Những vi phạm TTATGT bị giữ xe ôtô 30 ngày

Thứ Ba, 01/04/2008, 10:12
Hỏi: Bạn Hoàng Văn Chính (Thường Tín - Hà Tây) hỏi: "Đề nghị quý báo cho biết, theo quy định mới của pháp luật thì người điều khiển xe ôtô có vi phạm gì thì bị tạm giữ phương tiện 30 ngày".

Trả lời: Điểm b khoản 1 Điều 49 Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định đình chỉ lưu hành phương tiện 30 ngày đối với người điều khiển xe ôtô có các hành vi vi phạm sau:

- Điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ (khoản 9 Điều 8).

- Có một trong các hành vi vi phạm: điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35km/h; sử dụng chất ma túy; điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ mà gây tai nạn hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ (khoản 10 Điều 8).

- Không có giấy đăng ký xe, đăng ký rơ-moóc hoặc sơ mi rơ-moóc theo quy định (điểm a khoản 4 Điều 19).

- Sử dụng giấy đăng ký xe không đúng số khung hoặc số máy; giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp (điểm b khoản 4 Điều 19).

- Điều khiển xe gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (điểm d khoản 5 Điều 19).

- Có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển (điểm a khoản 6 Điều 24).

- Không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy phép lái xe bị tẩy xoá (điểm b khoản 6 Điều 24).

- Điều khiển xe ôtô khách, ôtô chở người chở vượt trên 100% số người, khách quy định được phép chở của phương tiện (khoản 3 Điều 27).

- Tự ý đục lại số khung hoặc số máy; tẩy xóa hoặc sửa chữa giấy đăng ký xe, hồ sơ đăng ký xe, giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc các loại giấy tờ khác về phương tiện (Điểm a, b khoản 4 Điều 33).

- Tự ý thay đổi tổng thành khung; tổng thành máy; hệ thống phanh; hệ thống truyền động; hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe (Điểm a khoản 6 Điều 34 Nghị định số  146/2007/NĐ-CP)

Ban PL-bđ
.
.
.