Những lỗ hổng “chết người” trong hồi sức cấp cứu

Thứ Sáu, 29/08/2008, 09:48

Có bệnh nhân bị tai nạn giao thông, gãy xương đùi và xương cẳng chân nhưng khi cấp cứu chỉ được nẹp sơ sài 3 que tre ở vết gãy xương cẳng chân. Sau đó, bệnh nhân được vận chuyển từ Nghệ An ra Hà Nội, vết gãy xương đùi không được xử trí khiến bệnh nhân bị sốc choáng không thể hồi phục được và tử vong.

Trước đòi hỏi chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cao, trang thiết bị, nhân lực cho hệ thống hồi sức cấp cứu ở cả bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới dường như chưa được đầu tư đúng mức. Và người phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc, thậm chí bị thiệt mạng chính là các bệnh nhân. Điểm qua tình hình bệnh nhân cấp cứu ở một số bệnh viện lớn, chúng tôi nhận thấy những lỗ hổng nguy hiểm trong hồi sức cấp cứu vẫn đang tồn tại.

Thấy mà lo

Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận tới hơn 2.000 bệnh nhi cấp cứu hàng tháng. Điều đáng buồn là khoảng 0,3% số trẻ cấp cứu bị tử vong do cách xử trí ban đầu sai của y tế tuyến cơ sở và cả người dân trong quá trình cấp cứu và vận chuyển bệnh nhi lên tuyến Trung ương. Trong đó, số ca tử vong đáng tiếc gặp nhiều nhất ở bệnh nhi bị suy hô hấp, chủ yếu là trẻ sơ sinh.

Mặc dù việc cấp cứu nhi ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ tử vong, nhất là trong 24 giờ đầu sau sinh, nhưng mới chỉ có 36% bệnh viện tỉnh, 11% bệnh viện huyện có bộ phận cấp cứu nhi. Tỷ lệ trẻ tử vong trong 24 giờ đầu có chiều hướng tăng do chất lượng khâu cấp cứu và vận chuyển chưa cao, đặc biệt là cấp cứu ban đầu. Vẫn còn tình trạng trẻ suy hô hấp được vận chuyển đến bằng xe máy, trẻ bị bỏng, chấn thương nặng vận chuyển bằng xe không chuyên dụng, không có hệ thống hồi sức cấp cứu...

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hệ thống cấp cứu nhi phải quan tâm tới cả 3 yếu tố: Cấp cứu ở cộng đồng, cấp cứu trong quá trình vận chuyển và cấp cứu ở các cơ sở y tế tiếp nhận. Lâu nay, ngành Y tế dường như mới chỉ quan tâm đến cấp cứu ở các cơ sở y tế. Trong khi cấp cứu cộng đồng, vận chuyển cấp cứu là hai khâu rất quan trọng. Nếu ông bà, cha mẹ, cô dạy trẻ và cả người đi đường biết các thao tác đơn giản xử trí cấp cứu ban đầu, thì đã có thể góp phần cứu sống, giảm diễn biến nặng cho trẻ trong rất nhiều trường hợp, tránh được những cái chết oan uổng.

Tại Bệnh viện Việt Đức, có không ít bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, nhưng lại bị tăng thương tổn, bị nặng thêm tình trạng bệnh, thậm chí tử vong do quá trình cấp cứu ban đầu sai. Có bệnh nhân bị tai nạn giao thông, gãy xương đùi và xương cẳng chân, nếu được sơ cứu đúng thì hoàn toàn có thể điều trị ở tuyến cơ sở. Nhưng bệnh nhân không được phát hiện gãy xương đùi, mà chỉ nẹp sơ sài 3 que tre ở vết gãy xương cẳng chân. Sau đó, bệnh nhân được vận chuyển từ Nghệ An ra Hà Nội, vết gãy xương đùi không được xử trí khiến bệnh nhân bị sốc choáng không thể hồi phục được và tử vong.

Bác sỹ Cao Độc Lập, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt Đức cho biết, điều đáng lo ngại nhất trong khâu hồi sức cấp cứu ban đầu tai nạn chấn thương hiện nay là không đánh giá hết được tình trạng thương tổn của bệnh nhân. Do đó, bệnh nhân không được xử trí cấp cứu đúng ngay từ đầu và có thể bị diễn biến nặng, tử vong oan. Ngay tại Hà Nội, hệ thống cấp cứu 115 mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu.

Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân nội tiết tưởng chừng như có diễn biến bệnh âm thầm, kéo dài, nhưng những lỗ hổng trong hồi sức cấp cứu cũng khiến một số bệnh nhân phải chịu hậu quả đau lòng ngay tức thì. Trên thực tế, đã có những bệnh nhân mắc đái tháo đường bị chỉ định truyền muối, đường, natri hoặc tiêm insulin sai trong tình trạng nguy kịch, dẫn đến hôn mê hạ đường huyết và tử vong. Bệnh nhân mắc bướu cổ bazedo, khi đã bị cương nhiễm độc giáp, nếu không được xử trí nhanh, chính xác thì nguy cơ tử vong là rất cao.

PGS.TS Tạ Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, hiện nay y tế tuyến huyện trên toàn quốc hoàn toàn "trắng" về điều trị các bệnh nội tiết. Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường nhanh nhất thế giới. Mặc dù Bộ Y tế đã tổ chức đào tạo bổ sung nhân lực y tế chuyên khoa nội tiết, tập huấn "cầm tay chỉ việc" cho tuyến cơ sở…, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được số lượng bệnh nhân nội tiết ngày càng đông.

Nỗi oan bác sỹ

"Của đau con xót", nỗi đau mất người thân quá đột ngột hay người thân bị diễn biến nặng oan… khiến người nhà bệnh nhân bức xúc là hoàn toàn chia sẻ, thấu hiểu được. Tuy nhiên, hệ thống cấp cứu còn nhiều lỗ hổng đang khiến các khoa hồi sức cấp cứu tuyến Trung ương - tuyến cao nhất trở thành nơi cực kỳ nhạy cảm giữa sự sống và cái chết. Đây cũng là một phần lý do khiến bác sỹ hồi sức cấp cứu luôn bị phàn nàn, thậm chí khiếu kiện nhiều nhất.

Dù không thể xem nhẹ thái độ trách nhiệm và trình độ chuyên môn của bác sỹ, nhưng bác sỹ Nguyễn Đạt Anh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai tâm sự, những khó khăn của hệ thống cấp cứu hiện nay đang khiến nhiều bác sỹ trẻ và giỏi cảm thấy hoang mang, chán nản.

Tuy có nhiều bức xúc về khâu hệ thống cấp cứu ban đầu, nhưng bác sỹ Đạt Anh cũng rất chia sẻ với y tế tuyến cơ sở. Bởi tuyến dưới vốn chịu nhiều thiệt thòi hơn, nếu chỉ chê trách, chỉ ra cái yếu kém, mà không được đầu tư, nâng cao trình độ chuyên môn cho họ, thì công luận sẽ mất niềm tin, đổ dồn lên điều trị ở tuyến trên, gây quá tải nặng nề. Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai đang phải hoạt động với 200% công suất. Và cuối cùng, người chịu thiệt thòi không ai khác, mà chính là những người bệnh nguy kịch

Thanh Loan
.
.
.