, xô hắn và lảng ra chỗ khác, hắn vẫn bám theo...". Một trong những nạn nhân của kẻ "thả dê" bức xúc kể.

Xe buýt đang trở thành một phương tiện giao thông công cộng quan trọng ở thành phố, đáp ứng nhu cầu và thu hút được số lượng lớn người dân. Trên những chuyến xe buýt giờ cao điểm đông nghẹt người, không ít kẻ gian lợi dụng móc túi, trộm cắp… Đặc biệt, những nữ hành khách, sinh viên, học sinh là đối tượng chủ yếu của những kẻ quấy rối tình dục.

Chị Q.Tr bức xúc kể: "Tôi rất khó chịu với một gã đi cùng trên tuyến xe buýt 02 (Hà Đông - Ba La). Xe đông người, chật chội và luôn bị phanh gấp đột ngột, hắn lợi dụng ghì chặt người tôi. Vờ vô tình, hắn giở trò động chạm… Tôi thấy bực, xô hắn và lảng ra chỗ khác, hắn vẫn bám theo". Đây không phải là trường hợp cá biệt. Có không ít nữ hành khách bị quấy rối ngay giữa "thanh thiên bạch nhật" như vậy. Những kẻ… "thả dê" trên xe buýt lợi dụng giờ cao điểm, khoảng 10h - 12h, 16h - 18h, nữ sinh tan học, xe luôn chật cứng người để thực hiện hành vi quấy rối. Nhiều người đã có phản ứng quyết liệt, như N.H (Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội) đã một lần thẳng tay "bốp" vào mặt kẻ "thả dê" khiến hắn nhanh chóng lẩn ra khỏi xe.

Nhưng có nhiều trường hợp nữ hành khách bị quấy rối mà không dám phản ứng lại do sợ hãi. Q.Ng (ĐHKHXHNV HN) thì nói: "Gặp trường hợp đó, tôi không dám chửi bới hay tát hắn. Nhìn xung quanh cầu cứu thì không thấy có ai lên tiếng, chỉ thấy những khuôn mặt thờ ơ, vờ như không nhìn thấy chuyện gì xảy ra. Tôi vội vã xuống xe rồi đi bộ về nhà, từ đấy không dám đi xe buýt nữa"...

Hỏi một nhân viên phụ xe buýt số 22 (Hà Đông - Gia Lâm) thì nhận được câu trả lời: "Chúng tôi có trách nhiệm phục vụ hành khách với thái độ văn minh lịch sự, đảm bảo văn hóa xe buýt đô thị. Còn bảo vệ nữ hành khách bị quấy rối không thuộc trách nhiệm của chúng tôi. Mà chúng tôi cũng không bao quát được hết chuyện đó, khi trên xe lên tới gần 100 người". Việc bảo vệ nữ hành khách vẫn hoàn toàn dựa vào lòng nghĩa hiệp của "đấng mày râu". Hiện vẫn có những đối tượng lang thang trên những chuyến xe với ý đồ xấu và hành khách nữ tiếp tục là nạn nhân mà chưa có biện pháp bảo vệ họ, giúp họ yên tâm trên mỗi tuyến đường.

Ở Nhật Bản đã có những tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ, ngăn cản tích cực vấn nạn quấy rối tình dục. Còn Việt Nam chưa đủ điều kiện để thực hiện như vậy thì cũng phải có giải pháp nào đó bảo vệ chị em chứ?

Hải Hòa
.
.
.