Những chuyến đò ngang chực chờ nguy hiểm

Thứ Sáu, 27/05/2011, 14:59
10 con đò nhỏ (dạng ghe) trên bến đò Tân Thuận được trang bị 2 phao cứu sinh và 3 phao cá nhân. Như vậy quy định mỗi chiếc ghe chỉ chở từ 2 - 3 người. Tuy nhiên, dập dềnh trên con nước mênh mông này, thấy ghe nào cũng từ 5-6 người "ngự" bên trên. Chiếc ghe khẳm như muốn chìm xuống khi những con sóng cứ liên tục đập vào mạn thuyền.

Sau vụ TNGT đường thủy tại Bình Dương làm tàu nhà hàng Dìn Ký bị chìm gây thiệt mạng 16 người, các ban, ngành liên quan bắt đầu "sốt sắng" tiến hành kiểm tra, kiểm định các phương tiện thủy chuyên kinh doanh du lịch trên sông. Nhiều phương tiện được kiểm tra đều đúng thông số kỹ thuật, mức độ an toàn, đầy đủ phao cứu sinh…

Tuy nhiên những ngày này sau "sự kiện Dìn Ký", người ta đã quên mất một loại phương tiện thủy mà nguy cơ bị nạn cũng rất cao đang hoạt động hằng ngày trên các tuyến sông. Đó là các chuyến đò ngang chở khách qua sông. Nhiều mối nguy hiểm đang rình rập khách đi đò, đặc biệt là khi mùa mưa đang bắt đầu...

Có áo phao cũng như không

Ngày 25/5, chúng tôi có mặt tại khu vực bến đò Tân Thuận (quận 7). Bến đò nằm ngay góc ngã ba sông Sài Gòn - Kênh Tẻ và hành khách chủ yếu là công nhân, người dân qua phía bến đò An Lợi Đông và ngược lại. Buổi sang nước lên cao, nhiều phương tiện thủy lần lượt cho tàu lớn cập cảng. Hàng loạt xà lan, tàu chở hàng giăng khắp mặt sông Sài Gòn.

Tại bến đò Tân Thuận, 10 con đò nhỏ (dạng ghe) được trang bị 2 phao cứu sinh và 3 phao cá nhân. Như vậy quy định mỗi chiếc ghe này chỉ chở từ 2 - 3 người. Tuy nhiên, dập dềnh trên con nước mênh mông này chúng tôi thấy ghe nào cũng từ 5-6 người "ngự" bên trên. Chiếc ghe khẳm như muốn chìm xuống khi những con sóng cứ liên tục đập vào mạn thuyền.

Phía bên bờ quận 2, bến đò An Lợi Đông có gần 50 phương tiện lưu thông liên tục cắt ngang tuyến hàng hải (tàu biển). Nhìn những người ngồi trên chiếc đò khẳm chập chờn trong biển nước như một chiếc lá trôi giữa dòng mà ớn lạnh. Chỉ cần các con sóng do tàu biển chạy qua tạo ra cũng đủ sức lật úp những con đò này.

Nguy hiểm là vậy nhưng chúng tôi nhận thấy không một hành khách nào có ý thức vận áo phao khi xuống đò nên những chiếc áo phao cũ mèm và hằn dấu vết bị cột chặt lâu ngày trên ghe. Dù là bến An Lợi Đông hay bến Tân Thuận chẳng có người đi đò nào mặc áo phao, ngay cả những đứa trẻ 2-3 tuổi cũng chỉ được phụ huynh bế hờ hững…

Dập dềnh trên nước không áo phao, đò chở quá tải… sẽ là những mối nguy hiểm rình rập họ khi mùa mưa bắt đầu.

Hình ảnh người đi đò "không thích" mặc áo phao cũng diễn ra thường xuyên tại bến Long Kiểng (phường Tân Kiểng, quận 7). Anh Đang, người thường xuyên đi đò từ quận 4 qua quận 7 cười: "Mặc áo phao vào nóng thí mồ. Với lại đoạn kênh Tẻ có rộng bao xa, có lật đò bơi vào bờ mấy hồi!". Tại bến đò Bình Quới trên sông Sài Gòn (Bình Thạnh với Thủ Đức) đoạn sông rất rộng nhưng khách đi đò không ai mặc áo phao dù chủ đò "lâu lâu" cũng nhắc nhở. Anh Nguyễn Đăng Hưng (nhà quận 9) cho biết, lên đò hỏi xin áo phao ai cũng nhìn anh với một ánh mắt rất lạ.

Vẫn trông chờ vào ý thức khách đi đò

Trước đây, Chỉ thị số 09/2010 của UBND TP HCM về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với trật tự an toàn giao thông đường thủy, đã nêu cụ thể: "Tất cả phương tiện thủy nội địa chở khách ngang sông phải trang bị đầy đủ phương tiện cứu sinh, còn hạn sử dụng và bố trí đúng nơi quy định, tại chỗ dễ đến, dễ thấy nhất và dễ sử dụng khi có sự cố, tai nạn xảy ra". Tuy nhiên quy định là như vậy, việc người dân có chấp hành hay không, điều đó mới quan trọng.

Ông Phan Hoàng Trí, Phó Giám đốc Khu quản lý đường thủy nội địa TP HCM cho biết: "Thành phố có gần 40 bến đò ngang đang hoạt động vẫn đưa khách sang sông tại các quận, huyện: Khu quản lý đường thủy nội địa, hiện toàn thành phố có 38 bến đò ngang hoạt động ở các quận 2, 4, 8, 9, 12, Gò Vấp, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn và huyện Bình Chánh. Mặc dù đã có quy định và khuyến khích người đi đò mặc áo phao để đảm bảo an toàn tính mạng của họ nhưng nhiều người đi đò vẫn không thực hiện. Cũng vì chưa có quy định bắt buộc nên cơ quan chức năng không có cơ sở xử lý hành khách đi đò không mặc áo phao".

Một lái đò ở bến đò Tân Thuận (quận 7) cho biết: "Cũng trang bị áo phao đầy đủ trên ghe đó nhưng khách không chịu mặc thì ai ép được. Khách không mặc áo phao mình không chở thì đò khác họ chở, như vậy có mà húp cháo!"(!?).

Việc không kiên quyết của chủ đò khi bị ảnh hưởng đến cuộc sống cũng là điều dễ hiểu vì "khách hàng là thượng đế", chỉ có điều khi xảy ra sự cố "thượng đế" có còn… lớn tiếng được không?

Nghinh Phong
.
.
.