Những người giữ rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Thứ Sáu, 15/07/2011, 10:34
Gần 1 tháng trôi qua Quảng Bình không có mưa. Hồ, ao, sông, suối cạnh vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã cạn trơ đáy. Gần 150 ngàn ha rừng nơi đây có thể cháy bất cứ lúc nào.

Trong chảo lửa nắng hạn, 125 cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB) đang thay nhau túc trực để phòng cháy và chống cháy cho Di sản thiên nhiên thế giới PN-KB. Nhiều cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm phải gùi gạo, thức ăn, nước uống lội bộ hàng chục kilômét đường rừng để canh giặc lửa.

Trong quá trình tìm hiểu để viết bài, chúng tôi nhận thấy có một điều bất hợp lý đang diễn ra: Những năm qua, Quảng Bình không hề dành kinh phí cho công tác phòng chống cháy rừng ở vườn quốc gia PN-KB, mặc dù mỗi năm nguồn thu từ du lịch ở Di sản thiên nhiên thế giới này đem lại hàng chục  tỷ đồng cho tỉnh.

Ăn ngủ tại rừng

Tất cả 125 kiểm lâm PN-KB phải thay nhau túc trực 24/24 giờ; không ai được tắt điện thoại di động; không nghỉ phép; không hội họp… trong giai đoạn này, đó là mệnh lệnh của lãnh đạo Hạt Kiểm lâm phổ biến đến tận các kiểm lâm viên nhằm cộng lực bảo vệ rừng quốc gia PN-KB dưới nắng hạn gay gắt.

Vườn quốc gia PN-KB có diện tích 126 ngàn hécta với nguồn tài nguyên rất phong phú, nhiều lâm sản quý hiếm trải đều khắp, động vật hoang dã đa dạng số lượng và bầy đàn nhiều. Điều này đòi hỏi lực lượng kiểm lâm PN-KB luôn phải phát huy cao độ tinh thần làm việc để bảo vệ rừng.

Đồng hồ chỉ sang 16 giờ, nắng vẫn hầm hập như đổ lửa, nhận được điểm báo cháy ở thôn Cù Lạc, xã Sơn Trạch nằm trong khu vực vườn quốc gia PN-KB, tôi xách vội đồ nghề làm báo theo chân 50 kiểm lâm viên đi dập lửa. Dưới cái nắng và đám lửa hừng hực, hàng chục kiểm lâm bất chấp hiểm nguy tính mạng khống chế ngọn lửa.

Tận mắt chứng kiến công việc của họ, chúng tôi mới hiểu rằng để bảo vệ hàng trăm ngàn hécta rừng, máu, mồ hôi, nước mắt của nhiều kiểm lâm đã hòa vào trong những cánh rừng. Lửa cháy ở điểm xa, không có vòi nước, lực lượng kiểm lâm đành quăng mình vào rừng, chặt cây, mở đường lên đám cháy.

Sau đó, các anh dùng dao, rựa phát dọn thực bì tạo đường băng đốt lửa cháy theo ngọn gió đập trở lại để khống chế đám cháy. Dưới cái nắng gay gắt, cộng với ngọn lửa cháy rừng hừng hực, bụi, khói bao phủ không gian, nhiều cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm ho sặc sụa.

Tôi chứng kiến có kiểm lâm liên tục nhúng áo vào bình đựng nước rồi mặc để chống nóng, chống cháy, nhưng chỉ được chốc lát chiếc áo lại khô khốc. Cạnh ngọn lửa bốc cháy dữ dội, các kiểm lâm Nguyễn Hoài Nam, Phạm Xuân Cường, Nguyễn Hữu Trí, Từ Đình Sơn, Nguyễn Thế Vịnh… mồ hôi nhễ nhại, quần áo lấm lem gồng mình chống lửa cháy lan sang khu vực khác.

Với dao, rựa, can nước trong tay, các anh đã dàn hàng ngang tạo thành bức tường chống lửa bảo vệ rừng. Từ 16h đến 4h sáng hôm sau, đám cháy ở thôn Cù Lạc mới được dập tắt hoàn toàn, hơn 10 tiếng đồng hồ quần quật chiến đấu với giặc lửa, nhiều cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm kiệt sức vì mệt, có kiểm lâm phải lập tức chuyền nước do kiệt sức.

Những lỗ hổng nguy hiểm trong việc bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng

126 ngàn hécta rừng ở Vườn quốc gia PN-KB chủ yếu là rừng tự nhiên. Với diện tích rừng cực lớn như vậy, nhưng hiện ở Hạt Kiểm lâm PN-KB chỉ có 125 kiểm lâm, như vậy trung bình mỗi kiểm lâm ở đây phải bảo vệ hơn 1 ngàn hécta rừng.

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 10/2011 đến nay, trong khu vườn, vùng đệm và các thôn ở cạnh vườn quốc gia PN-KB đã phát lửa gần 20 điểm, may mắn được kiểm lâm phát hiện kịp thời và khống chế đám cháy. Diện tích rừng lớn, độ che phủ cao lại được cả thế giới chú ý bởi vườn quốc gia PN-KB là Di sản thiên nhiên thế giới, vì vậy trách nhiệm giữ rừng đối với lực lượng kiểm lâm nơi đây hết sức nặng nề. Nhiều địa bàn trong khu vực vườn như Km14, Km17, Km30… đường 20 Quyết Thắng là những điểm dễ cháy nhưng hoàn toàn thiếu nguồn nước.

Vì vậy, các kiểm lâm phải lội bộ hàng chục kilômét, xách gạo, mắm, muối đến các điểm trên rồi dựng lều, căng bạt để giữ rừng. Điều làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên là, trong khi Di sản thiên nhiên thế giới PN-KB mỗi năm thu về cho ngân sách tỉnh hàng chục tỷ đồng từ du lịch, nhưng lực lượng kiểm lâm túc trực 24/24 giờ để giữ rừng, chống cháy rừng, bảo vệ di sản nhưng hoàn toàn không hề được hưởng bất cứ trợ cấp gì.

Suốt 3 tháng hè, các kiểm lâm phải chấp hành đóng trại đủ quân số, không nghỉ phép, không về nhà để phòng, chống cháy rừng nhưng cũng không có chế độ gì cả. Do kinh phí hỗ trợ chữa cháy không có nên ở vườn quốc gia PN-KB hoàn toàn thiếu phương tiện chữa cháy.

Không xe chữa cháy, không xe ôtô vận chuyển, không bình chữa cháy… mỗi khi xảy ra cháy, lực lượng kiểm lâm đành chạy bộ vác cuốc, thuổng, can nhựa… căng sức để chữa cháy. Nếu xảy ra cháy lớn, e rằng sự dũng cảm, tinh thần hy sinh vì nhiệm vụ của kiểm lâm cũng chẳng giữ nổi rừng.

Rừng rộng, hạn hán như đang điên cuồng thiêu đốt, trong khi đó lực lượng kiểm lâm quân ít, trang thiết bị lại thiếu thốn, nên cuộc chiến giữ rừng ở Di sản thiên nhiên thế giới PN-KB đang rất cần sự quan tâm đúng mực của tỉnh Quảng Bình

Dương Sông Lam
.
.
.